Khai thác lợi thế kinh tế biển: Cơ hội để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng 2045

Khai thác lợi thế kinh tế biển: Cơ hội để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng 2045
21 giờ trướcBài gốc
Chịu tác động của biến đổi khí hậu
Báo cáo Việt Nam 2045 với chủ đề Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đã khẳng định, Việt Nam đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng, đó là trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việt Nam có 3.260 km đường bờ biển, đây là lợi thế để khai thác kinh tế biển. Ảnh minh họa
Theo Ngân hàng Thế giới, mục tiêu này trở nên thách thức hơn trong bối cảnh, Việt Nam có 3.260 km đường bờ biển, các vùng đồng bằng châu thổ đất thấp và khí hậu nhiệt đới. Việt Nam đang phải đối mặt với các rủi ro khí hậu lớn, các đợt nắng nóng, ngập lụt, bão và mực nước biển dâng cao không chỉ là những thách thức về môi trường mà còn đe dọa những cánh đồng đang nuôi sống cộng đồng, các nhà máy và đô thị cũng chính là động lực tăng trưởng, và cơ sở hạ tầng đang kết nối người dân và các thị trường.
Đặc biệt, nếu mực nước biển dâng từ 75 - 100 cm, gần một nửa Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập vào giữa thế kỷ 21. Ngoài ra, các đô thị, trung tâm công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam cũng có nguy cơ rủi ro với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như căng thẳng do nhiệt độ cao, gió lớn do bão, mưa lớn và ngập lụt.
70% dân số Việt Nam sinh sống ở các địa bàn duyên hải và đô thị có mật độ cao, cũng như địa bàn của phần lớn trong số 433 khu công nghiệp, là nguồn cung cho 90% hàng chế tạo, chế biến xuất khẩu của quốc gia. Các địa bàn đô thị cũng phải đối mặt với nhiệt độ tăng, căng thẳng do nhiệt độ cao và nguy cơ với những cơn bão ngày càng khắc nghiệt. Các đô thị có mật độ cao như thành phố Hồ Chí Minh phải chịu hiệu ứng “đảo nhiệt”, đẩy nhiệt độ cao nhất trong ngày thêm vài độ so với các vùng nông thôn xung quanh.
Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, khoảng 71% doanh nghiệp sản xuất trong ngành may mặc và 74% doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, là hai lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang hoạt động tại các khu vực thường xuyên đối mặt với căng thẳng do nhiệt độ cao, khiến 1,3 triệu lao động rơi vào nhóm dễ bị tổn thương.
Từ phân tích trên, bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng, nếu không có những biện pháp thích ứng kịp thời, tác động của biến đổi khí hậu có thể làm giảm sản lượng kinh tế của Việt Nam, đe dọa khả năng đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Đại hội Đảng lần thứ 12, đã vạch ra tầm nhìn về phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam. Ảnh minh họa
Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và khai thác lợi thế kinh tế biển
Thách thức rất lớn, nhưng báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra những lợi thế mà kinh tế Việt Nam đang sở hữu nhờ đường bờ biển dài trên 3.260 km.
Cụ thể, theo Ngân hàng Thế giới, với trên 3.260 km đường bờ biển và các hệ sinh thái biển phong phú cũng đem lại cơ hội cho Việt Nam trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn và có khả năng chống chịu hơn.
Gần 30% dân số của Việt Nam sinh sống tại các vùng duyên hải, cũng là những địa bàn đóng góp một tỷ lệ đáng kể các hoạt động kinh tế của quốc gia. Đại dương của Việt Nam, với các hệ sinh thái biển và ven biển đa dạng như: Rừng và rừng ngập mặn là nguồn sinh kế quan trọng, đem lại các dịch vụ sinh thái thiết yếu cho phát triển kinh tế bền vững.
Các hệ sinh thái ven biển phòng vệ cho khoảng 7% dân số (7 triệu người) tránh ngập lụt, che chắn cho trên 1% tổng diện tích đất đai của quốc gia (0,3 triệu ha), bao gồm một số vùng đất màu mỡ nhất, và bảo vệ cho những tài sản kinh tế trị giá lên đến 6,5 tỷ USD (tương đương 1,6% GDP), như các công trình hạ tầng, bất động sản, đất nông nghiệp.
Cùng với đó, các lĩnh vực quan trọng như nuôi trồng, đánh bắt hải sản, du lịch tàu thuyền, và tiềm năng sản xuất điện gió ngoài khơi phải dựa vào những tài sản thiên nhiên của biển để sản xuất và đảm bảo sinh kế.
Đặc biệt, theo Ngân hàng Thế giới, các chính sách của Việt Nam đã ghi nhận tầm quan trọng của kinh tế biển. Cụ thể, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã vạch ra tầm nhìn về phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam, đưa ra chỉ tiêu rõ ràng cho kinh tế biển vào năm 2030 và tầm nhìn dài hạn đến năm 2045.
Nghị quyết đặt mục tiêu, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh và thịnh vượng. Đến năm 2030, các lĩnh vực kinh tế biển dự kiến đóng góp 10% GDP, nhờ tăng trưởng mạnh mẽ và đầu tư vào thủy sản, hàng hải và du lịch biển.
Bên cạnh khai thác lợi thế kinh tế biển, để đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, bà Dorsati Madani cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường, đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tăng trưởng kinh tế xanh hơn để giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Việt Nam đã tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu việc làm xanh. Đặc biệt, với việc Chính phủ, doanh nghiệp và các hộ gia đình tại Việt Nam đang mở rộng quy mô hành động thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, nên nhu cầu về việc làm xanh dự kiến sẽ tăng lên, tạo ra cơ hội mới về năng lượng tái tạo, hạ tầng chống chịu khí hậu, nông nghiệp thông minh…
Nguyễn Hòa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/khai-thac-loi-the-kinh-te-bien-co-hoi-de-viet-nam-hien-thuc-hoa-khat-vong-2045-412266.html