Đại Sư ẤN QUANG (Yin Guang: 1861-1940) là vị tổ thứ mười ba trong Liên Tông.
Năm dân quốc thứ 19, ngài đến đất Ngô, sáng lập Linh Nham Tịnh Tông đạo tràng.
Ngài khuyên người lấy luân thường NHÂN QUẢ làm cơ sở, niệm Phật sinh Tây Phương Cực Lạc làm chỗ quy tức.
Đại sư ấn tặng sách Phật năm trăm muôn bộ, tượng Phật hơn trăm muôn bức.
Mùa đông năm Dân quốc thứ 29, Ngài Ấn Quang niệm Phật tạo hóa ở Linh Nham đạo tràng.
Khi trà tỳ Ngài, thu được 32 cái răng còn nguyên, được XÁ LỢI NGŨ SẮC vài ngàn hột.
Đại sư hưởng tuổi đời 80, tăng lạp 60, trứ thuật trăm muôn lời, đệ tử hơn hai mươi muôn, phần nhiều là bậc hiền triết và người có danh vọng trong quốc đảng.
Đại sư Ấn Quang nói:
“Pháp môn Tịnh Độ do Phật Thích Ca, Di Đà kiến lập.
Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền chỉ quy.
Đức Mã Minh, Long Thọ hoằng dương.
Và các Tổ như: Huệ Viễn, Thiên Thai, Thanh Lương, Vĩnh Minh, Liên Trì, Ngẫu Ích …xướng đạo để khuyên khắp thánh, phàm, ngu, trí, đồng tu hành vậy.
Đã tu tịnh nghiệp, phải giữ luân thường, làm hết bổn phận, dứt niệm tà, gìn lòng thành kính, trừ bỏ các điều ác.
Phải vâng làm những việc lành, đừng giết hại, gắng ăn chay, thương tiếc hộ trì mạng sống loài vật, tín nguyện NIỆM PHẬT cầu sinh Tây Phương Cực Lạc.
Bên trong phải vì ông bà, cha mẹ, anh em, chị em.
Bên ngoài vì thân thích, bạn bè, xóm giềng, làng nước, đem pháp môn Tịnh Độ này mà phụng khuyến, chẳng luận người có tin làm cùng không, chỉ hết sức mình khiến cho mọi người đều biết pháp màu nhiệm này mà thôi.
Người niệm Phật, nếu tấm lòng chân thiết, tự có thể nhờ từ lực của Phật, khiến cho khỏi tai nạn đao binh nước lửa.
Dù có bị túc nghiệp sâu dày, hoặc trường hợp chuyển quả nặng địa ngục thành ra quả báo nhẹ đời nay mà ngẫu nhiên bị tai nạn ấy, nếu lúc bình nhật có lòng tín nguyện chân thiết, quyết định lúc bấy giờ sẽ được nhờ Phật tiếp dẫn.
(Trích sách “HƯƠNG QUÊ CỰC LẠC”, Hòa Thượng THÍCH THIỀN TÂM dịch Việt, Nhà xuất bản Tôn Giáo.)
Dưới đây là phần trích từ cuốn sách“KHAI THỊ HỘ QUỐC TỨC TAI”, bối cảnh thời gian là năm 1936, để thấy được tấm lòng từ bi vô lượng của Hòa thượng Ấn Quang đối với chúng sinh.
-Nguyên tác: “Thượng Hải hộ quốc tức tai pháp ngữ”
-ẤN QUANG đại sư khai thị.
-Chuyển ngữ: đệ tử Liên Hương.
-Giảo duyệt: Minh Tiến, Huệ Trang.
~Sách “KHAI THỊ HỘ QUỐC TỨC TAI” của Ấn Quang đại sư, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019
--
1. Lời tựa tác phẩm Ấn Quang Đại sư Khai Thị Lục.
(Trang 11, Sách “KHAI THỊ HỘ QUỐC TỨC TAI”)
THẾ GIAN BIẾN LOẠN DO ĐÂU?
Nói gọn một lời: Do tâm tham - sân - si của chúng sinh tạo nên mà thôi.
Tâm tham thuận theo sự hưởng thụ vật chất càng tăng trưởng mãnh liệt, hễ có chút gì chẳng toại ý liền ganh đua ngay.
Nếu vẫn chẳng toại ý liền công kích, chiếm đoạt, đấu đá khiến cho tử vong, tai nạn xảy ra.
Bởi đó, dịch lệ đói kém xảy ra, hết thảy tai họa phát khởi.
Lửa sân hừng hực, cả thế giới cháy sạch thành tro.
Chỉ mình đức Phật ta xiển dương sự thật Khổ, Không để trị lòng tham của chúng sinh, hoằng dương tông chỉ từ bi để trị lòng sân của chúng sinh.
Ngài lại dạy PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ để chỉ dạy chúng sinh con đường lìa khổ hưởng vui, phương tiện vượt ngang ra khỏi tam giới.
