'Khai tử' thuế khoán: Hết thời doanh thu khủng nhưng nộp thuế chỉ vài trăm nghìn

'Khai tử' thuế khoán: Hết thời doanh thu khủng nhưng nộp thuế chỉ vài trăm nghìn
6 giờ trướcBài gốc
Bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ 1/1/2026
Hiện nay, theo thống kê của ngành Thuế, cả nước có hơn 1,5 triệu hộ kinh doanh nộp thuế theo hình thức khoán. Doanh thu, mức thuế của các hộ này thường được cơ quan thuế xác định bằng phương pháp ước lượng, dựa trên thông tin gián tiếp, hoặc theo cơ chế "thỏa thuận" giữa cán bộ thuế và người nộp. Chính điều này đã khiến thuế khoán trở thành một hình thức “mặc cả ngầm”, tiềm ẩn nguy cơ thất thu ngân sách, tạo ra sự thiếu minh bạch và bất công với các hộ kinh doanh tuân thủ nghiêm túc.
Số liệu của ngành Thuế cho thấy, mức thuế khoán trung bình mỗi hộ chỉ khoảng 670.000 đồng/tháng. Trong khi đó, các hộ tự kê khai, dù cùng quy mô lại nộp trung bình tới 4,6 triệu đồng/tháng. Khoảng cách quá lớn này là chỉ dấu rõ ràng cho thấy thuế khoán không còn phản ánh đúng năng lực tài chính và quy mô thực tế của người nộp thuế.
Bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ 1/1/2026 (Ảnh minh họa: KT)
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam thẳng thắn nhận định, vẫn còn tình trạng nhiều cửa hàng bán thuốc, phòng khám tư nhân, spa... có doanh thu khá lớn, thậm chí một cá nhân kinh doanh dịch vụ có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi ngày nhưng chỉ đóng thuế vài triệu đồng.
“Điều này cho thấy việc xác định doanh thu tính thuế vẫn chưa phản ánh đúng thực tế, dẫn đến sự thiếu công bằng và thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra sự thiếu minh bạch và bất công với các hộ kinh doanh tuân thủ nghiêm túc”, bà Cúc nói.
Trước thực tế trên, Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ đã yêu cầu các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền. Theo đó, từ ngày 1/6 tới , hàng chục nghìn hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm thuộc các nhóm ngành nghề như: ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ… trên cả nước sẽ không còn nộp thuế khoán. Những hộ này sẽ chuyển sang xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Tại Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị cũng đã đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2026 sẽ bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh. Hay mới đây, ngày 17/5, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 198/2025/QH15 quy định về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, chính thức sẽ xóa bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ ngày 1/1/2026.
Các chuyên gia đánh giá, bỏ thuế khoán, áp dụng thuế kê khai sẽ khuyến khích hộ kinh doanh lớn lên, phát triển thành doanh nghiệp. Quan trọng hơn, thực hiện thuế kê khai góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng bày tỏ băn khoăn cách tính thuế mới sẽ tăng cao, phát sinh thêm nhiều chi phí về nhân lực kế toán, đầu tư thiết bị kết nối với ngành thuế… sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ bày tỏ băn khoăn cách tính thuế mới sẽ tăng cao, phát sinh thêm nhiều chi phí (Ảnh minh họa)
Trước thông tin sắp tới sẽ xóa bỏ thuế khoán, chị Trần Linh Chi, kinh doanh tạp hóa trong một khu chung cư tại Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội cho biết, cửa hàng tạp hóa do chị làm chủ kinh doanh nhỏ lẻ, chỉ có hai vợ chồng quản lý nên chị không sử dụng máy tính tiền, không in hóa đơn. Hàng năm, chị nộp thuế khoán với số tiền gần 800.000 đồng/tháng. Thời gian gần đây, chị nghe thông tin sắp xóa bỏ thuế khoán nên khá lo lắng.
“Tôi chủ yếu bán lẻ cho dân cư xung quanh nên không thuê người, không đầu tư máy móc. Nếu bỏ thuế khoán, áp dụng hóa đơn điện tử sẽ phải đầu tư máy móc, phần mềm công nghệ, rồi phải nhập hóa đơn đầu vào, đầu ra rất phức tạp, trong khi tôi cũng không có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán và cũng không rành về công nghệ”, chị Chi lo lắng.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Nguyệt Hà, chủ cửa hàng làm tóc (ở Tôn Đức Thắng, Quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, cửa hàng chỉ có 2 người, chị và một nhân viên phụ gội đầu, làm móng, cơ sở của chị chưa bao giờ xuất hóa đơn cho khách hàng.
