Khám bệnh không còn rào cản địa giới

Khám bệnh không còn rào cản địa giới
5 giờ trướcBài gốc
Bắt đầu từ ngày 1/7/2025, người dântham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được khám, chữa bệnh thông tuyến tại nơi tạm trú mà không còn bị giới hạn bởi rào cản địa giới hành chính, từ đó giúp người dân thuận lợi hơn khi khám chữa bệnh.
Khám bệnh không còn rào cản địa giới
Bà Phạm Thị Hoan ở xã Lý Nhân (tỉnh Ninh Bình) lên chơi nhà con ở xã Phú Xuyên (Hà Nội), thấy người khó chịu nên bà đã đến Trạm y tế xã Phú Xuyên để khám sức khỏe. Nếu như trước đây, bà sẽ phải quay về địa phương ban đầu mới được hưởng chế độ BHYT đúng tuyến, thì nay, theo Luật Bảo hiểm Y tế mới, bà có thể khám sức khỏe tại tuyến gần nhất, vẫn được hưởng tất cả các quyền lợi BHYT theo quy định. Bà Hoan chia sẻ: "Tôi đến đây khám bệnh, được các bác sĩ tận tình chăm sóc giúp đỡ tôi, tôi được hưởng mọi chế độ của bảo hiểm y tế".
Còn với ông Cán, từng điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim, phải mở khí quản, thở máy tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Bệnh viện Bạch Mai. Sau thời gian điều trị tích cực, ông được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cấp cơ bản để tiếp tục điều trị do bệnh viện đáp ứng nhu cầu và đủ trình độ chuyên môn khi tiếp nhận bệnh nhân từ bệnh viện chuyên sâu. Tại đây, sức khỏe của ông tiến triển bệnh tốt, tỉnh táo, đã cai máy thở. Ông Cán được đảm bảo 100% theo mức hưởng của thẻ BHYT. Ông Nguyễn Quang Chiến (con trai ông Cán) cho biết: "Sau khi về Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, được Ban giám đốc, bác sĩ khoa hồi sức tích cực, đội ngũ điều dưỡng chăm sóc tận tình, chu đáo nên trong thời gian điều trị tại khoa Hồi sức tích cực tình hình sức khỏe của bố tôi rất tốt".
Trước đây, không ít người lao động, sinh viên, người làm việc xa quê gặp khó khăn khi cần khám chữa bệnh đúng tuyến theo BHYT. Dù sinh sống lâu dài tại nơi khác, họ vẫn phải quay về nơi đăng ký ban đầu để đảm bảo quyền lợi, gây tốn kém thời gian, chi phí đi lại và làm chậm quá trình điều trị. Xóa bỏ bất cập, giảm gánh nặng cho người dân, hiện nay, Thông tư 01/2025/TT-BYT cũng cho phép người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu khác nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu không phân biệt địa giới hành chính.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Liên, Trạm y tế xã Phúc Thịnh (TP. Hà Nội) chia sẻ: "Tuyến khám chữa bệnh ban đầu của trạm y tế đã được thông tuyến toàn quốc. Đối với các thẻ đăng ký ban đầu tại các bệnh viện đều về trạm y tế chúng tôi để khám chữa bệnh ban đầu được tạo điều kiện cho người dân và không có khoảng cách địa giới hành chính".
BHYT không chỉ là công cụ tài chính mà còn là "lá chắn" an sinh bền vững, đồng hành với người dân trong việc chăm sóc sức khỏe. Việc triển khai các chính sách bảo hiểm y tế mới mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tuy nhiên cũng đặt ra không ít thách thức, các cơ sở y tế cần nâng cao chất lượng để người dân tin tưởng do không còn phân biệt địa giới hành chính...
Nhiều điểm mới trong khám chữa bệnh BHYT VÀ BHXH
Chữ ký số khi thanh toán viện phí, sử dụng thẻ BHYT điện tử, làm thủ tục BHXH không còn phụ thuộc địa giới hành chính - đó là những thay đổi tích cực, mang đến sự thuận tiện, minh bạch cho người dân trong quá trình khám chữa bệnh và tham gia BHXH.
