Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Thực hiện minh bạch, giám sát chặt chẽ

Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Thực hiện minh bạch, giám sát chặt chẽ
20 giờ trướcBài gốc
Chiều nay, 4/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP thông qua Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường chủ trì Hội nghị.
Tạo nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị khung
Trình bày tóm tắt các dự thảo Đề án, Tờ trình của UBND TP và Nghị quyết của HĐND TP về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho hay, mục tiêu của Đề án là nghiên cứu thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng nguồn lực là quỹ đất phụ cận hai bên đường Vành đai 4, nhằm phát huy tối đa nguồn lực từ việc khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của TP Hà Nội.
Đồng thời, tạo nguồn lực phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị khung, nhất là hạ tầng giao thông; đề xuất giải pháp quản lý, khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất; bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của TP giai đoạn 2026-2030.
Diện tích quỹ đất dự kiến khai thác là quỹ đất phụ cận tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn 8 quận, huyện có diện tích khoảng 18.450ha (Sóc Sơn 724 ha; Mê Linh 2.441ha; Đan Phượng 2.094ha; Hoài Đức 3.345ha; Hà Đông 775ha; Thanh Oai 2.562ha; Thanh Trì 533ha; Thường Tín 5.976ha) với 40 khu đất; trong đó diện tích có thể khai thác khoảng 8.725,5ha.
Hình thức khai thác đề xuất, thứ nhất là đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất: Tổ chức phát triển quỹ đất của TP hoặc UBND cấp huyện hoàn thiện thủ tục về đầu tư, quy hoạch, GPMB hoặc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT) (nếu có) để tổ chức đấu giá QSD đất theo quy định.
Thứ hai, đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó đơn vị thực hiện là Sở KH&ĐT hoặc UBND quận, huyện hoàn thiện thủ tục về đầu tư, quy hoạch để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định; thực hiện hình thức nhận chuyển nhượng, thuê QSD đất, nhận góp vốn bằng QSD đất để đề xuất dự án đầu tư. Sau khi được UBND TP có văn bản chấp thuận, nhà đầu tư thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê QSD đất, nhận góp vốn bằng QSD đất để đề xuất thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị
Trên cơ sở kết quả rà soát quỹ đất, dự kiến nguồn thu giai đoạn 2024-2030 khoảng 140.000 tỷ đồng (đã khấu trừ kinh phí GPMB).
Về phương án quản lý, sử dụng nguồn thu, dự thảo nêu rõ, nguồn thu từ việc khai thác quỹ đất này phải được khai thác hiệu quả hợp lý, tập trung, không phân tán, dàn trải nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, tuân thủ các quy định pháp luật về NSNN, đất đai, phí, lệ phí...
Nguồn thu từ Đề án thuộc cấp ngân sách TP hưởng 100% (đơn vị thực hiện là Tổ chức phát triển quỹ đất của TP) hoặc phân chia nguồn thu theo tỷ lệ phần trăm giữa các cấp ngân sách (đơn vị thực hiện là UBND cấp huyện); phương án quản lý, sử dụng nguồn thu được thực hiện theo quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của TP tại thời điểm triển khai thực hiện các dự án.
Nguồn thu được sử dụng để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó ưu tiên sử dụng để đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, công trình thủy lợi, đê điều, các cầu trên địa bàn TP nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai; đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô và các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm của TP; đầu tư xây dựng hệ thống HTKT, phát triển đô thị hai bên Sông Hồng.
Cùng đó, việc quản lý, sử dụng nguồn thu cần bám sát Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng đầu tư giai đoạn 2026-2030 của TP; trong đó đầu tư xây dựng HTKT, phát triển KT-XH trên địa bàn các quận, huyện, thị xã có tuyến đường Vành đai 4 đi qua và các hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ khác của TP.
Kinh phí tổ chức GPMB tạo quỹ đất sạch để tổ chức đấu giá được sử dụng từ nguồn ngân sách TP hoặc ứng vốn từ Quỹ phát triển đất của TP theo Nghị định 104/2024NĐ-CP.
Để thực hiện, giải pháp cụ thể được nêu ra là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; hoàn thành điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô và lập Quy hoạch chung xây dựng vùng huyện; hoàn thành lập Quy hoạch chi tiết tuyến đường Vành đai 4… HĐND TP giao UBND TP phê duyệt Đề án và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án hiệu quả, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật, phù hợp thực tiễn của TP.
Các chuyên gia, nhà khoa học góp ý vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP thông qua Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Tiếp cận thực tiễn phù hợp bối cảnh hiện nay
Góp ý vào nội dung các dự thảo Đề án, Tờ trình và Nghị quyết về nội dung này, tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết của HĐND TP, bởi có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện, từ kinh tế, tài chính tới quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông.
Về cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học, Đề án đã nghiên cứu khá cụ thể quy hoạch sử dụng đất bền vững và nghiên cứu dựa trên tiềm năng đất đai, nguồn lực của TP, nhằm quản lý và sử dụng đất hiệu quả, bền vững…
Đặc biệt, về cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm cho thấy nhiều tỉnh, TP đã triển khai các đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông để tạo vốn phát triển hạ tầng. Thực tiễn tại Hà Nội, TP đã tiến hành rà soát và đề ra những giải pháp về chính sách, quy hoạch, phát triển quỹ đất và nguồn vốn ngân sách để khai thác, sử dụng đất nhằm tạo nguồn lực phát triển KT-XH.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo có sự rà soát kỹ lưỡng hơn trong các dự thảo, cập nhật số liệu, dữ liệu và thông tin mới…, để tiếp cận thực tiễn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Trước hết là cần cập nhật cơ sở phát lý quan trọng của Nghị quyết là Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 có hiệu lực từ 1/3/2025; cập nhật những cơ chế, quy định mới khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp trong thời gian tới.
