BHG - Quang Bình có hơn 47.500 ha rừng được thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), chiếm 87% diện tích có rừng của huyện. Năm 2024, tổng số tiền đã chi trả trên 4,4 tỷ đồng. Với nguồn lợi đem lại từ rừng rất lớn, người dân đang ngày càng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nguồn thu nhập chính của 62 hộ đồng bào dân tộc La Chí, Pà Thẻn ở thôn Hạ Sơn, thị trấn Yên Bình là phát triển kinh tế rừng. Rừng trồng chủ yếu bằng giống cây gỗ tốt như: Keo lai, bồ đề, quế. Nhiều gia đình có diện tích trồng rừng từ 2 - 13 ha. Sau mỗi chu kỳ khai thác, bà con có thể thu về hàng chục triệu đồng, cao nhất hơn 100 triệu đồng. Năm ngoái, thôn có hơn 158 ha rừng được chi trả DVMTR rừng với số tiền 9,8 triệu đồng. Ngoài ra, 28 hộ dân nhận được hơn 10 triệu đồng tiền DVMTR. Đây là nguồn thu đáng kể giúp đồng bào các dân tộc thiểu số cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Anh Làn Văn Tường (phải), thôn Hạ Sơn, thị trấn Yên Bình (Quang Bình) phát triển kinh tế rừng.
Anh Làn Văn Tường, thôn Hạ Sơn chia sẻ: “Với 2 ha rừng vừa cho khai thác, gia đình tôi đã thu được 50 triệu đồng. Số tiền này, tôi dùng đầu tư chuồng trại, mua thêm gia súc, gia cầm để phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia vào tổ bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư, nhằm tăng cường các hoạt động tuần tra, duy trì diện tích rừng được giao, ngăn chặn tình trạng suy thoái rừng. Bởi vậy, những cánh rừng nơi đây luôn xanh ngát, giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước, hạn chế xói mòn, phục vụ hiệu quả cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp”.
Tổng diện tích rừng trên địa bàn thị trấn Yên Bình là 3.540 ha, trong đó, có hơn 441 ha rừng phòng hộ và gần 3.000 ha rừng sản xuất. Năm 2024, tổng kinh phí chi trả DVMTR theo kế hoạch năm 2023 đạt 210 triệu đồng, được phân bổ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng của UBND thị trấn, chi khoán cho cộng đồng thôn và các hộ dân. Quá trình chi trả được thực hiện minh bạch, công khai, đảm bảo đúng đối tượng. Các thôn, tổ dân phố đều xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng, ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng chính sách DVMTR, thị trấn đang phục hồi rừng tự nhiên bằng các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, trồng rừng bổ sung và trồng dược liệu dưới tán rừng, vừa tạo sinh kế lâu dài cho người dân, vừa tăng tỷ lệ che phủ rừng.
Qua trao đổi, đồng chí Linh Văn Huấn, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quang Bình cho biết: “Địa phương có diện tích rừng và số tiền chi trả DVMTR lớn. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm đã làm tốt công tác tham mưu, báo cáo về tình hình giải ngân cho UBND huyện và tham gia kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR tại các xã, thị trấn. Với địa bàn rộng, đa dạng các loại rừng, lực lượng mỏng, chúng tôi luôn bám sát cơ sở, dựa vào cộng đồng dân cư, phong phú các hình thức tuyên truyền để tạo sự chuyển biến tích cực của người dân trong thực hiện các quy định về Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, khen thưởng những cá nhân tố giác vi phạm và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại đến rừng. Hạt Kiểm lâm huyện đang tiếp tục thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ cao, xây dựng hệ thống phát hiện sớm mất rừng từ ảnh vệ tinh; theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng qua website: https://kiemlam.org.vn và trên hệ thống giamsatrunghagiang.ifee.edn.vn; xác minh các điểm báo cháy từ ứng dụng HaGiangFFW trên thiết bị di động cá nhân”.
Năm nay, huyện Quang Bình phấn đấu tăng tỷ lệ che phủ rừng đạt 70% và trồng mới 983 ha rừng. Thông qua việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, chắc chắn rừng sẽ ngày một thêm xanh, mang lại thu nhập cao hơn cho người dân gắn bó với rừng.
Bài, ảnh: MỘC LAN