Anh Nguyễn Văn Nguyên, cư dân phường Cầu Giấy (TP.Hà Nội), đến khám bệnh tuyến giáp đã được nhân viên phòng Công tác xã hội của bệnh viện Xanh Pôn hướng dẫn thao tác thực hiện chữ ký số trong thanh toán viện phí. Việc thực hiện chữ ký số được thực hiện qua ứng dụng VNeID. Anh Nguyên chia sẻ: "Chữ ký số này rất thuận tiện cho bệnh nhân thực hiện các thủ tục rất nhanh gọn".
Xanh Pôn là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong y tế. Việc áp dụng chữ ký số không chỉ giúp xác thực người bệnh, minh bạch hóa chi phí mà còn góp phần giảm tình trạng trục lợi BHYT.
Thay vì sử dụng thẻ BHYT giấy, người dân đã quen với việc dùng CCCD gắn chip khi đi khám bệnh. Với điện thoại thông minh, họ cũng có thể dễ dàng tra cứu thông tin thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc VNeID. Việc dùng BHYT điện tử giúp đơn giản thủ tục, tránh thất lạc và là một bước trong hiện đại hóa ngành y tế.
Từ 1/7, Hà Nội chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Người dân có thể đến các điểm hành chính công tại phường để làm thủ tục BHYT, BHXH - không cần lên quận, huyện như trước. Sự thay đổi này giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ của ngành BHXH.
Chữ ký số, thẻ BHYT điện tử và việc bỏ rào cản địa giới trong thủ tục BHXH là những thay đổi mang tính đột phá. Cùng với chuyển đổi số, các chính sách này đang giúp ngành y tế và BHXH ngày càng hướng đến sự hài lòng của người dân.
Thúc đẩy công bằng trong tiếp cận y tế
Khi người bệnh có quyền lựa chọn nơi khám chữa bệnh, các cơ sở y tế không còn thụ động dựa vào địa bàn hành chính mà buộc phải nâng cao chất lượng phục vụ. Người dân được lựa chọn, đồng nghĩa với việc các đơn vị y tế phải cạnh tranh bằng năng lực chuyên môn, sự tận tâm và hiệu quả điều trị. Cạnh tranh lành mạnh chính là động lực để hệ thống y tế ngày càng hướng tới sự công bằng, lấy người bệnh làm trung tâm.
Một buổi khám chữa bệnh từ xa của các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội có sự kết nối với 4 bệnh viện gồm: Yên Bái, Bắc Kạn, Hải Phòng và Mê Linh. Mỗi tuần, hoạt động này được tổ chức đều đặn với nhiều hình thức đa dạng: từ hội chẩn, tư vấn phẫu thuật, hướng dẫn siêu âm tim đến thực hiện kỹ thuật cận lâm sàng trực tiếp như siêu âm, chụp cắt lớp hay can thiệp tim mạch từ xa.
Nhằm thúc đẩy công bằng trong tiếp cận y tế, xóa bỏ rào cản địa lý và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội không chỉ đào tạo tại viện, “cầm tay chỉ việc” cho tuyến dưới, mà còn xây dựng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa ngày càng mở rộng.
Hiện nay, mạng lưới này đã kết nối 120 đơn vị, bao gồm: 16 bệnh viện vệ tinh, 33 bệnh viện và trung tâm y tế tại Hà Nội, 25 đơn vị đang hợp tác, cùng 40 bệnh viện, trung tâm y tế tại các tỉnh, thành phố khác. Không chỉ hỗ trợ tuyến dưới, mạng lưới còn có khả năng phối hợp chuyên môn với một số bệnh viện tuyến Trung ương khi cần thiết.
Khám chữa bệnh từ xa qua hệ thống telemedicine đã góp phần xóa nhòa ranh giới hành chính, thu hẹp khoảng cách y tế giữa các vùng miền. Người dân ở vùng sâu, vùng xa có thể được hội chẩn, chẩn đoán và điều trị ngay tại địa phương với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành.
Hàng nghìn ca bệnh - kể cả các ca phức tạp, đã được điều trị thành công theo hình thức trực tuyến và vẫn hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT. Cùng với đó, bệnh án điện tử và liên thông kết quả xét nghiệm giúp giảm chi phí và tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao.
Phan Hằng
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/kham-benh-khong-con-rao-can-dia-gioi-344840.htm