Là phật tử, phải tin vào thể tánh bình đẳng của tam giới, hiểu rõ tướng trạng nhân quả khổ vui.
Phải biết công dụng tự tha cảm ứng, khởi vô duyên đại từ, đồng thể đại bi.
Ngày nào nỗi khổ của chúng sinh chưa trừ thì ngày đó trách nhiệm của kẻ thất phu chưa tận.
Nên trong ngày ấy, các sự nghiệp thỉnh pháp, tùy học, sám hối, cúng dường chưa thể ngưng nghỉ được.
Tông chỉ kiến lập pháp hội HỘ QUỐC TỨC TAI của Bồ Đề Học Hội và các hội viên đã giống như thế, mà lão pháp sư ẤN QUANG phó hội diễn thuyết cũng do bổn hoài ấy.
Đạo lý HỘ QUỐC TỨC TAI nào có phải là cầu gì ở bên ngoài đâu !
Nếu ai nấy chẳng làm các điều ác thì những sự tổn hại chúng sinh đều sẽ chẳng ai làm.
Tham-sân chẳng đủ để tạo thành tai họa vậy !
Ai nấy có thể làm các điều thiện thì hết thảy những việc lợi ích chúng sinh không gì là chẳng làm, quốc gia ắt đạt đến cảnh bình trị vậy !
Ai nấy có thể tu hạnh Tịnh Độ thì sẽ tự tịnh ý mình.
Một niệm NIỆM PHẬT thì một niệm tương ứng với bi tâm của đức A Di Đà.
Niệm niệm niệm Phật thì niệm niệm tương ứng với bi tâm của đức A Di Đà.
Tịnh niệm tiếp nối, tham sân tự trừ.
Nếu thật sự được như thế thì Ta Bà chính là Tịnh Độ, còn lo chi cõi nước chẳng yên, tai nạn chẳng dứt nữa ư?
Yếu nghĩa trong những lời khai thị nhiều phen của Đại Sư chẳng ngoài điểm này.
Nguyện ai đọc đến cuốn Ngữ Lục này sẽ tin nhận, vâng làm theo.
Đọc rồi mới biết trong đạo lý Hộ Quốc Tức Tai, hễ buông bỏ pháp môn Tịnh Độ thì còn pháp nào thích hợp nữa?
Mùa Đông năm Bính Tý,
Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã kính đề tựa.
2. TRIỆT NGỘ ĐẠI SƯ KHAI THỊ
(Trang 15, ~Sách “KHAI THỊ HỘ QUỐC TỨC TAI” của Ấn Quang đại sư, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019)
1. Một là tin hễ có sinh ắt có tử. Khắp cả thiên hạ từ xưa đến nay chưa hề có ai tránh khỏi.
2. Hai là tin nhân mạng vô thường. Hơi thở ra khó còn. Hơi hít vào khó giữ.
Một hơi thở chẳng vào thì đã thành đời sau.
3. Ba là tin đường luân hồi hiểm trở. Một niệm lầm lạc liền đọa nẻo ác.
Được thân người như đất đọng trên móng tay.
Mất thân người như đất trong đại địa.
4. Bốn là tin nẻo khổ dài lâu.Một phen chịu báo trong tam đồ là cả năm ngàn kiếp. Biết khi nào mới ló đầu ra nổi !
5. Năm là tin lời Phật chẳng sai.
Vầng mặt trời, mặt trăng đây còn rơi rụng được.
Núi chúa Diệu Cao còn khuynh động được.
Chứ lời chư Phật chẳng hề sai khác.
6. Sáu là tin thật có Tịnh Độ giống hệt như Sa Bà hiện tại, hiện hữu rành rành.
7. Bảy là tín - nguyện liền sinh. Nay mình đã nguyện thì nay mình sẽ sinh.
Kinh đã giảng rõ. Không dối ta đâu!
8. Tám là tin sinh rồi thì chẳng thoái. Cảnh thù thắng. Duyên mạnh mẽ. Tâm thối chuyển chẳng khởi.
9. Chín là tin một đời thành Phật. Thọ mạng vô lượng. Việc gì chẳng xong!
10. Mười là tin pháp vốn duy tâm.
Duy tâm có hai nghĩa: CỤ (có đủ tất cả) và TẠO (tạo ra tất cả).
Các pháp [vừa nói] như trên tâm ta sẵn đủ, đều do tâm ta tạo ra.
Tin lời Phật thì tạo thành bốn pháp sau (tức là từ Điều 5 đến Điều 8).
Chẳng tin lời Phật sẽ tạo ra pháp bốn trước (Điều 1 đến Điều 4).
Vì thế tin sâu lời Phật là tin tự tâm.
Tu Tịnh nghiệp, đầy đủ mười thứ tín tâm này thì sinh về Cực Lạc độ như đưa bằng khoán lấy về vật xưa, không khó khăn gì!
