Khai thác lợi thế vùng nguyên liệu thủy sản để xây dựng sản phẩm OCOP

Khai thác lợi thế vùng nguyên liệu thủy sản để xây dựng sản phẩm OCOP
6 giờ trướcBài gốc
Sản phẩm OCOP thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện đang ít cả về số lượng cũng như chủng loại, chủ yếu vẫn là những sản phẩm truyền thống như nước mắm, mắm ruốc, mắm cá được sản xuất tại một số cơ sơ sản xuất, chế biến thủy sản quy mô nhỏ ở các địa phương ven biển thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị, nguyên nhân chưa khai thác được dư địa trong phát triển sản phẩm OCOP từ thủy sản là do các cơ sở chế biến trong tỉnh tiềm lực hạn chế, chưa đủ điều kiện đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm chế biến sâu và đa dạng sản phẩm. Bên cạnh đó cũng có nhiều chủ thể chưa hiểu hết vai trò, ý nghĩa và giá trị của sản phẩm OCOP mang lại nên không mặn mà tham gia.
Tỉnh Quảng Trị có đường bờ biển dài gần 75 km, diện tích vùng triều cửa sông và vùng cát ven biển hơn 3.500 ha. Năm 2024, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt trên 38 nghìn tấn, trong đó khai thác đạt trên 29 nghìn tấn. Với tiềm năng, lợi thế về nguồn lợi thủy hải sản, tỉnh Quảng Trị có điều kiện thuận lợi về vùng nguyên liệu để xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng trên lĩnh vực này.
Điều này không chỉ mở ra cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân mà còn giúp các địa phương đạt chuẩn tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Để khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu thủy sản, bên cạnh sự nỗ lực của các chủ thể sản xuất, ngành chức năng và các cấp chính quyền cần có sự quan tâm, đồng hành nhiều hơn nữa để người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, xây dựng sản phẩm. Một trong những đặc thù của sản phẩm OCOP là phải mang nét đặc trưng của địa phương, gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.
Vì lẽ đó, năm 2024, chủ đề phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Trị là “Phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng, chủ lực của địa phương”. Tỉnh ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng, chủ lực của từng địa phương, có liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất bền vững.
Vì thế, các địa phương cần tìm hiểu cụ thể hơn về chủ trương này, từ đó định hướng người dân tận dụng lợi thế về vùng nguyên liệu thủy sản, nhất là thủy sản khai thác biển để xây dựng sản phẩm OCOP; đồng thời nắm bắt nhu cầu thị trường để phát triển sản phẩm phù hợp, có nét riêng, tạo lợi thế khi tham gia. Cần chú ý phát triển sản phẩm từ sản xuất thuần túy sang quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại, chuyên sâu.
Để làm được điều này cần khảo sát, đánh giá tiềm năng các loại thủy sản như tôm, cá, cua, mực, sứa... từ đó có hướng xây dựng sản phẩm chế biến phù hợp như hấp, sấy, đông lạnh, đóng hộp, hải sản khô... cho từng loại thủy sản để đa dạng dòng sản phẩm. Bên cạnh đó cũng cần hướng dẫn người dân nâng cấp dòng sản phẩm chế biến truyền thống như mắm cá, ruốc, nước mắm... tạo nên sản phẩm có chất lượng, uy tín trên thị trường.
Tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các địa phương khai thác, phát triển sản phẩm thủy sản mới trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu và khôi phục, phát huy các làng nghề, nghề truyền thống; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số để phát triển và kiểm soát chất lượng vùng nguyên liệu thủy sản có sản phẩm OCOP. Hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất.
Tổ chức và khuyến khích chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua hội chợ trong nước, khu vực để quảng bá sản phẩm; hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử vừa bán hàng kết hợp quảng bá sản phẩm nhằm tiếp cận, mở rộng đối tượng khách hàng trên không gian mạng. Tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP, mô hình OCOP thủy sản tiêu biểu ở các địa phương trong nước cho người dân vùng biển, vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh học tập nhân rộng.
Có chính sách khuyến khích cơ sở chế biến thủy sản ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư máy móc, dây chuyền chế biến hiện đại để chế biến sâu, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng đạt các chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Hỗ trợ các cơ sở xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thiết kế bao bì hấp dẫn, thông tin minh bạch về nguồn gốc, giá trị dinh dưỡng và quy trình sản xuất; tư vấn, hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, gắn thương hiệu với các yếu tố địa phương để tạo sự khác biệt, nét đặc trưng trong từng sản phẩm.
Mai Lâm
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/khai-thac-loi-the-vung-nguyen-lieu-thuy-san-de-xay-dung-san-pham-ocop-191300.htm