Hiện Việt Nam có 32 di sản thế giới được UNESCO vinh danh trong 3 thập niên qua, trong đó 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp, còn lại là 29 di sản văn hóa (5 di sản văn hóa vật thể, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu).
Di sản không chỉ là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần của người dân mà còn được coi là nguồn lực để tăng trưởng kinh tế. Khai thác các di sản có giá trị trong phát triển du lịch là hướng đi phù hợp với các tiềm năng, thế mạnh nước ta.
Nhiều địa phương trên cả nước hiện đã xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng từ thế mạnh của các di sản văn hóa, không ít nơi đã tạo được thương hiệu nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ví dụ như miền Trung nổi bật với thương hiệu “Con đường di sản”, trong đó nhóm các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cũng có riêng thương hiệu “Tinh hoa Việt Nam” hội tụ các sản phẩm du lịch đặc sắc nhất tại khu vực, bao gồm lịch sử văn hóa, các di sản, thiên nhiên, biển đảo và thành phố.
Còn ở phía Bắc, Hà Nội - trung tâm văn hóa lớn sở hữu hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc sắc như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, Tháp Rùa - đền Ngọc Sơn, Khu Di tích thành Cổ Loa, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh… Hà Nội đã xây dựng sản phẩm du lịch Hanoi City Tour là một tuyến xe buýt 2 tầng với hệ thống thuyết minh bằng 10 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp...) trên nền tảng GPS về những nội dung về các địa danh lịch sử, phố phường trên hành trình góp phần giúp du khách tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thành phố đã nhiều danh hiệu từ các tổ chức, du khách quốc tế, gần đây nhất Hà Nội trở thành điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2023 như một lời khẳng định về thương hiệu và sức hút đặc biệt của giá trị di sản văn hóa lâu đời.
Di sản đóng góp những giá trị lớn đối với ngành du lịch
Dù có những tín hiệu tích cực trong vài năm qua, nhưng loại hình du lịch gắn với di sản vẫn bị đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Các chuyên gia chỉ ra, phần lớn các điểm di sản mới đang ở dạng đầu tư ban đầu hoặc dạng tiềm năng; du lịch di sản tại Việt Nam hiện phát triển rời rạc, thiếu sự hoàn thiện trong kết nối tour, tuyến… Để khắc phục, cần có sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp trong phát triển du lịch di sản, văn hóa.
Một điều rất quan trọng, các di sản văn hóa luôn nhạy cảm và dễ bị tổn thương trong quá trình khai thác. Thương mại hóa quá mức làm di sản xuống cấp, bị hủy hoại. Vì vậy, công tác bảo tồn, giữ gìn rất quan trọng đối với phát huy giá trị các di sản trong phát triển du lịch. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định: Chúng ta bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, biến các giá trị di sản thành tài sản nhưng không phải là bằng mọi giá, đặc biệt là đánh đổi với môi trường. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản gắn với du lịch cần phải có giải pháp mang tính bền vững đảm bảo phát triển lâu dài. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược, quy hoạch du lịch cộng đồng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sâu và rộng hơn nữa về các giá trị của di sản văn hóa Việt Nam ở trong nước với bạn bè thế giới, gắn bảo vệ và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch. Đồng thời, cần giáo dục và đào tạo, hướng tới nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ di sản.
Hồng Sơn