Tháng 7 năm Giáp Tý, Nột Đường Đạo Nhân viết.
--
3. Ngày thứ nhất:
“NIỆM PHẬT, ĂN CHAY LÀ CĂN BẢN ĐỂ HỘ QUỐC TỨC TAI.”
Ấn Quang tôi vốn là một ông tăng tầm thường, vô tri, vô thức, chỉ biết đến cơm cháo, chỉ biết niệm Phật dăm câu.
Tôi tuy sống uổng quang âm hơn bảy mươi năm, nhưng thực chưa hề triệt để nghiên cứu Phật pháp.
Pháp hội Hộ Quốc Tức Tai lần này, các vị kèo nài tham gia, chẳng từ khước được.
Vả lại, đây là chuyện quan hệ đến phước lợi quốc gia mà cũng là trách nhiệm tôi phải tận lực nên tôi chẳng nề mình giản lậu, đến dự pháp hội này.
Điều tôi giảng hôm nay chẳng phải là lý luận cao sâu gì, chỉ là thuật lại phương pháp căn bản để “tức tai hộ quốc”.
Còn về yếu nghĩa của pháp hội lần này, ngày mai sẽ bàn đến.
Mục đích của pháp hội lần này là HỘ QUỐC TỨC TAI.
Làm sao để đạt được mục đích đó?
Tôi cho rằng phương pháp căn bản là NIỆM PHẬT bởi vì sát kiếp và hết thảy tai nạn đều do ÁC NGHIỆP của chúng sinh chiêu cảm.
Nếu tất cả mọi người đều niệm Phật thì nghiệp này sẽ xoay chuyển được.
*Nếu chỉ có một ít người niệm Phật thì nghiệp ấy cũng có thể giảm khinh.
PHÁP MÔN NIỆM PHẬT tuy là vì cầu sinh Tịnh Độ, liễu thoát sinh -tử mà lập ra, nhưng sức tiêu trừ NGHIỆP CHƯỚNG của nó thật cũng cực kỳ lớn lao.
Người chân chính niệm Phật trước hết ắt phải ngăn tà, giữ lòng thành, giữ vẹn đạo nghĩa, tận hết bổn phận. Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện.
Cần nhất là phải hiểu rõ nhân quả, tự hành, dạy người hành.
Hiện tại không có bậc Thánh để gần gũi.
Bao tà thuyết tàn hại nhân nghĩa đều là do bọn Tống Nho bài bác nhân quả - luân hồi đến nỗi sinh ra ác quả này.
Nếu như ai cũng hiểu rõ lý NHÂN QUẢ thì chẳng một ai dám xướng lên những thuyết sai lầm ấy cả.
Trong thế gian, người tốt hoàn toàn chẳng biến cải rất ít.
Kẻ xấu hoàn toàn chẳng biến cải cũng rất ít;
Đa số là kẻ lúc thượng, lúc hạ, khi tốt, khi xấu, cho nên giáo hóa là điều tối khẩn yếu vậy.
Khổng Tử nói: “Chỉ bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là chẳng thay đổi”.
Chỉ cần ra sức giáo hóa thì không một ai là chẳng thể khiến họ cải ác quy thiện, buông dao đồ tể, lập địa thành Phật.
Chỉ là do nơi con người tin tưởng, tận lực mà hành thôi.
Ngày nay xã hội Trung Quốc sở dĩ loạn lạc đến như thế này chính là do không được giáo hóa.
Nhưng giáo hóa phải bắt đầu từ lúc còn nhỏ, như hay nói:
“Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”.
Nếu lúc nhỏ chẳng dạy, đến lúc lớn khó lòng lay chuyển.
Vì sao? Tập tánh đã thành, không cách chi thay đổi được.
Vì thế, người niệm Phật cần phải chú ý giáo dục con cái mình trở thành người tốt, giữ tấm lòng tốt, nói lời tốt, làm việc tốt.
Nếu ai cũng làm được như thế thì tai nạn tự tiêu. Quốc gia cũng giữ được bình trị dài lâu.
Chân lý mầu nhiệm căn bản của PHÁP MÔN NIỆM PHẬT nằm trong ba kinh Tịnh Độ.
Phẩm Phổ Hiền Hạnh, Nguyện của kinh HOA NGHIÊM đã chỉ rõ:
Niệm Phật chính là căn bản chẳng thể thiếu khuyết của hạnh, nguyện.
Vì Thiện Tài đã viên mãn tâm Thập Tín, tham học với Đức Vân tỳ kheo, được Ngài dạy cho PHÁP MÔN NIỆM PHẬT.
Thiện Tài liền nhập vào Sơ Trụ, phần chứng Phật Quả.
Từ đấy, ông ấy tham học với hơn năm mươi vị thiện tri thức, hễ nghe xong liền chứng, từ Nhị Trụ đạt đến Thập Địa là bốn mươi địa vị.
