Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 73 (ngày 18-1-2024) về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12) đối với 29 hiện vật, nhóm hiện vật đang được lưu giữ tại các bảo tàng, trung tâm bảo tồn, di tích lịch sử - văn hóa… trong toàn quốc.
Đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách 29 hiện vật, nhóm hiện vật này là bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn, niên đại khoảng 2.500 - 3.000 năm cách ngày nay, đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa.
Ông Nguyễn Phương Đông (thứ 2 từ trái qua) là một trong những người đầu tiên được phân công tập, biểu diễn đàn đá Khánh Sơn từ năm 1979
Theo hồ sơ, bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn gồm 2 bộ có ký hiệu A và B với 12 thanh kích thước khác nhau, được gia đình ông Bo Bo Ren (người dân tộc Raglai) tìm thấy ở núi Dốc Gạo, xã Trung Hạp, huyện Khánh Sơn (nay là thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn).
Ban đầu, Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B được ông Bo Bo Sung là cha của ông Bo Bo Ren tìm thấy tại núi Dốc Gạo. Trong giai đoạn khánh chiến chống Mỹ cứu nước, để tránh sự tàn phá, hủy diệt của bom đạn Mỹ, gia đình ông Sung đã cất dấu các thành đàn đá trên đỉnh núi Dốc Gạo.
Đầu năm 1979, ông Bo Bo Ren đã bàn giao lại 2 bộ đàn đá này cho chính quyền. Bộ Văn hóa khi đó đã cử cán bộ, nghệ sĩ đến kiểm tra và thẩm định. Một trong những người đó là ông Nguyễn Phương Đông, tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ truyền thống - Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), khi đó là nhạc công Đoàn Ca múa nhân dân Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên).
Theo ông Đông, khi phát hiện 2 bộ đàn đá Khánh Sơn, ông là một trong những người đầu tiên được phân công tập, biểu diễn đàn đá để báo cáo Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ban đầu khi mới công bố thì đàn đá Khánh Sơn thực tế là "thanh đá kêu" theo kiểu "ngũ cung" như các loại nhạc cổ.
Bảo vật Quốc gia "Đàn đá Khánh Sơn", ảnh: Phương Linh
Ngày 16-3-1979, ông Mai Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh (thời bấy giờ), đã trao 2 bộ đàn đá Khánh Sơn cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học đàn đá Khánh Sơn.
Đến ngày 12-9-1979, Hội đồng khoa học về đàn đá Khánh Sơn do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Viện trưởng Viện âm nhạc Việt Nam, làm chủ tịch đã công bố kết quả sơ bộ nghiên cứu, nêu rõ: "Bộ đàn đá Khánh Sơn rất có giá trị về mặt âm nhạc học và có niên đại hàng ngàn năm (khoảng 3.000-4.000 năm). Âm thanh sắc, gọn, có cao độ rõ rệt, ngân dài, âm thanh trầm bổng, độ mạnh nhẹ, độ dài ngắn và màu sắc đặc biệt của âm. Bộ đàn đã Khánh Sơn là hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bảo dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa".
Ông K pa Y Lang, nhạc sĩ Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, đang thử bộ đàn đá Khánh Sơn B tại Nha Trang ngày 26-3-1979, Ảnh: Bảo tàng Khánh Hòa
Năm 1980, ban Khảo cổ học của Viện Khoa học Xã hội TP HCM, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam tiến hành hai đợt khảo sát tại đỉnh núi Dốc Gạo, phát hiện hơn 500 mảnh tước cùng loại đá của đàn đá Khánh Sơn, trong đó có một số thanh còn đang chế tác dở dang và bị vỡ. Điều này cho thấy bảo vật quốc gia được chế tác tại chỗ, không phải chuyển từ nơi khác đến.
Bảo vật chia làm 2 bộ, mỗi bộ 6 thanh. Ở bộ A, thanh nặng nhất là 9 kg, nhẹ nhất 5 kg. Bộ B, thanh nặng và nhẹ nhất lần lượt là 28,1 kg và 10,5 kg. Chiều dài của 12 thanh đàn trong khoảng 45,6 cm đến 113 cm.
Hai bộ đàn đá Khánh Sơn sau đó đã được giới thiệu, biểu diễn ở TP Hà Nội, TP HCM và được đưa về nghiên cứu, sáng tác, bảo quản tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP HCM. Theo đánh giá của GS Trần Văn Khê khi đó thì cùng với trống đồng, đây là loại nhạc cụ hiếm có từ thời cổ đại của Việt Nam.
Bảo vật Quốc gia "Đàn đá Khánh Sơn" có 12 thanh với 2 bộ. Ở bộ A, thanh nặng nhất là 9 kg, nhẹ nhất 5 kg. Bộ B, thanh nặng và nhẹ nhất lần lượt là 28,1 kg và 10,5 kg.
Đàn đá Khánh Sơn được làm từ đá Rhyolite porphyre có mặt tương đối nhiều ở khu vực vùng Khánh Sơn và phân bố trải rộng đến huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) và một phần của tỉnh Lâm Đồng; xa hơn nữa là khắp vùng Đông Nam Á đều có đá này.
Nhưng cho đến nay, việc phát hiện ra đàn đá có chất liệu đá Rhyolite porphyre chỉ có ở khu vực cực Nam Trung Bộ, Việt Nam (nếu tính cả các bộ bị mất và bị vỡ) thì đã tìm thấy 6 bộ đàn đá, tổng số là 45 thanh đá.
Các nước khác trong khu vực có chất liệu đá tương tự như đàn đá Khánh Sơn vẫn chưa phát hiện được bộ đàn đá nào. Điều này cho phép khẳng định bộ đàn đá Khánh Sơn là độc bản và được chế tác tại bản địa.
Theo các tài liệu, hai loại đá Rhyolit Porphyre và đá sừng (đá đen) có thể làm đàn đá đều có nguồn gốc từ nham thạch phun trào. Khi có vật thể tác động thì chúng phát ra tiếng kêu vang như chuông. Những miếng đá càng dài, nặng thì âm thanh càng trầm; càng ngắn, mỏng thì âm thanh càng cao, trong trẻo.
Đến nay, có hơn 50 tác phẩm sáng tác thể nghiệm và dàn dựng thành tiết mục cho 2 bộ đàn đá Khánh Sơn cùng các đàn đá khác. Trong đó, đa số là tiết mục viết cho độc tấu, song tấu, tam tấu đàn đá có dàn nhạc dân tộc đệm; hoặc một số tiết mục đàn đá đệm cho đơn ca, tốp ca, một số tiết mục kết hợp giữa đàn đả với múa và vũ kịch múa...
Ngày 27-3-2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam TP HCM, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tổ chức bàn giao bộ đàn đá Khánh Sơn A và B để tỉnh Khánh Hòa trực tiếp quản lý, phát huy giá trị.
Bài và ảnh: Kỳ Nam