Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã: Bác Ái, Bác Ái Tây và Bác Ái Đông có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, mở ra triển vọng mới làm thay đổi cuộc sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Tận dụng lợi thế, định hướng phát triển cây trồng đặc thù
Phát triển mở rộng diện tích cây sầu riêng mang lại thu nhập cao cho người dân vùng đồng bào xã Bác Ái Tây.
Trên địa bàn các xã: Bác Ái, Bác Ái Tây và Bác Ái Đông có khoảng 40 đập dâng, ao, hồ chứa nước và hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3, kênh vượt cấp có tổng chiều dài trên 138km. Đặc biệt, hồ thủy lợi Sông Cái với dung tích gần 220 triệu m3 hoàn thành đưa vào vận hành được xem là dự án thủy lợi trọng điểm, đa mục tiêu, góp phần đảm bảo nước tưới xuyên suốt trong mùa vụ tại địa phương. Dựa vào điều kiện thực tế ở từng khu vực, các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đổi mới cách làm kinh tế, bằng hình thức đưa các đối tượng cây trồng ít sử dụng nước có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, gắn với nhu cầu tiêu thụ thị trường; cùng với đó, giảm dần diện tích lúa đối với những khu vực canh tác gò đồi, vùng cuối kênh. Nhờ đó, nhiều loại cây được trồng thử nghiệm và nhân rộng đại trà đem lại thu nhập ổn định cho người dân như: Bưởi da xanh, sầu riêng, chuối tại xã Bác Ái Tây, cây điều tại xã Bác Ái, dưa lưới tại xã Bác Ái Đông, với diện tích trên 3.600ha.
Ghi nhận tại một số vùng sản xuất cho thấy, cách làm kinh tế của người dân có sự thay đổi đáng kể, hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định từng bước được xóa bỏ, các hộ dân áp dụng kỹ thuật mới, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp cho năng suất và chất lượng cao. Ông Pi Năng Phiên ở thôn Gia É, xã Bác Ái Tây chia sẻ: "Trong chuyến đi tham quan thực tế mô hình trồng sầu riêng ở Khánh Sơn, nhận thấy điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng khá tương đồng với địa phương mình, nên tôi quyết định đầu tư vốn cải tạo đất, đào ao chứa nước sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để trồng 2ha sầu riêng. Qua 5 năm trồng, sầu riêng cho lứa đầu tiên, với giá bán khoảng 70 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thu về khoảng 150 triệu đồng. Được biết, toàn xã Bác Ái Tây hiện có 105ha sầu riêng; đây là loại cây trồng được xem là chủ lực, ưu tiên phát triển mở rộng diện tích trong những năm tới".
Đáng ghi nhận hơn, phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai rộng lớn, các địa phương còn chú trọng lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo bước đột phá mới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Ông Nguyễn Trọng Hạnh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung ở xã Bác Ái, cho biết: "Tham gia đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, nhất là chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng giao thông đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện giúp hợp tác xã sản xuất thuận lợi với 2ha dưa lưới, dưa lê trong nhà kính. Mỗi năm cung cấp sản phẩm dưa sạch ra thị trường đạt từ 100 - 150 tấn và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Đến nay, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Bác Ái, Bác Ái Tây và Bác Ái Đông phát triển khá nhanh, với 27 mô hình ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây ăn quả; 3 mô hình ươm lan; 8 dự án trồng dưa lưới và sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Có 6 sản phẩm OCOP, với 5 chủ thể được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Rượu chuối mồ côi, hạt chuối cô đơn, bưởi da xanh, dưa lưới, hạt điều…
Hướng tới nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng ngành nông nghiệp
Để thực hiện được mục tiêu đưa sản xuất nông nghiệp phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, khẳng định vị thế là ngành sản xuất chính, tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới, các xã sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp; rà soát, ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế của địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung.
Theo ông Ngô Thanh Lâm - Chủ tịch UBND xã Bác Ái Đông, thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã và một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu trong quy trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ở khu vực miền núi. Từ kết quả đạt được, địa phương tập trung triển khai các giải pháp, thu hút các doanh nghiệp mở rộng mối liên kết trong sản xuất; tăng cường chuyển giao các giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tập huấn, tổ chức hội nghị đầu bờ các giống cây trồng, vật nuôi mới, giúp nông dân áp dụng hiệu quả trong sản xuất.
HỒNG LÂM