Tối hậu, ở chỗ Phổ Hiền Bồ Tát, được nghe Ngài khai thị, được sức oai thần gia bị, sở chứng ngang với ngài Phổ Hiền, ngang với chư Phật, liền thành Đẳng Giác Bồ Tát.
--
Sau đó, Phổ Hiền Bồ Tát dùng MƯỜI ĐẠI NGUYỆN VƯƠNG dẫn dắt quy hướng cõi Cực Lạc, khuyến khích, cổ vũ Thiện Tài và Hoa Nghiêm hải chúng nhất trí tinh tấn hành trì, cầu sinh Tây Phương Cực Lạc thế giới, hầu mong viên mãn Phật Quả.
Vì thế, biết rằng:
PHÁP MÔN NIỆM PHẬT, tự phàm phu thuở ban đầu cũng có thể chứng nhập được, mà rốt cục, bậc Đẳng Giác cũng chẳng thể vượt ra ngoài nổi.
Thật là pháp môn Tổng Trì trên thành Phật đạo, dưới giáo hóa chúng sinh, thành thủy, thành chung của mười phương tam thế hết thảy chư Phật.
Vì thế, pháp môn này được cửu giới đồng quy, mười phương chung tán thán, ngàn kinh cùng xiển dương, vạn luận đều tuyên thuyết.
Phàm là người học Phật thì có một việc bắt buộc phải chú ý là rất cần kiêng ăn mặn, vì ăn mặn sẽ tăng trưởng sát cơ.
Con người cùng hết thảy động vật cùng sinh trong vòng trời đất, tâm tánh vốn là bình đẳng, chỉ vì ác nghiệp nhân duyên đến nỗi hình thể sai khác quá xa.
Nếu đời này quý vị ăn thịt chúng nó, đời mai sau chúng nó sẽ ăn thịt quý vị.
Oan oan tương báo, đời đời sát cơ chẳng có lúc nào kết thúc.
Nếu như ai ai cũng ăn chay được thì sẽ bồi dưỡng tâm từ bi của chính mình, tránh khỏi sát cơ.
Nếu không, dù cho niệm Phật, nhưng chỉ lo sướng miệng, vui bụng, ăn đẫy thức tanh hôi, có được lợi ích mấy nhờ học Phật đâu!
Hơn nữa, người đời nay ưa nói Thiền -Tịnh Song Tu.
Xét đến cùng cái gọi là Song Tu đó chỉ là khán câu “NGƯỜI NIỆM PHẬT LÀ AI?”
Đấy là chú trọng tham cứu, chẳng ăn nhập gì đến việc sinh Tín, phát nguyện cầu sinh của Tịnh Độ cả!
Thêm nữa, Thiền Tông nói:
“Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” là nói đến đương nhân đích thân thấy được tâm nay vốn sẵn đủ Phật tánh.
Mật Tông nói: “Ngay thân này thành Phật” (tức thân thành Phật) tức là ngay thân này được giải thoát sinh tử thì đó là “thành Phật”.
Nếu vội hiểu những lời đó có nghĩa là [ngay nơi chính thân này] có thể thành tựu được vạn đức đầy đủ, phước huệ viên mãn thì lầm to, lầm to rồi!
Bởi lẽ, “kiến tánh thành Phật” của Thiền Gia là sở chứng của địa vị đại triệt, đại ngộ, phải đoạn được Kiến Hoặc và Tư Hoặc trong tam giới mới có thể liễu sinh thoát tử.
“Tức thân thành Phật” của Mật Tông chỉ là nói về địa vị mới liễu thoát sinh tử mà thôi.
Địa vị đó là bậc A La Hán trong Tiểu Thừa đã liễu sinh tử, bậc Sơ Tín trong Viên Giáo đã đoạn Kiến Hoặc, bậc Thất Tín đoạn Tư Hoặc rồi mới liễu xong sinh tử.
Bậc Thất Tín và A La Hán tuy cùng liễu sinh tử nhưng thần thông, đạo lực khác xa nhau vời vợi.
Bát Tín, Cửu Tín, Thập Tín phá được Trần Sa Hoặc, cho đến Thập Tín Hậu Tâm phá một phẩm Vô Minh, chứng một phẩm Tam Đức bí tạng, nhập vào Sơ Trụ, thành bậc Pháp Thân Đại Sĩ. [Trải qua] Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác là bốn mươi địa vị rồi mới chứng nhập PHẬT VỊ.
Lịch trình lâu xa như thế đó, làm sao mà một bước vọt đến nơi ngay được?
Người tu Tịnh Độ đã sinh về Tây Phương Cực Lạc liền liễu sinh- tử thì cũng là “tức thân thành Phật”, nhưng Tịnh Tông chẳng nêu cái thuyết tiếm phận ấy.
Đem so với việc thuần cậy vào tự lực của nhà Thiền thì sự khó dễ thật là sai khác một trời một vực.
