Khám phá di tích Hải Vân Quan

Khám phá di tích Hải Vân Quan
5 giờ trướcBài gốc
Trải nghiệm đa tương tác
Theo đó, du khách chỉ cần bật tính năng NFC trên smartphone, đưa điện thoại gần với vị trí có chip NFC theo hướng dẫn để khám phá điểm check-in, sẽ truy cập ngay thông tin về từng khu vực, sự kiện lịch sử và giá trị văn hóa của mỗi điểm tại di tích.
Giải pháp du lịch trải nghiệm đa tương tác với việc triển khai thí điểm nền tảng check-in và ghi nhận sự hiện diện của khách du lịch tại di tích Hải Vân Quan được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp cùng Phygital Labs và Trung tâm Công nghệ Thông tin-HueCIT xây dựng. Theo đó, di tích Hải Vân Quan được số hóa bản đồ du lịch 3D, kiến tạo hành trình khám phá văn hóa qua các câu chuyện. Đây là giải pháp công nghệ mới mang đến cho du khách không chỉ thông tin, mà còn được hòa mình vào dòng chảy lịch sử, cảm nhận rõ nét từng khoảnh khắc mà di tích đã trải qua và ghi dấu.
Bản đồ số 3D tái hiện toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Hải Vân Quan, cho phép du khách có thể chiêm ngưỡng, khám phá chi tiết lịch sử phong phú của công trình qua các thời kỳ, từ quá trình hình thành đến những sự kiện quan trọng trong lịch sử bảo vệ lãnh thổ. Điểm nổi bật là sự kết hợp giữa thực tế và công nghệ, giúp tăng cường trải nghiệm tương tác. Đồng thời, mở ra khả năng khám phá từ xa, cho phép người dùng được ngắm nhìn di sản một cách chân thực dù ở bất cứ đâu trên thế giới.
Giải pháp du lịch đa tương tác của Phygital Labs kết hợp công nghệ số với di sản văn hóa, mang đến cách thức khám phá mới và góp phần thúc đẩy du lịch địa phương. Không chỉ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, giải pháp này còn giúp người dùng lưu giữ và chia sẻ trải nghiệm trên trang cá nhân và website. Điều này tạo động lực cho du khách khám phá và lan tỏa những câu chuyện cùng cảm hứng tích cực về di sản Việt Nam đến cộng đồng.
Ông Huy Nguyễn, CEO của Phygital Labs cho biết, công nghệ này mang đến 3 trải nghiệm cốt lõi. Đầu tiên, hệ thống check-in cho du khách cảm giác chinh phục khi nhận được huy hiệu và xếp hạng, tạo động lực chia sẻ thành tích với cộng đồng. Tiếp đến, mỗi chia sẻ của họ trở thành nội dung truyền thông, thu hút giới trẻ khám phá di sản và lan tỏa giá trị tích cực. Đồng thời, giúp mở rộng hệ sinh thái du lịch qua hình thức đổi huy hiệu lấy phần thưởng từ các đối tác, gia tăng trải nghiệm người dùng và thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp địa phương.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung chia sẻ, không chỉ quảng bá di sản, dự án thí điểm nền tảng check-in và ghi nhận sự hiện diện của khách du lịch tại di tích Hải Vân Quan còn mở rộng tiềm năng phát triển kinh tế số, phát triển công nghiệp văn hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ số vào du lịch. Trung tâm phối hợp với Phygital Labs đưa những ứng dụng công nghệ, trải nghiệm mới giúp tăng tính tương tác cho du khách khi tham quan các di tích. Từ đó, lan tỏa câu chuyện văn hóa lịch sử Việt Nam ra toàn cầu, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa, kiến tạo mô hình kinh tế số.
Sau hơn 2 năm trùng tu, di tích Hải Vân Quan đã mở cửa đón du khách tham quan
Nỗ lực hợp tác của hai địa phương
Được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, di tích lịch sử Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân và là ranh giới giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng. Di tích này được xây dựng vào năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng. Đây là nơi có vị trí chiến lược, quân sự vô cùng quan trọng dưới triều Nguyễn. Trước năm 2021, những hạng mục của di tích nổi tiếng này đứng trước tình trạng xuống cấp trầm trọng. Lãnh đạo Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sau nhiều lần gặp gỡ trao đổi đã thống nhất chi hơn 40 tỷ đồng từ ngân sách để trùng tu di tích. Sau hơn 2 năm tiến hành, từ 1/8/2024, di tích Hải Vân Quan đã mở cửa đón du khách tham quan.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Phan Văn Tuấn, trong thời gian này, trung tâm đang tiếp thu ý kiến của cộng đồng để hoàn thiện các thiết chế dịch vụ đảm bảo phục vụ tốt nhất cho du khách. Việc trùng tu di tích đến nay cơ bản đã đảm bảo phục hồi, tu bổ lại một số hạng mục công trình gốc của di tích như cổng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (hướng về Đà Nẵng), cổng Hải Vân Quan (hướng về Thừa Thiên Huế), nhà trú sở, hệ thống Trường Thành. Đơn vị dựa trên các hồ sơ khảo sát, tư liệu khảo cổ để xây dựng phương án trùng tu phù hợp đối với các hạng mục công trình còn nguyên trạng nhằm giữ được giá trị kiến trúc lịch sử quân sự của di tích Hải Vân Quan. Các hạng mục chưa có tư liệu hoặc nghiên cứu trên địa hình sẽ có phương án trùng tu về sau. Bên trong nhà trú sở đã hoàn thành và treo các bảng hình ảnh, thông tin về di tích theo ngôn ngữ Việt - Anh để phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử công trình của du khách. Đặc biệt với việc sử dụng giải pháp checkin định danh bằng chip tại từng hạng mục, di tích đã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của du khách.
Hải Vân Quan là di tích lịch sử cấp quốc gia duy nhất ở Việt Nam thuộc quyền quản lý của hai địa phương. Trong tương lai, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ xây dựng một ban quản lý để thực hiện công tác quản lý, khai thác di tích. Đồng thời, nghiên cứu tổ chức các triển lãm, trưng bày, hoạt động gắn liền với Hải Vân quan nhằm lan tỏa danh thắng đặc biệt này. Để khai thác hiệu quả di tích, ngành du lịch Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã lên kế hoạch xây dựng các tour du lịch kết nối, tạo ra những trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn cho du khách như: Phát triển các tour du lịch liên vùng; Xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch; Tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch trong và ngoài nước… Hai địa phương cũng thống nhất giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý trực tiếp di tích trong vòng 3 năm, sau đó luân phiên giao cho một đơn vị của Đà Nẵng quản lý.
Sau thời gian mở cửa đón du khách và hoàn chỉnh di tích theo những ý kiến đóng góp của cộng đồng, Di tích Hải Vân Quan dự kiến sẽ khánh thành vào cuối tháng 12/2024 tới.
Thảo Nguyên
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/kham-pha-di-tich-hai-van-quan-157116.html