“Cửa hàng tôi trước giờ chỉ cung cấp dịch vụ, khách đến sử dụng dịch vụ đều không có hóa đơn, thường tôi chỉ ghi chép sổ sách thủ công để biết ngày hôm nay có bao nhiêu khách, làm những gì, tổng thu được bao nhiêu... Sắp tới, nếu xóa bỏ thuế khoán thì không biết phải chuyển đổi ra sao", chị Hà băn khoăn.
Hộ kinh doanh có dễ tuân thủ?
Đứng ở góc độ chuyên gia tư vấn thuế, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, cần xây dựng phần mềm hỗ trợ kê khai đơn giản, dễ dùng, phù hợp với những người không chuyên về kế toán hay công nghệ. Các hộ có thể dễ dàng nhập doanh thu, chi phí, hàng hóa mua vào, bán ra mà không gặp khó khăn quá lớn. Bởi việc chuyển từ thuế khoán sang kê khai khiến nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ gặp không ít thách thức.
"Nhà nước có thể dành một khoảng thời gian chuyển tiếp từ 6 tháng đến 1 năm để các hộ kinh doanh làm quen với phương pháp mới. Và trong thời gian đó, Nhà nước nên cung cấp các phần mềm, công cụ hỗ trợ một cách miễn phí. Điều này không chỉ giúp họ dễ tiếp cận, mà còn tạo ra tâm lý tích cực, chủ động chuyển đổi", bà Cúc nêu ý kiến.
Chia sẻ về vấn đề rủi ro thuế, bà Lê Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Hà Nội cho biết, đa số hộ, cá nhân kinh doanh khoán vẫn có tâm lý kinh doanh nhỏ, thu nhập lẻ, không cần xuất hóa đơn. Không có thói quen ghi chép sổ sách kế toán, quản lý thu – chi bằng giấy tờ tùy tiện hoặc không đầy đủ. Nhiều hộ mua hàng không có hóa đơn đầu vào. Do đó, khi bị kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, dễ bị xử lý vì không chứng minh được tính hợp pháp của hàng, thậm chí có thể liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.
"Tôi từng gặp trường hợp một hộ kinh doanh nhà thuốc trước đây kê khai khoán, tâm lý không quan tâm đến đầu vào, chỉ biết mỗi tháng đóng thuế bao nhiêu. Dẫn đến để cho các trình dược viên hoặc một số công ty "xả" hóa đơn đầu vào. Khi cơ quan thuế vào kiểm tra, doanh thu có mấy trăm triệu nhưng đầu vào lên mấy tỷ đồng", bà Lê Thị Yến nêu thực tế.
Theo bà Yến, nếu hộ, cá nhân kinh doanh không kiểm soát được và không có giao dịch thực, rất dễ bị quy kết việc bán hàng không xuất hóa đơn, đồng thời có thể bị xử lý vì liên quan đến hành vi trốn thuế hoặc sử dụng hóa đơn không hợp pháp.
"Cơ quan thuế căn cứ trên "giấy trắng mực đen", hóa đơn đầu vào, đầu ra. Nhiều hộ kinh doanh rất dễ bị tình huống nộp thuế oan", bà Yến cảnh báo.
Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh có trình trạng toàn bộ doanh thu chuyển vào tài khoản cá nhân gây lẫn lộn với dòng tiền cá nhân, khó giải trình cơ quan thuế.
“Các hộ, cá nhân kinh doanh cần thay đổi tư duy, thích ứng với quy định thuế mới. Trước hết, cần rà soát số liệu tồn kho, công nợ, dòng tiền làm cơ sở số dư đầu kỳ để đưa vào hệ thống; thiết lập và chuẩn hóa các danh mục khách hàng, nhà cung cấp hàng hóa, vật tư…; đồng thời, tìm hiểu và lựa chọn nền tảng công nghệ phù hợp, đồng bộ, thuận lợi cho việc quản trị sau này”, bà Yến khuyến nghị.
Cẩm Tú/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/khai-tu-thue-khoan-het-thoi-doanh-thu-khung-nhung-nop-thue-chi-vai-tram-nghin-post1201492.vov