Kính mong các vị dự hội suy nghĩ chín chắn điều này.
4. Ngày thứ hai:
“BÀN VỀ NHÂN QUẢ BÁO ỨNG VÀ SỰ GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH”
Ngày hôm qua giảng về PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ.
Hôm nay giảng về ý nghĩa của PHÁP HỘI HỘ QUỐC TỨC TAI.
Muốn nói đến “hộ quốc tức tai” thì trước hết phải biết là “hộ quốc” (giữ gìn đất nước) như thế nào?
“Tức tai” (dứt trừ tai nạn) như thế nào?
Tôi cho rằng muốn đạt đến mục đích ấy, có hai biện pháp:
Một là lâm thời, hai là bình thời.
Nếu lúc bình thời có thể ăn chay, niệm Phật để cầu ” hộ quốc tức tai” thì thật là có công đức vô hạn.
Mà lúc lâm thời, dốc lòng thành kính cầu nguyện giữ yên đất nước, dứt bặt tai nạn cũng có hiệu lực tương đương;
Nhưng vẫn chẳng bằng lúc bình thời, mọi người hộ quốc tức tai thì hay hơn.
Bởi lẽ, nếu bình thời đại chúng ăn chay niệm Phật, do nguyện lực tiếp nối, nên tà khí tiêu trừ, chính khí tăng trưởng.
Ai nấy giữ tấm lòng tốt, nói lời tốt, làm việc tốt, thì tự nhiên quốc gia được giữ vững, tai họa chẳng khởi vậy.
--
Sách xưa có ghi:
“Thánh nhân chẳng trị lúc đã bệnh, trị lúc chưa bệnh;
Chẳng trị lúc đã loạn, trị từ lúc chưa loạn”.
Bởi lẽ, đã loạn thì trị khó bình, trị từ lúc chưa loạn thì dễ an.
Trị quốc giống như trị bịnh, có cách trị nơi ngọn, có cách trị nơi gốc.
Trị bệnh là trị khi đã loạn.
Bệnh đã phát thì tìm lấy cách trị có hiệu quả nhanh chóng, chẳng được không đau đầu lại trị bệnh đầu, đau chân thì chữa nơi chân, trị cái ngọn (triệu chứng) trước.
Cái ngọn đã lành, sau đấy mới trị cái gốc khiến cho khí huyết lưu thông điều hòa, khỏe khoắn, sảng khoái.
Gốc đã mạnh khỏe thì tự nhiên tinh thần phấn chấn, khả dĩ hăng hái ra sức.
Hiện thời, quốc gia nguy nan như thể ngàn cân treo sợi tóc.
Tôi cho rằng hiện tại muốn bàn đến chuyện trị quốc thì phải trị cả ngọn lẫn gốc cùng lúc.
Cách kiêm trị không chi tốt hơn là trước hết phải NIỆM PHẬT, tận lực làm lành, kiêng giết chóc, ăn chay, và hiểu sâu xa lý NHÂN QUẢ TRONG BA ĐỜI.
Kiếp vận hiện tại của thế giới, những tai nạn chúng ta phải chịu đựng đều là do quá khứ tạo nhiều ác nghiệp đến nỗi hiện tại cảm thọ khổ quả.
Do đó, biết rằng: Những ác quả này là do ác nhân trong quá khứ tạo thành.
Muốn tránh khổ quả phải dứt khổ nhân.
Quá khứ đã gieo khổ nhân thì chỉ NIỆM PHẬT, SÁM HỐI mới tiêu trừ được nổi.
--
Hiện tại nếu chẳng gieo khổ nhân nữa thì tương lai sẽ khỏi phải chịu khổ quả.
KHỔ NHÂN là gì?
Là ba độc tham, sân, si.
THIỆN NHÂN là gì?
Nếu ai ai cũng hiểu rõ lẽ nhân quả thì chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, tai họa sẽ chẳng từ đâu mà khởi lên được nữa!
Nhưng người đời nay chẳng hiểu lý nhân quả nên lắm mối tư dục đầy ắp dạ, không điều ác nào chẳng làm.
Chỉ biết có mình. Chẳng biết có ai khác.
Nào biết lợi người chính là lợi mình.
Hại người thật tai hại cho mình.
Vì thế, hằng ngày, tôi thường bảo:
“Nhân quả là đại căn bản để thánh nhân trị thiên hạ, để Như Lai cứu độ chúng sinh.
Bỏ nhân quả mà toan bàn đến chuyện trị quốc bình thiên hạ khác gì tìm cá trên cây. Chưa từng thấy ai tìm được cả!”
Phật dạy:
“Muốn biết nhân đời trước, xem quả báo đời này.
Muốn biết quả mai sau, xem việc làm đời này”.
Nếu như những điều mình tạo tác đời này đều là việc ác, đời sau sao khỏi cảnh phải chịu khổ quả cho nổi!
