Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2026 được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn cho sự phát triển của tỉnh. Ảnh: P.Tùng
Đồng Nai đang đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch, cũng như thu hút các dự án đầu tư vào những không gian phát triển mới tại khu vực phụ cận các dự án hạ tầng giao thông.
Mở rộng không gian phát triển
Đồng Nai nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng của vùng, cũng như của cả nước. Với vị trí đó, thời gian qua, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Dương Mạnh Hưng cho biết, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch 5 tuyến đường cao tốc và 2 tuyến đường vành đai. Trong đó, các tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Phan Thiết - Dầu Giây hiện đã đưa vào khai thác. Các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu và đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đang được triển khai xây dựng. Cùng với đó, Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, dự án đầu tư xây dựng lớn nhất cả nước từ trước tới nay, cũng đang được triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn tỉnh, ngoài 4 tuyến quốc lộ hiện hữu, theo quy hoạch sẽ được bổ sung thêm 3 tuyến quốc lộ mới với chiều dài 99km.
Ngoài ra, thời gian tới, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác như các tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc và đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được triển khai thực hiện.
Cùng với hệ thống đường bộ, các dự án hạ tầng giao thông đường sắt như các tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; Biên Hòa - Vũng Tàu và Dự án Sân bay Biên Hòa đang được hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Bên cạnh các dự án hạ tầng giao thông do Trung ương triển khai thực hiện, hàng loạt dự án giao thông do tỉnh triển khai đang tiến hành các thủ tục đầu tư, nhất là các dự án phục vụ kết nối Sân bay Long Thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay, các dự án hạ tầng giao thông do Trung ương cũng như tỉnh triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh không chỉ đóng vai trò kết nối giao thông, mà còn mở ra những không gian phát triển mới cho tỉnh.
Nắm bắt thời cơ phát triển
Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, thời cơ phát triển, đặc biệt là từ không gian phát triển khi các dự án này hoàn thành và đưa vào khai thác, là rất lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, để khai thác tối đa tiềm năng phát triển từ Sân bay Long Thành, tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ như: lập quy hoạch vùng Sân bay Long Thành, xây dựng hệ thống giao thông kết nối, quy hoạch hệ thống logistics khu vực vùng sân bay nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương cũng như toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Công nhân thi công Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn Đồng Nai.
Tại Hội nghị Quy hoạch xây dựng khu vực 5 ngàn hécta Sân bay Long Thành và hệ thống hạ tầng kết nối do UBND tỉnh tổ chức vào giữa tháng 8-2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý các cơ quan chức năng của tỉnh phải rà soát lại toàn bộ hệ thống giao thông kết nối sân bay. Đồng thời, các cơ quan nỗ lực đầu tư, chuẩn bị trước một bước dịch vụ bên ngoài sân bay gồm dịch vụ lưu trú đáp ứng nhu cầu ăn ở, mua sắm của du khách như: khách sạn, nhà hàng; dịch vụ kho bãi, logistics hàng không bên ngoài sân bay, dịch vụ du lịch…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng cho biết, tỉnh sẽ sớm công bố 100 dự án về phát triển dịch vụ cho Sân bay Long Thành nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư để đồng bộ hạ tầng dịch vụ, du lịch khi sân bay đi vào hoạt động.
Trước đó, tại Hội nghị Giao ban kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lên danh mục những công trình, dự án phải hoàn thành trước tháng 6-2026 để kết nối cùng Sân bay Long Thành.
Tương tự, tại các dự án hạ tầng giao thông khác, Đồng Nai cũng đặc biệt chú trọng đến việc khai thác không gian phát triển vùng phụ cận nhằm nắm bắt thời cơ phát triển khi các dự án này hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Trong đó, giải pháp mà tỉnh rất chú trọng thực hiện là việc quy hoạch khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án hạ tầng giao thông. Với quỹ đất khai thác được hướng đến mục tiêu phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, đây không những là giải pháp “tái tạo vốn” đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển, mà còn là bước đi nhằm khai thác tối đa những không gian phát triển mới vùng phụ cận các dự án hạ tầng giao thông.
Phạm Tùng