Nông dân Lê Thành Trung (bên trái, ngụ xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi cho nông dân trong vùng. Ảnh: A.Nhơn
Đặc biệt, ông Trung đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào mô hình trồng bưởi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vượt khó vươn lên
Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Bình Lợi, chúng tôi đến tham quan vườn bưởi đường lá cam của gia đình ông Trung. Sau khi xuất bán đợt trái vào dịp Tết Nguyên đán 2025, gia đình ông Trung đang ra sức phát dọn cỏ, chăm sóc phục hồi vườn; tỉa cành lá, tạo tán cho cây, bón phân, tưới nước đều đặn để chuẩn bị cho mùa bưởi tới.
“Thời tiết những tháng cuối năm 2024 có gây ảnh hưởng ít nhiều đến việc cây bưởi ra hoa kết trái, nhưng tôi đã cố gắng áp dụng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề để chăm sóc vườn bưởi ra trái tương đối ổn định hơn so với những nhà vườn khác. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ bưởi Tết nhanh hơn, giá bán cao hơn năm trước (thương lái thu mua tại vườn khoảng 200-250 ngàn đồng/chục trái đối với bưởi đường lá cam và khoảng 300-350 ngàn đồng/chục trái đối với bưởi da xanh). Vì vậy, gia đình chúng tôi phấn khởi và hài lòng với mùa bưởi Tết năm nay” - ông Trung phấn khởi chia sẻ.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn bưởi, ông Trung kể lại, vùng đất này trước đây được cha mẹ của ông đầu tư trồng mía, kết hợp làm nghề nấu đường thủ công. Một thời gian dài, cây mía được xem là cây trồng chủ lực của vùng đất Bình Lợi và giúp cho gia đình ông cũng như nhiều hộ nông dân ở địa phương “ăn nên, làm ra”, ổn định cuộc sống. Sau này, do thị trường có nhiều biến động khiến mô hình trồng mía và nấu đường thủ công không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, thậm chí nhiều gia đình làm ăn không có lời. Từ đó, gia đình ông bắt đầu nghĩ cách tìm hướng đi mới.
Một lần cha mẹ ông Trung được người quen ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) đem tặng giống bưởi Tân Triều. Qua tìm hiểu thấy mô hình trồng bưởi đang phát triển và có nhiều triển vọng nên cha mẹ ông quyết định chuyển đổi cây trồng bằng việc đốn hạ cây mía, thay vào mô hình trồng bưởi và trở thành hộ tiên phong đưa giống bưởi về trồng tại vùng đất Bình Lợi vào năm 1994.
“Khi mới bắt tay vào làm mô hình mới, cha mẹ tôi đã nhận những lời bàn ra; một số người cho rằng việc làm này sẽ thất bại vì vùng đất Bình Lợi chỉ phù hợp cho một số loài cây trồng ngắn ngày như: mía, lúa nước… Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn theo đuổi mô hình mới với quyết tâm sẽ làm được” - ông Trung tâm sự.
Thực hiện phương châm “chậm mà chắc”, gia đình ông Trung ban đầu chỉ trồng bưởi thử nghiệm trên vài sào đất trong vườn. Không ngờ thời tiết và thổ nhưỡng tại Bình Lợi rất thích hợp với giống bưởi nên cây sinh trưởng tươi tốt và hạn chế sâu bệnh. Vì vậy, gia đình ông quyết định nhân rộng mô hình bằng việc hạ cây mía ra khỏi đất rồi đưa cây bưởi vào toàn bộ khu vườn với tổng diện tích rộng hơn 5 hécta.
Nhờ đầu tư bài bản, chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn bưởi của gia đình ông Trung sinh trưởng, phát triển nhanh và lần lượt cho thu hoạch những năm sau đó.
“Mùa bưởi năm 1998, gia đình tôi thu hoạch bưởi bán được hơn 1 tỷ đồng. Giá trị 1 tỷ đồng lúc bấy giờ lớn lắm và có thể mua được vài sào đất vườn và vài sào đất ruộng. Tiếng lành đồn xa, mô hình trồng bưởi của gia đình từ đó đã được nhiều người trong vùng biết và tìm đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Gia đình tôi đã tận tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cây giống cho những gia đình khác trong vùng để cùng nhau làm ăn và vươn lên trong cuộc sống” - ông Trung bộc bạch.