Nếu những hành vi đời này đều là việc lành thì đời sau lo chi chẳng hưởng thiện quả!
--
Kinh Dịch chép:
“Nhà tích thiện ắt sự vui có thừa, nhà chất chứa điều chẳng lành, tai ương ắt có thừa”
(Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh.
Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương).
Kinh Thư chép:
“Tích thiện, giáng chi bách tường.
Tích bất thiện, giáng chi bách ương”
(Làm lành, trăm điều tốt lành giáng xuống.
Làm việc chẳng lành, trăm tai ương đổ xuống).
Lý ấy hệt như lý nhân quả của đức Phật ta đã giảng.
Chữ “dư” đã nói đó chính là tàn dư của chính báo, chứ không phải là chính báo.
Chính người ấy trong đời sau tự mình hưởng thụ điều vui mừng hay tai ương chính, còn dư báo lan qua con cháu.
Dư báo, dư ương đều là do đời trước tích chứa mà ảnh hưởng đến đời này vậy.
Thế nhân chẳng biết nhân quả, cứ cho sau khi chết đi là đã giải thoát hoàn toàn, không nghĩ rằng sẽ lại có quả báo thiện ác nữa.
Đây chính là tà kiến sai lầm nhất của thiên hạ về đời sau vậy.
Cần biết là: Người đã chết đi rồi, thần thức chẳng bị diệt theo.
Nếu con người biết thần thức chẳng diệt thì ắt sẽ thích làm lành, chẳng dám làm ác.
Nếu cho rằng chết đi là hết sẽ chỉ cốt khoái ý chuyện trước mắt, mặc tình phóng túng, không điều ác gì chẳng làm.
Hành vi đại nghịch cực ác ấy đều là kết quả của tà kiến đoạn diệt.
Nếu hết thảy mọi người thật sự có thể chẳng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì tự nhiên thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc.
Nhưng đấy vẫn chưa phải là biện pháp rốt ráo.
*Thế nào mới là biện pháp rốt ráo?
Chính là niệm Phật cầu sinh Tây Phương, liễu sinh- thoát tử.
Và phải ngăn chặn điều tà, giữ lòng thành, củng cố đạo đức, trọn vẹn bổn phận thì chẳng những chuyển được quốc vận, lại còn tiêu trừ được tai nạn.
Bởi lẽ, tai nạn ngày nay đều là do cộng nghiệp của mọi người chiêu cảm.
Nếu ai nấy đều có thể niệm Phật, làm lành thì chuyển được cộng nghiệp, kiếp vận cũng tiêu tan.
Ngay trong lúc chiến cuộc nổ ra ở đất Hỗ, những người niệm Phật được linh cảm rất nhiều.
Bọn họ chỉ tu một mình mà còn đạt được sự linh cảm như thế, huống là tất cả mọi người cùng tu!
Vì thế, ta biết rằng:
Đại chúng chí thành khẩn thiết niệm Phật có thể vãn hồi được quốc nạn.
Lại như đức Quán Thế Âm Bồ Tát dùng ba mươi hai ứng thân vào trong các cõi nước, tầm thanh cứu khổ.
Nếu như có thể chí thành tụng niệm thánh hiệu Quán Thế Âm thì liền được cảm ứng.
Những chuyện linh cảm xưa nay xem trong các sách vở có ghi chép rất nhiều, các vị có thể tự tìm đọc lấy.
Ngoài những thân đã thuật trong phẩm Phổ Môn:
“Bồ Tát thấy nên dùng thân nào để độ được thì liền hiện thân đó cứu độ” ra.
Nếu Ngài thấy nên dùng thân núi, sông, đại địa, cầu đò, đường sá để hóa độ được thì Ngài cũng hiện các thân núi, sông, đại địa, cầu đò, đường sá… để cứu độ chẳng thể nghĩ bàn, chân thật chẳng dối.
Con người hiện tại, kẻ phát được lòng tin chơn thật thì ít, kẻ không tín tâm rất nhiều.
Nếu tất cả mọi người phát được tín tâm, lại còn có thể hành thiện thì có tai vạ nào mà chẳng tiêu diệt được?
Bồi dưỡng tín tâm của phàm nhân từ tuổi nhỏ là tốt nhất.
Vì thế, cha mẹ hãy nên dạy con cái lẽ nhân quả báo ứng, đạo lý củng cố đạo đức, tận hết sức mình ngay từ tuổi thơ ấu. Nếu không, đến lúc trưởng thành, tập tính đã thành, khó có tác dụng gì!
Điều quan trọng nhất là “THAI GIÁO”.
Nếu thai phụ có thể ăn chay, niệm Phật, hành thiện, bỏ ác.
Mắt chẳng nhìn ác sắc, tai chẳng nghe tiếng ác.
Thân chẳng làm việc ác, miệng chẳng nói lời ác, khiến cho đứa trẻ còn trong thai đã bẩm thọ chính khí khiến cho thiên tánh tinh thuần.
