Khám phá bóng đá tại Philippines

Khám phá bóng đá tại Philippines
18 giờ trướcBài gốc
Mối quan tâm "hạng hai"
Trước năm 2010, bóng đá Philippines không hề có giải vô địch quốc gia. Một trong những nguyên nhân khiến Philippines nhiều năm chịu gắn mác "bóng đá nghiệp dư" là thị hiếu quần chúng. Tại quốc đảo này, không phải bóng đá, mà bóng rổ mới được xem là môn thể thao vua.
Bóng đá Philippines phát triển èo uột vì không phải môn được yêu thích.
Sân bóng rổ xuất hiện khắp mọi nơi ở Philippines. Người dân quốc gia này cũng cảm thấy hình ảnh trái bóng cam quen thuộc và gần gũi hơn bóng đá. Bởi trong một thời gian dài, Philippines chịu kiểm soát bởi Mỹ, quốc gia đưa hình ảnh môn bóng rổ vươn ra toàn thế giới.
Philippines chứng kiến nhiều VĐV bóng rổ trở thành ngôi sao tại giải nhà nghề Mỹ NBA. Trong trường hợp các cậu bé Philippines kiếm tiền từ thể thao, họ sẽ tìm đến billiards hoặc boxing. Quốc gia này có 2 người hùng dân tộc đến từ 2 môn thể thao trên, Efren Reyes và Manny Pacquiao.
Giữa kiềng ba chân mang tên bóng rổ, billiards và boxing, bóng đá chợt trở nên thật nhỏ bé tại Philippines, quốc gia có tới 120 triệu dân. Họ chỉ bắt đầu có kế hoạch thực hiện một giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước sau thành công của đội tuyển quốc gia tại ASEAN Cup (khi đó mang tên AFF Cup) vào năm 2010.
Có một điều thú vị là thành công của đội tuyển Philippines tại ASEAN Cup 2010 có gắn liền với Việt Nam. Khi ấy, với một đội hình gồm nhiều cầu thủ nhập tịch hồi hương thi đấu, Philippines đã bất ngờ đánh bại Việt Nam 2-0 ngay trên sân Mỹ Đình. Trận thắng Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng để giải vô địch quốc gia Philippines khai sinh.
Nền tảng hình thành một giải bóng đá chuyên nghiệp tại Philippines vào năm 2010 cũng thật sơ khai. Ở thời điểm đó, quốc gia này không có sân vận động nào đủ tiêu chuẩn thi đấu tại ASEAN Cup. Đây cũng là lý do khiến Philippines phải đá 2 trận bán kết tại Indonesia, dù giải đấu có thể thức sân nhà - sân khách ở vòng loại trực tiếp.
Đến SEA Games 2019, thời điểm Philippines đăng cai kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á trên sân nhà, bóng đá tại quốc đảo này vẫn chưa có nhiều điểm cải thiện. Sân bóng tốt nhất của họ là Rizal Memorial đã chuyển thành sân cỏ nhân tạo để đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế. Philippines không muốn duy trì sân cỏ tự nhiên vì chi phí tốn kém.
1 năm trước đó, tại bán kết ASEAN Cup 2018, đội tuyển Việt Nam gặp Philippines trên sân Panaad ở TP Bacolod. Ấn tượng của các cầu thủ và người hâm mộ Việt Nam đến Philippines khi đó là sân bóng này có mặt cỏ không khác gì... mặt ruộng. Năm 2023, sau hơn 3 năm đóng cửa để tu bổ, sân Panaad mới tiếp tục tổ chức các trận đấu bóng đá.
Số phận mong manh
Tại Việt Nam, sau hơn 2 thập niên hình thành và phát triển, hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp đã dần thành hình. Vào thời điểm năm 2014-15, bóng đá Việt Nam có 4 hạng đấu khác nhau, cùng trên dưới 80 câu lạc bộ tham gia tranh tài. Con số đó có thể khiêm tốn, nhưng vẫn là mơ ước với bóng đá Philippines.
Tại Philippines, giải vô địch bóng đá quốc gia của quốc đảo này vừa chạm cột mốc 14 năm tuổi đời. Tuy nhiên, tổng số đội bóng Philippines hiện có chỉ là 12. Đương nhiên là toàn bộ các CLB của Philippines được quy tụ về 1 giải đấu, không phân chia hạng đấu và không có lên xuống hạng.
Đâu là lý do khiến Philippines không thể phát triển hệ thống giải vô địch quốc gia sau 14 năm? Khủng hoảng kinh tế và dịch COVID-19 không phải nguyên nhân chính. Sự thực là rất nhiều đội bóng Philippines đã giải thể trong giai đoạn 2017-2019, trước thời điểm đại dịch diễn ra.
Thị hiếu của khán giả, nơi bóng rổ, boxing và billiards được yêu thích hơn, đã khiến bóng đá không có nhiều cơ hội thể hiện mình. Những người hùng dân tộc của bóng đá Philippines từ kỳ ASEAN Cup 2010 sau đó lần lượt về nước thi đấu. Tuy nhiên, họ không gây được nhiều tiếng vang như kỳ vọng của đơn vị tổ chức giải.
Những khán đài trống khán giả, thậm chí không có đơn vị truyền hình, truyền thông đồng hành là nguyên nhân khiến đơn vị tổ chức giải vô địch quốc gia Philippines giải thể vào năm 2018. Bóng đá chuyên nghiệp Philippines tưởng như đã đến hồi cáo chung nếu như không có các đơn vị liên quan, bao gồm cả AFC tham gia tái thiết.
Từ một đống đổ nát, bóng đá Philippines dần hồi phục. Trong những năm gần đây, họ bắt đầu có hợp đồng tài trợ với một số hãng truyền thông quốc tế. Các trận đấu được phát trực tiếp qua nền tảng mạng xã hội, thay vì truyền hình chính thống. Tuy nhiên, họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh bất ổn chung của Philippines.
Phần lớn người dân Philippines có mức thu nhập tương đương 8 triệu đồng mỗi tháng. Ở các khu ổ chuột lên tới cả triệu dân, nhiều người nơi đây thậm chí phải bới rác kiếm miếng ăn hằng ngày. Với một đất nước ăn chưa đủ no và bóng đá chỉ là môn được yêu thích số 4, các giải VĐQG sao có thể phát triển được?
An Khánh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/the-thao/kham-pha-bong-da-tai-philippines-i754884/