Khi đề cập đến con đường khởi nghiệp của bản thân, ông Trung chia sẻ, sau khi tốt nghiệp lớp 12, ông đi học nghề cơ khí tại một trường trung cấp nghề trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Đến năm 1998, ông ra trường và quay về nhà tiếp nối sự nghiệp của cha mẹ làm nông nghiệp.
Năm 2003, ông Trung lập gia đình và được cha mẹ tặng “của hồi môn” là 5 khu vườn với tổng diện tích hơn 2 hécta. Vợ chồng ông đầu tư trồng bưởi đường lá cam. Ông đã cố gắng học tập kinh nghiệm từ cha mẹ và những người đi trước; tìm hiểu thông tin trên sách, báo, tivi, internet rồi chủ động tham gia các lớp tập huấn chuyên về mô hình trồng bưởi do địa phương tổ chức để học tập, đúc kết kinh nghiệm... Chính nhờ sự nỗ lực phấn đấu không ngừng đã giúp con đường khởi nghiệp của ông gặp nhiều thuận lợi, hiệu quả.
Ông LÊ THÀNH TRUNG (ngụ xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, thời gian tới, ông tiếp tục mở rộng, phát triển mô hình trồng bưởi trên quê hương Bình Lợi anh hùng nhằm tăng lợi nhuận cho gia đình, vừa tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Đồng thời, ông tiếp tục áp dụng kỹ thuật tiên tiến để chăm cho các vườn bưởi luân phiên ra trái quanh năm nhằm tăng hiệu quả kinh tế.
Góp sức vào sự phát triển của địa phương
Thời gian qua, ông Trung đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào làm nông nghiệp có hiệu quả. Chẳng hạn, ông đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nhằm thay thế sức lao động của con người. Ông còn áp dụng kỹ thuật làm phân hữu cơ IMO để bón cho vườn bưởi nhằm giảm chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao, vừa tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Ngoài trồng bưởi, nông dân Lê Thành Trung còn mở trang trại nuôi bò thịt nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Bên cạnh đó, ông Trung còn đầu tư mở trang trại nuôi bò thịt với số lượng dao động từ 20-30 con lớn, nhỏ. Ông đã tận dụng nguồn cỏ dồi dào trong vườn để chăm sóc đàn bò, sử dụng phân bò vào việc bón vườn cây ăn trái cho tươi tốt. Cách làm “tự cung, tự cấp” này đã giúp cho gia đình ông giảm được chi phí đầu tư, mang lại lợi nhuận cao. Ngoài ra, ông còn nuôi bò lớn và xuất bán hàng năm để tăng thu nhập cho gia đình. Kinh tế gia đình ông nhờ đó ngày càng phát triển và có điều kiện mua thêm đất đai, xây nhà cửa kiên cố và lo cho các con ăn học đàng hoàng.
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi Thiều Quốc Việt cho biết, thời gian qua, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng mía, lúa sang trồng bưởi. Hiện bưởi đã trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương. Nhờ sự chuyển đổi cây trồng kịp thời đã giúp cuộc sống của bà con có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hộ dân vươn lên khá giả, trong đó có gia đình ông Lê Thành Trung.
Ông Việt nhận xét, ông Trung là nông dân đam mê mô hình trồng bưởi và là một trong những hội viên điển hình tiêu biểu tại địa phương. Chính sự nỗ lực không ngừng đã giúp ông đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh trong nhiều năm nay.
“Ông Trung không làm theo phong trào “thấy người ăn khoai, vác mai đi đào”, mà biết cách tính toán, áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào chăm sóc cây bưởi cho ra trái vào thời điểm phù hợp, để khi sản phẩm bán ra thị trường luôn ổn định ở mức giá cao. Cách làm này thường giúp cho ông mang lại nhiều thành công hơn thất bại. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông còn hay giúp đỡ người khác, tích cực tham gia góp sức vào các phong trào do địa phương phát động, nhất là các chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao” - ông Việt chia sẻ.
An Nhơn