Sinh ra, lại giáo hóa thêm thì không đứa nào lại chẳng trở thành thiện nhân.
Xưa kia, các bà Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự hiền thục, nhu mì, đức hạnh giúp chồng dạy con, tạo nền móng cho vương nghiệp nhà Chu cả tám trăm năm.
Họ chính là những tấm gương tiên khởi.
Vì thế, Ấn Quang tôi thường bảo:
“Quyền trị quốc, bình thiên hạ, hàng nữ nhân chiếm hơn quá nửa”.
Bởi lẽ, trong gia đình, người chủ trì việc nhà đa phần là phụ nữ.
Đàn ông thường hay lo việc ngoài.
Nếu mẹ hiền thì những điều lọt vào tai, đập vào mắt của con cái trong nhà đều là những điều dạy dỗ của mẹ, chịu ảnh hưởng của mẹ, lợi ích vô cùng.
Nếu lúc nhỏ để mặc cho chúng tánh tình kiêu căng, phóng túng, tai nghe tự do, tuyệt chẳng lấy chuyện hiếu đễ, trung tín, nhân quả báo ứng để giáo huấn, thì đến khi khôn lớn sẽ khó gì mà không điều ác nào không làm.
Chúng sẽ trở thành quyến thuộc của Ma Vương, không hành vi nào là chẳng ác.
Vì thế, cần phải nuôi dưỡng tâm lành của con cái từ lúc nhỏ, quản giáo nghiêm ngặt.
Phải biết là bọn sát nhân, phóng hỏa, không điều ác gì chẳng làm hiện tại, đa phần là do cha mẹ quen thói nuông chiều, kiêu căng mà nên nỗi.
Thầy Mạnh dẫu hiền cũng cần phải do bà mẹ ba lần đổi chỗ ở, nghiêm nhặt quản thúc mà thành. Huống hồ là bọn phàm phu, tầm thường ư?
--
Hiện tại, ai nấy đề xướng nam nữ bình quyền, cho đó là nâng cao nhân cách của nữ giới;
Kỳ thật, nam nữ thể chất bất đồng. Năng lực, trách nhiệm mỗi giới mỗi khác.
Thánh nhân cho rằng vị trí chính đáng của nam giới là ở ngoài.
Vị trí chính đáng của nữ giới là ở bên trong.
Vị trí chính đáng ở bên trong tức là chăm lo những việc trong gia đình như bếp núc, canh cửi, giúp chồng dạy con v.v…
Hiện nay nữ nhân đổi sang giành trách nhiệm của nam giới nên bỏ phế vị trí chính đáng của mình;
Việc nhà không ai trông coi. Con cái không ai dạy, tai hại vô cùng.
Tuy mang tiếng là nâng cao nhân cách của nữ giới, kỳ thực, chẳng những chỉ khuynh đảo nhân cách phụ nữ lại còn phá hoại cơ sở của gia đình nữa.
Than thở khôn xiết!
Xin những bậc nữ giới anh hiền hãy nhận thức rõ nhân cách của chính mình ở tại đâu.
Ngõ hầu con cái trong gia đình đều thành hiền thiện, thiên hạ lẽ nào còn chẳng thái bình nữa!
--
Vì thế, biết rằng:
Đạo trọng yếu để trị quốc, bình thiên hạ ở ngay tại việc giáo dục trong gia đình, mà việc giáo dục trong gia đình, người mẹ thực sự đảm nhiệm quá nửa.
Lúc trong thai, con cái đã bẩm thụ khí chất của mẹ.
Lúc sinh ra lại nhìn theo nghi thái của mẹ, lãnh thọ sự dạy răn của mẹ.
Cho nên dễ thành hiền thiện.
Điều này tuy chẳng hiện hình tích, nhưng lại là việc trọng yếu để đạt đến thái bình. Tiếc rằng đa số các bậc vĩ nhân chưa thấy rõ điều này.
Nguyện những bậc anh hiền trong nữ giới kể từ nay hãy chú ý.
Người đời nay mỗi khi gọi các bà là “thái thái” thì phải biết là ý nghĩa của hai chữ “thái thái” rất cao quý, to lớn.
Uyên nguyên của hai chữ ấy bắt nguồn từ tận đời Chu.
Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự đều là bậc thánh nhân trong nữ giới. Họ đều giúp chồng dạy con.
Bà Thái Khương sinh ra ba vị thánh nhân là Thái Bá, Trọng Ung và Quý Lịch.
Bà Thái Nhậm sinh Văn Vương. Bà Thái Tự đẻ ra Vũ Vương và Chu Công.
Ba đời nữ thánh sinh ra ba đời ông cháu mấy vị thánh vương tạo thành thời thịnh trị tốt đẹp nhất trong muôn đời.
