Sắc đào Bắc trên đất đỏ bazan
Chị Vũ Thị Hằng (42 tuổi, trú tại tổ dân phố Tân Hà 3, phường Thống Nhất) là một trong những hộ gia đình đầu tiên gắn bó với nghề trồng hoa đào tại thị xã Buôn Hồ. Cách đây hơn 20 năm trước, chị Hằng rời quê hương Ninh Bình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Thấy thời tiết ở Tây Nguyên thuận lợi, chị Hằng đã ấp ủ dự định đem cây hoa đào từ miền Bắc vào vùng đất Tây Nguyên. Năm 2008, chị bắt đầu trồng thử nghiệm 400 cây đào Nhật Tân tại mảnh đất gia đình bên Quốc lộ 14. Cây hợp đất cùng với sự chịu khó tìm tòi học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nhờ đó vườn đào phát triển tốt cho ra bông đẹp lại sẵn lợi thế vườn ngay đường quốc lộ thu hút nhiều khách tham quan vào hỏi mua. Thậm chí có những thời điểm không có đủ hoa để bán.
Chị Vũ Thị Hằng hơn 17 năm gắn bó với nghề trồng hoa đào tại thị xã Buôn Hồ
Thấy được tiềm năng kinh tế từ hoa đào đem lại, đến nay gia đình chị Hằng đã mở rộng quy mô diện tích lên đến 5 nghìn cây, với nhiều loại đào. Ngoài phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, gia đình chị còn cung cấp cho các tỉnh, thành khác. Để hút khách và chạy theo thị hiếu của thị trường chị Hằng cũng uốn nắn, tạo thế đẹp cho cây đào. Đồng thời cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trồng hoa đào.
Sau khi trừ các chi phí đầu tư, chăm sóc, gia đình chị Hằng thu lợi nhuận khoảng 300-400 triệu đồng từ vườn hoa đào.
Cũng như chị Hằng, hàng chục năm nay gia đình anh Phạm Đức Dậu (tại phường Thống Nhất) có thu nhập ổn định từ việc trồng, chăm sóc hoa đào bán Tết. Anh Dậu cho biết, cây hoa đào ở đất vùng Tây Nguyên dễ làm hơn vì là đất đỏ, không bị cứng, chất đất mềm cây phát triển tốt, chỉ cần mình giữ phân, thuốc trừ sâu bệnh là cây cây hoa phát triển tốt. Năm nay vườn có hơn 1 nghìn cây đào, thời tiết cuối năm khá thuận lợi để làm cho hoa kịp nở dịp Tết này. Bên cạnh đó, các mối sỉ hằng năm của gia đình đã gọi đặt hàng từ mấy tuần trước.
Anh Phạm Đức Dậu (bên phải) dẫn khách thăm vườn đào
“Giá mỗi cây hoa đào trung bình dao động vài trăm đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào số tuổi của cây và kích thước cây”, anh Dậu cho biết thêm.
Liên kết để phát triển thương hiệu hoa đào
Từ một vài hộ dân trồng ban đầu, đến nay thị xã Buôn Hồ đã có 16 hộ trồng hoa đào và đã liên kết với nhau thành lập Hợp tác xã Hợp tác xã thương mại và dịch vụ hoa đào Đoàn Kết - Buôn Hồ với tổng diện tích hơn 15ha. Hiện nay, sản phẩm “Cây hoa đào Buôn Hồ" đã được phân hạng OCOP 3 sao và đang phấn đấu 4 sao để hướng đến xuất khẩu. Các giống hoa đào được người dân trồng chủ yếu là đào Nhật Tân, đào bích, đào phai và đào tuyết.
Vườn đào tại thị xã Buôn Hồ đa số đã được các mối lái đến đặt hàng
Giám đốc Hợp tác xã thương mại và dịch vụ hoa đào Đoàn Kết - Buôn Hồ, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, các hộ trồng đào ở Buôn Hồ đã thành lập hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc. Để trồng đào cổ thụ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hợp tác xã mời nghệ nhân Hà Nội về hỗ trợ kỹ thuật. Cây đào không chỉ giúp cải thiện thu nhập và tạo việc làm cho lao động địa phương, mà còn thu hút khách từ các tỉnh và nước ngoài đến Buôn Hồ mua đào Tết.
Ông Thắng cho biết thêm, thời gian này các vườn đang tập trung cắt tỉa cành khô, hãm bông và kích bông để hoa đào nở đúng thời điểm. Đặc biệt, hiện nay đa số các vườn ở đây đều đã có mối sỉ ở các nơi đặt hàng. Riêng gia đình ông có khoảng 20% số lượng cây đào đã được thương lái người Việt ở Lào và Campuchia chốt giá.
Giám đốc Hợp tác xã thương mại và dịch vụ hoa đào Đoàn Kết - Buôn Hồ Nguyễn Văn Thắng chăm chút cho cây đào của gia đình
Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ H'Philip Niê Kđăm thông tin, UBND thị xã Buôn Hồ đã thông qua kế hoạch tổ chức ngày hội "Hoa đào xuân Ất Tỵ năm 2025", dự kiến diễn ra vào ngày 25.1. Sự kiện này nhằm thúc đẩy phong trào phát triển hoa đào Buôn Hồ thành một sản phẩm hàng hóa, giúp bà con nông dân tăng thu nhập và cải thiện hiệu quả kinh tế, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Hạ Âu