Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 để phát triển hạ tầng giao thông

Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 để phát triển hạ tầng giao thông
21 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: N. Phượng.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chủ trì hội nghị.
Báo cáo tóm tắt Tờ trình và dự thảo Đề án cho thấy, Dự án xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô là một trong những dự án trọng điểm quốc gia được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số địa phương lân cận. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, gồm 58,2 km qua địa phận Hà Nội, còn lại là 9,7 km tuyến nối với cao tốc Hà Nội-Hạ Long và phần đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Cùng với việc khẩn trương tập trung đầu tư, thi công xây dựng tuyến đường, việc định hướng phát triển đô thị hai bên trục Vành đai 4-Vùng Thủ đô cũng là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra nhằm khai thác không gian, đất đai, tăng hiệu quả đầu tư, tạo nguồn lực phát triển cho các địa phương.
Do đó, việc triển khai thực hiện Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là hết sức cần thiết, tạo nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của TP Hà Nội.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N. Phượng.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, các nhà khoa học cùng chung quan điểm cho rằng, việc triển khai thực hiện Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tối đa lợi thế, giá trị quỹ đất phụ cận tuyến đường, là cơ sở để lập dự án thu hút đầu tư, góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, đồng thời ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả tại các địa phương, tạo nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tiềm năng tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông, nhưng cần thực hiện minh bạch, công bằng và có sự giám sát chặt chẽ, thậm chí thành lập hội đồng giám sát độc lập để theo dõi quá trình triển khai đề án. Cùng với đó ban hành cơ chế đảm bảo quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt về tái định cư và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N. P.
Ở góc độ khác, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cấu trúc của đề án cơ bản hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành, song còn một số vấn đề cần quan tâm như về tổ chức thực hiện cần tiếp cận đổi mới theo Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
“Nhìn chung dự thảo đề án đã khái quát nhưng chưa tiếp cận các đột phá mới đang thực hiện, cần nghiên cứu để điều chỉnh nhằm đảm bảo tính khả thi khi đề án được ban hành”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh. N. P.
Đánh giá cao các ý kiến phản biện thẳng thắn, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát, cập nhật các văn bản chỉ đạo mới của Trung ương, thành phố, đảm bảo căn cứ pháp lý, cơ sở chính trị của Đề án.
Trên cơ sở ý kiến các đại biểu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội thống nhất đề nghị xác định rõ tên Đề án, chỉ tập trung vào phát triển khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, giao thông đường bộ hay phát triển hơn thế nữa. Bên cạnh đó, cần ban hành ngay để khai thác, sử dụng, quản lý chống lãng phí, thất thoát vì theo lộ trình, thành phố Hà Nội quyết tâm bảo đảm tiến độ của dự án Vành đai 4 nên việc thông qua đề án lúc này là rất cần thiết. “Đề nghị cập nhật tất cả các cơ sở pháp lý, những nội dung mới, làm rõ khái niệm vùng phụ cận, khảo sát phân rõ vùng phụ cận, nội dung kết nối trong phạm vi Thủ đô và Vùng Thủ đô; hình thức khai thác, sử dụng quỹ đất trong vùng phụ cận…”, bà Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.
Từ đánh giá tác động của Đề án, bà Nguyễn Lan Hương cũng cho rằng, cần đặc biệt quan tâm vấn đề an sinh xã hội và thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm công khai, minh bạch trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai…
Tuệ Phương
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/khai-thac-quy-dat-vung-phu-can-duong-vanh-dai-4-de-phat-trien-ha-tang-giao-thong-10302930.html