Người đời sau gọi phụ nữ là “thái thái” tức là muốn đem so các bà ấy với ba bà Thái.
Do đấy, ngẫm xem, Thái Thái là danh hiệu không gì cao hơn nữa để tôn xưng phụ nữ.
Nữ giới thật cần phải có đức hạnh của ba bà Thái thì mới chẳng xấu hổ với danh xưng đó.
Rất mong các vị hiền nữ hiện tại đều có thể thực hiện đạo giúp chồng dạy con, khiến cho con cái mình sinh ra đều thành hiền thiện.
Có thế mới chẳng phụ cái danh xưng ngưỡng mộ trên đây!
--
Kế tiếp, cần phải hiểu đúng vấn đề ĂN CHAY.
Con người và hết thảy động vật vốn cùng thuộc loài hàm linh, nỡ nào giết hại tính mạng chúng để thỏa mãn miệng, bụng mình.
Thân ta dao vừa cắt phải một chút liền cảm thấy thống khổ.
Mới nghĩ đến đó, tim gan đau buốt, còn lẽ nào nỡ giết chúng ăn thịt?
Huống nữa kẻ sát sinh ăn thịt, lâu dần bị nhiễm, dễ khởi sát cơ.
Đao binh, tai kiếp hiện tại đều là do đây mà phát khởi.
Cổ nhân nói:
“Dục tri thế thượng đao binh kiếp; đản thính đồ môn dạ bán thanh”
(Muốn biết can qua trong hiện tại.
Lò mổ xin nghe tiếng giữa đêm), thật đúng là như vậy.
Nhưng thế gian có lắm kẻ tuy cũng hiểu rõ đạo lý Phật pháp mà vẫn thấy kiêng giết, ăn chay là chuyện khó.
--
Năm Dân Quốc thứ mười (1921), tôi đến Nam Kinh thăm bạn.
Ông ta mời ông Ngụy Mai Tôn đến gặp.
Ông Ngụy tin Phật, niệm Phật, nhưng bảo là chưa thể ăn chay.
Tôi dặn ông hãy đọc kỹ Bài Văn Khuyên Tu Phóng Sinh của chùa Cực Lạc ở Nam Tầm đăng trong bộ Văn Sao mấy mươi lượt sẽ ăn chay được.
Bởi lẽ, trong bài văn đó, trước hết nói chúng sinh và Phật tâm tánh chẳng hai.
Tiếp đó, nói đến bao kiếp làm cha, mẹ, huynh, đệ, vợ, con, quyến thuộc, sinh ra lẫn nhau, làm oan gia đối đầu của nhau, giết chóc lẫn nhau.
Tiếp đó, bài văn dẫn kinh Phạm Võng, kinh Lăng Nghiêm làm chứng.
Đọc sâu nghĩ chín, chẳng những chẳng nỡ ăn mà còn chẳng dám ăn nữa kia!
Về sau, tôi biết là chưa đầy hai tháng sau, Ngụy cư sĩ chẳng còn ăn thịt nữa.
--
Lại nữa, bà mẹ của cư sĩ Hoàng Hàm chưa thể ăn chay mà cũng chẳng tin ăn chay là chuyện trọng yếu trong việc học Phật.
Ông Hoàng Hàm ngầm đến hỏi cách khuyên cho mẹ tin, tôi bảo ông sớm tối thay mẹ đối trước Phật sám hối nghiệp chướng.
Do mẫu tử thiên tánh tương quan, nếu thật sự chí thành ắt sẽ được cảm ứng.
Ông Hàm y theo đó phụng hành. Mẹ ông liền có thể ăn chay trường.
Lúc đó bà đã tám mươi mốt tuổi, nhật khóa niệm hai vạn câu Phật hiệu, sống đến năm chín mươi ba tuổi mới mất.
Vì thế, tôi mong từ hôm nay trở đi, hết thảy đại chúng đều chú ý kiêng giết, nên ăn chay và khuyên cha mẹ, con cái, thân hữu của mình cùng nhau ĂN CHAY.
Phải biết đấy cũng là phương pháp căn bản để hộ quốc tức tai.
Hôm nay giảng về ý nghĩa của HỘ QUỐC TỨC TAI và phương pháp để thực hành hộ quốc tức tai chính là NIỆM PHẬT, ĂN CHAY.
Mong quý vị chẳng coi là thiển cận, rồi chẳng buồn lưu tâm đến.
--
“KHAI THỊ HỘ QUỐC TỨC TAI” của Ấn Quang đại sư là một cuốn sách rất hay.
Sách nói về đạo lý và phương pháp giữ gìn đất nước, dứt trừ tai nạn, thiên tai, nhằm mang lại cuộc sống bình an, hoan hỷ cho muôn loài. Mọi người nên cố gắng đọc qua sách này một lần.
(Còn tiếp)
--
Bài: Huy Khiêm, Tp.HCM
Tranh: Guo Tu-C.T MLS