Đáng chú ý, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong các dự thảo nêu việc phân công phân cấp đề xuất theo cơ cấu tổ chức hiện hành (quận, huyện…), song thực tế đang thực hiện theo Kết luận 127-KL/TW ngày 28/2/2025 về “triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, nên cần có đề xuất linh hoạt hơn trong báo cáo tổng kết Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy. Trong đó đã có yêu cầu rà soát lại chương trình phát triển đô thị, điều chỉnh cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, làm rõ mối quan hệ các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh và cấp xã, mối quan hệ với các bộ đã có cơ cấu tổ chức lại).
“Để phù hợp với đổi mới, cần xem xét lại quy định trong dự thảo để linh hoạt trong đề xuất hoặc chọn thời gian phù hợp để trình và phê duyệt cho sát Kết luận 127-KL/TW”- chuyên gia này nhấn mạnh.
Đối với nội dung Đề án, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định về thời gian thực hiện còn nêu chung chung và sơ sài, cần đề nghị cụ thể hóa các bước thực hiện với trọng tâm là quy hoạch chi tiết đi trước, tiếp đó là kế hoạch khai thác, chương trình phát triển… có xác định thời gian hoàn thành từng dự án. Về giải pháp thực hiện, công tác lập quy hoạch chi tiết cần kết nối cả phía Đông và phía Tây Vành đai 4, để thực hiện cần có sự quyết liệt và chỉ đạo của TP khi phê duyệt quy hoạch đồng bộ với quy chế quản lý.
“Để thực hiện bảo đảm kế hoạch, đề nghị trong dự thảo bổ sung làm rõ hơn cơ chế chính sách giám sát, kiểm tra, khi đây là điểm nghẽn của nhiều dự án trên cả nước. Trong dự thảo Đề án mới nêu nguyên tắc chung mà các luật, nghị định đã nêu, nên đề nghị TP xem xét để có phân cấp cụ thể”- Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thẳng thắn nêu ý kiến.
Quang cảnh Hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức chiều 4/4
Cùng kiến nghị tổ chức thực hiện Đề án một cách minh bạch, công bằng và có sự giám sát chặt chẽ, Ths Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công công TP Hà Nội cũng đề xuất trong nội dung Đề án bổ sung việc đánh giá tác động của Đề án tới KT-XH, môi trường, hạ tầng đô thị và cơ chế quản lý quỹ đất. Trong đó có cơ chế giám sát, chống thất thoát tài sản công, tránh lợi ích nhóm trong quá trình khai thác.
Đồng thời, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân (cơ chế đền bù, tái định cư hợp lý, bảo đảm đời sống; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi sinh kế cho lao động trong vùng quy hoạch…); có nội dung về phát triển hạ tầng phụ trợ, đó là quy hoạch thêm không gian công cộng, cây xanh, khu vực dịch vụ tiện ích; xây dựng các tuyến giao thông kết nối, tránh tạo áp lực nên hạ tầng hiện có.
Kịp thời cập nhật những chủ trương, văn bản mới
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học và đánh giá cao sự trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, với tinh thần mục tiêu rất rõ ràng của các dự thảo Đề án, Nghị quyết. Ủy ban MTTQ TP Việt Nam TP cùng các cơ quan sẽ lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ nội dung các ý kiến góp ý trực tiếp và bằng văn bản gửi tới Hội nghị.
Khẳng định tinh thần rất đột phá, quyết tâm của cơ quan soạn thảo và sự cần thiết ban hành Nghị quyết thông qua Đề án vì cần có ngay cơ chế chính sách để quản lý, khai thác, quản lý, sử dụng và chống lãng phí, thất thoát tài sản đất đai, nhất là khi dự án đường Vành đai 4 đã qua 2 năm từ khi khởi công, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị: Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện Đề án, cập nhật những nội dung chủ trương, văn bản mới liên quan của T.Ư, Chính phủ và TP, nhất là Luật Thủ đô và 2 quy hoạch của TP Hà Nội đã ban hành từ năm 2024, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy…
Về tên gọi của Đề án, cần có nội dung mở rộng hơn, gắn với mục tiêu về phát triển KT-XH của Thủ đô. Cơ quan tham mưu cũng cần làm rõ một số khái niệm, nội dung, như về khái niệm “vùng phụ cận”, có nội dung đánh giá tác động của Đề án, nội dung kết nối…
Để tổ chức thực hiện Nghị quyết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP nêu rõ, từ việc đánh giá tác động của Đề án cần có các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng; bảo đảm tính công khai minh bạch thông qua đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Cơ quan tham mưu cần tập trung tiếp thu các ý kiến và cập nhật, điều chỉnh các dự thảo để bảo đảm thời gian ban hành Nghị quyết theo kế hoạch.
Linh Nguyễn
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/khai-thac-quy-dat-vung-phu-can-duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-thuc-hien-minh-bach-giam-sat-chat-che.661321.html