Lam Kinh (hay còn gọi là Lam Sơn) ở huyện huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh (1418-1428) và cũng là nơi thờ cúng tổ tiên, an nghỉ vĩnh hằng của các Hoàng đế, Hoàng thái hậu vương triều Hậu Lê.
Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh có diện tích khoảng hơn 200ha
Chính điện Lam Kinh là công trình kiến trúc lớn, bề thế, quan trọng nhất nằm giữa khu trung tâm di tích. Trải qua thời gian với nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, năm 2010, Chính điện Lam Kinh được bảo tồn và phỏng dựng dựa trên nền tảng mặt bằng cũ với kết cấu khung gỗ lim xanh 6 hàng chân cột, 138 chân đá tảng, tổng diện tích hơn 1.600 m2, bố cục theo kiến trúc hình chữ Công (工).
Chính điện Lam Kinh là công trình kiến trúc lớn, bề thế, quan trọng nhất nằm giữa khu trung tâm di tích
Toàn bộ nội thất trong khu Chính điện được dát vàng với khối lượng lớn
Chính điện bao gồm 3 tòa nhà: Ngoài cùng là điện Quang Đức (đức sáng); ở giữa là điện Sùng Hiếu (tôn sùng đạo hiếu); phía sau cùng là điện Diễn Khánh (kéo dài sự tốt lành). Trên bề mặt cấu kiện gỗ, các bức tượng, phù điêu… ở Chính điện lam Kinh được trang trí hoa văn hình rồng xen vân mây, hoa lá cách điệu, được làm thủ công bởi những người thợ giỏi trong cả nước, bên ngoài mạ bằng vàng thật.
Bàn làm việc, con dấu, bút nghiên cùng nhiều đồ dùng quan trọng của Vua
Mâm gỗ, đũa bạc được lưu trữ cẩn trọng
Ở chính giữa điện Quang Đức đặt hương án hội đồng các vị Hoàng đế, phía đông điện Quang Đức trưng bày hố khai quật khảo cổ học rộng 70m2.
Kế tiếp là điện Sùng Hiếu, đặt ngai vàng của Vua với áo “long bào”, “long ngai” và “long hài”. Phía trước ngai vàng đặt hương án để tưởng nhớ Vua. Sau ngai vàng là bức phù điêu “cửu long quần tụ” uốn lượn mềm mại, uyển chuyển, thể hiện uy quyền, uy lực của Vua.
Điện Sùng Hiếu, đặt ngai vàng của Vua với áo “long bào”, “long ngai” và “long hài”
Nơi an nghỉ của Vua
Phía sau cùng là điện Diễn Khánh, nơi nghỉ ngơi của Vua có để “long sàng”, ngoài ra còn có bàn làm việc, con dấu, bút nghiên cùng nhiều đồ dùng quan trọng của Vua.
Sau khi phục dựng, tu bổ đã trở thành công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất và phức tạp nhất tại tỉnh Thanh Hóa, với khối lượng gỗ lim hơn 2.000m3
Bên trong chính điện, các đồ thờ, vật dụng được phục dựng và sơn son thếp vàng với giá trị hơn 40 tỉ đồng
Đặc biệt, tại điện Diễn Khánh có một “cột cái” được làm từ “cây lim hiến thân” ở núi rừng Lam Kinh khoảng 600 năm tuổi. Cây đặc ruột, sau khi bỏ vỏ, thân cây vừa khít với chân tảng đá còn lại trên nền móng ngày xưa. Các phần của “cây lim hiến thân” được dùng trong cả 3 tòa nhà Chính điện với cột cái, cột chốn, cột con, cột quân, đầu trụ, thượng lương.
Sau 12 năm phục hồi, tôn tạo, đầu tháng 4/2022 Chính điện Lam Kinh chính thức mở cửa đón khách trước sự choáng ngợp bởi nội thất bên trong được dát vàng với số lượng lớn
Năm 2022, Chính điện Lam Kinh chính thức mở cửa cho du khách tham quan. Hiện nay, Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh là một trong những điểm du lịch văn hóa, tâm linh thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt vào các dịp Tết, lễ hội…
Năm 1962, Di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng cấp Quốc gia. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Hà Anh