Thời gian qua, Hải Phòng có được những dấu ấn quan trọng trong chuyển đổi số. Năm 2024, thủ tục hành chính (TTHC) được giải quyết qua cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỉ lệ xử lý hồ sơ đúng hạn đạt trên 90%. Hải Phòng đã tích hợp 1.579/1937 dịch vụ công trực tuyến lên cổng quốc gia đạt tỷ lệ 81,5%. Kho dữ liệu dùng chung đã khởi tạo được 192 bộ dữ liệu, 1.941 trường thông tin, 437.621 bản ghi, do 18/20 đơn vị sở/ngành cung cấp. Cổng dữ liệu mở đã có 50/98 bộ dữ liệu mở do 7 đơn vị sở/ngành cung cấp. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh đã kết nối liên thông Giấy khám sức khỏe lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy báo tử lên Cổng Giám định bảo hiểm y tế.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Dự án chính quyền số TP Hải Phòng
Trong lĩnh vực y tế, Hải Phòng đã triển khai mô hình khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, kios tự phục vụ, mô hình khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VneID. Trong lĩnh vực giáo dục, thành phố đã triển khai ký số sổ điểm, học bạ điện tử ở các cấp học. Số hóa thuyết minh hình ảnh 25 điểm du lịch, gắn mã QR tra cứu thông tin cho 290 điểm di tích trên địa bàn thành phố.
Hải Phòng hiện có gần 1.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động; gần 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số. Hải Phòng cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thúc đẩy công nghệ 5G phục vụ sản xuất, logistics, cảng biển.
Dự án đặt mục tiêu rất lớn, trong đó, 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 100% người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. 100% cơ quan nhà nước cấp thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Tại lễ khai trương, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đánh giá Hải Phòng thuộc top đầu khối tỉnh, thành phố cả nước về cung cấp và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Dự án chính quyền số TP Hải Phòng triển khai góp phần cải tiến chất lượng dịch vụ công, gia tăng sự hài lòng của người dân, phát huy trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong xây dựng chính quyền liêm chính hành động, phục vụ ngày càng tốt hơn.
Thứ trưởng Bộ TT-TT khẳng định: Từ năm 2020 đến nay, DTI (chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh) của Hải Phòng tăng hạng liên tiếp. Với tiềm lực và quyết tâm mạnh mẽ, Hải Phòng đặt ra mục tiêu nằm trong top 10 tỉnh, thành top đầu về thực hiện chuyển đổi số vào năm 2025.
Thứ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại Lễ Khai trương Dự án chính quyền số TP Hải Phòng
"Dự án chính quyền số của Hải Phòng triển khai chắc chắn sẽ góp phần cải tiến chất lượng dịch vụ công, gia tăng sự hài lòng của người dân, phát huy trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong xây dựng một chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ ngày càng tốt hơn"- Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm khẳng định.
Theo ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, để đảm bảo việc vận hành hiệu quả các nền tảng số, phát triển dữ liệu số, ứng dụng, dịch vụ số nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp, UBND thành phố giao Sở TT-TT thông chủ trì, phối hợp sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan ngay sau khai trương dự án, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Khẩn trương rà soát, xây dựng trình UBND thành phố ban hành quy chế quản lý, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, phát biểu tại Lễ Khai trương Dự án chính quyền số TP Hải Phòng
Sở triển khai công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn đầy đủ cho từng trường hợp sử dụng trong công tác quản lý, vận hành, cập nhật dữ liệu dùng chung, dữ liệu chuyên ngành, kết nối, chia sẻ, đồng bộ với dữ liệu các bộ, ngành Trung ương, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng; trong đó, đoàn viên, thanh niên, cán bộ trẻ làm nòng cốt hướng dẫn người dân khai thác, sử dụng dịch vụ số, giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán trực tuyến, tăng cường tương tác giữa người dân với cơ quan chính quyền.
Các ngành, đơn vị, địa phương có trách nhiệm quán triệt, triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, phối hợp thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin dùng chung đã đầu tư từ dự án. Các đơn vị, địa phương từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích xử lý dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định trong chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ mới trên môi trường số cho người dân, doanh nghiệp...
Tr.Đức