Làng bún Cẩm Thạch, xã Cam An (nay là xã Thanh An), huyện Cam Lộ đã có từ lâu đời. Đến năm 2019, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân xã Cam An được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bún Sòng Cam Lộ”.
Tuy nhiên, đến nay thương hiệu bún Sòng vẫn chưa có sự thay đổi gì về hình thức (không có bao bì, nhãn mác...) để người tiêu dùng có thể phân biệt với sản phẩm bún của các làng nghề khác trên thị trường.
Người dân làng nghề vẫn quen cách sản xuất nhỏ lẻ. Bún Sòng cũng như nhiều loại bún truyền thống khác chủ yếu bán ở các chợ dân sinh, hàng quán trên địa bàn. Nhãn hiệu tập thể “Bún Sòng Cam Lộ” sau hơn 5 năm ra đời nhưng không làm cho thương hiệu bún Sòng vì thế mà phát triển hơn hay được nhiều người biết đến hơn.
Không riêng gì bún Sòng mà nhiều nhãn hiệu tập thể về các mặt hàng nông sản, sản phẩm làng nghề truyền thống cũng rơi vào cảnh tương tự. Theo khoản 17, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi khoản 2, Điều 1, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 và gần đây nhất năm 2022, Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ), nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. Mục đích sử dụng là bảo vệ quyền lợi chung của các thành viên trong tổ chức, tạo sự khác biệt cho sản phẩm hoặc dịch vụ của họ trên thị trường.
Từ đó thúc đẩy hình ảnh chung của tổ chức, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Tuy vậy, có một thực tế là hiện nay, nhiều nhãn hiệu tập thể được công nhận nhưng thành viên, hội viên (chủ đơn thường là hợp tác xã, hội nghề nghiệp...) của nhãn hiệu đó lại chưa thật sự biết mình có quyền lợi và nghĩa vụ gì khi được công nhận và tham gia.
Nhất là khi một số sản phẩm nông sản tiêu thụ dưới dạng thô, tự phát, sức cạnh tranh yếu nên họ không quan tâm tới việc có hay không nhãn hiệu của sản phẩm. Trong khi đó đơn vị trực tiếp quản lý nhãn hiệu là các cơ quan quản lý nhà nước chưa xây dựng được quy chế hoạt động để sử dụng cũng như định hướng khai thác, phát triển và bảo vệ nhãn hiệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong cộng đồng.
Công tác quản lý, phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan quản lý và các chủ thể sở hữu nhãn hiệu vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức.
Nhãn hiệu tập thể là tài sản trí tuệ, thương hiệu chung của cộng đồng hoặc một nhóm người nên cần có sự kết nối, liên kết giữa các thành viên với nhau cũng như giữa từng thành viên với tổ chức được cấp quyền sở hữu.
Bên cạnh vai trò năng động, tích cực của người đứng đầu còn cần ý thức, trách nhiệm của từng thành viên, hội viên trong thực hiện quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào nhãn hiệu tập thể. Đơn vị sở hữu nhãn hiệu tập thể, nhất là sở hữu những sản phẩm mang tính đặc trưng của một vùng đất, gắn với chỉ dẫn địa lý thì chủ sở hữu của nhãn hiệu đó cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xây dựng kế hoạch, phương án về lộ trình phát triển nhãn hiệu sát với thực tế địa phương.
Đơn vị sở hữu nhãn hiệu cũng cần tranh thủ các nguồn hỗ trợ, tài trợ từ các chương trình dự án của trung ương, địa phương trong phát triển thương hiệu, kết nối cung cầu. Đồng thời tăng cường hợp tác với cơ quan quản lý để tìm hiểu về quy định và chính sách liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu, đảm bảo tuân thủ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Cần xây dựng quy chế quản lý hội viên, quản lý quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đã được đăng ký. Đặc biệt, cần tạo ra hình ảnh độc đáo, có thông điệp rõ ràng trên bao bì, nhãn mác để tạo nhận biết, dấu ấn riêng cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Theo dõi sát sao việc sử dụng và bảo vệ nhãn hiệu, đảm bảo không có vi phạm liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu tập thể mà đơn vị đang sở hữu.
Tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa các thể chế như: hỗ trợ, đăng tải, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu tập thể trên các trang thương mại điện tử, các website của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan.
Tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến về sở hữu trí tuệ cho người dân, các chủ sở hữu, chủ sử dụng nhãn hiệu tập thể; đồng thời định kỳ hằng năm cần có kiểm tra, giám sát, đánh giá lại các nhãn hiệu đã được cấp bằng chứng nhận.
Qua đó nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ cũng như lợi ích, tầm quan trọng của việc quản lý, khai thác và phát triển, bảo vệ nhãn hiệu đã được công nhận.
Mai Lâm