Vào ngày 16/11 vừa qua, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt di tích khảo cổ hang xóm Trại và mái đá Làng Vành.
Tọa lạc ở địa bàn huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, hang Xóm Trại và mái đá Làng Vành là hai địa điểm khảo cổ tiêu biểu nhất đại diện cho giai đoạn Hòa Bình giữa, có ý nghĩa rất quan trọng trong diễn trình phát triển của Văn hóa Hòa Bình, nền văn hóa tiền sử có niên đại 18.000 đến 7.500 năm trước.
Hang Xóm Trại – nơi cư trú độc đáo cư dân Văn hóa Hòa Bình
Theo tư liệu Cục Di sản văn hóa, hang Xóm Trại nằm ở sườn phía Đông của một núi đá Khụ Trại, có độ cao 15m so với mặt thung lũng, cửa hang rộng 8m, mở về hướng Đông hơi chếch Bắc. Hang cao 92m so với mực nước biển, ăn sâu vào hơn 13m, cửa hang cao 10m.
Trong tầng văn hóa của hang Xóm Trại, các nhà khảo cổ đã phát hiện một số di tích của người xưa để lại như bếp lửa và mộ táng. Trong các lần khai quật, đều phát hiện lẻ tẻ các bộ phận khác nhau của di cốt người cổ như các mảnh xương sọ, xương hàm dưới... Đặc biệt, trong quá trình giải phóng phần đất lấp của các hố khai quật cũ để phục vụ công tác trưng bày năm 2008, các nhà khảo cổ đã phát hiện một mộ táng.
Hang Xóm Trại. Ảnh: Báo Hòa Bình.
Tại hang Xóm Trại, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số lượng đáng kể xương cốt các loài động vật như khỉ, nhím, dúi, gấu ngựa, mèo rừng, lửng, cầy giông, cầy hương, lợn rừng, bò rừng, nai, tê giác..., là các loài vật sinh sống trong môi trường tự nhiên mà người xưa đã săn làm thức ăn. Ngoài ra, người cổ Xóm Trại còn thu lượm nhiều loại củ quả trong tự nhiên mang về hang để ăn và bỏ lại dấu tích hạt quả rất phong phú về chủng loại. Có thể nói, di tích hang Xóm Trại là kho mẫu về hạt quả nguyên thủy được bảo tồn tại chỗ duy nhất ở Việt Nam. Đây là một hiện tượng độc đáo của di tích Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Một trong những đặc trưng quan trọng của hang Xóm Trại là bộ công cụ đá điển hình của Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam, được thu được một số lượng lớn và phong phú về loại hình di vật đá. Trong đó, có các nhóm công cụ ghè đẽo và nhóm mảnh tước làm từ cuội sông, suối tương tự như cuội sông suối ở khu vực thung lũng Mường Vang. Điều này chứng minh rằng, người cổ Xóm Trại đã khai thác ngay trong khu vực núi và suối gần nơi cư trú để làm công cụ lao động.
Từ những hiện vật thu được ở hang Xóm Trại, có thể khẳng định di tích này vừa là nơi cư trú, vừa là nơi chế tác đồ đá, đồ xương và nơi để mộ táng của cư dân Văn hóa Hòa Bình. Dấu tích cư trú là liên tục, nhiều giai đoạn từ hậu kỳ Đá cũ đến sơ kỳ Đá mới và cho đến giai đoạn Đá mới muộn, bằng chứng là sự có mặt với số lượng lớn công cụ đá đã qua sử dụng, đồ gốm có vết đen (dấu của đun nấu), mảnh xương động vật có vết đập, chặt, chẻ, các vỏ các loài ốc nước ngọt. Các tàn tích động vật này là do con người săn bắt, thu hái đưa về hang ăn và bỏ lại tạo thành tầng văn hóa dày hàng mét có vết tích than tro, bếp lửa, đá kê làm nơi chế tác. Điều này xác nhận hang Xóm Trại là di tích cư trú của người tiền sử với nhiều giai đoạn, từ khoảng 21.000 năm đến 2.500 năm trước.
Mái đá Làng Vành – bộ sưu tập di vật thời tiền sử đồ sộ
Tư liệu của Cục Di sản văn hóa cho biết, mái đá Làng Vành nằm ở cực Tây của dãy núi Đá Trắng, cao 64m so với mực nước biển. Đây là một mái đá khá rộng và thoáng mát, cửa rộng 30m, sâu 18m, vòm trần cao 10m, thấp dần về phía trong. Mặt bằng mái đá cao hơn mặt thung lũng xung quanh khoảng 5m. Toàn bộ phần có vết tích tầng văn hóa được chiếu sáng tự nhiên, cửa quay về hướng Tây Nam.
Tầng văn hóa di tích mái đá Làng Vành dày 3,7m, chủ yếu được cấu tạo bằng vỏ ốc suối, ốc ruộng, ốc núi, đất sét vôi, một số than tro và các vỏ nhuyễn thể khác. Trong đó có chứa tổ hợp hiện vật đá, xương và một số đồ gốm.
Bên dưới mái đá, các nhà khảo cổ dã phát hiện đấu tích 4 bếp lửa, có cấu trúc hình bầu dục, dày trung bình từ 20cm đến 30cm không đều nhau, trong đó chứa đất màu xám, đỏ lẫn mùn than mịn màu xám trắng, các mảnh xương động vật cháy vụn, các hòn cuội lớn nhỏ có bám muội than. Xung quanh bếp rất nhiều công cụ đá, viên đá kê và xương răng động vật.
Mái đá Làng Vành. Ảnh: TTXVN.
Tại di tích mái đá Làng Vành, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những di vật rất phong phú về công cụ đá cũng như công cụ xương so với các di tích văn hóa Hòa Bình khác ở Việt Nam đã được khai quật
Đặc trưng của bộ công cụ đá ghè đẽo ở di tích mái đá Làng Vành được đại diện bởi các viên cuội lớn kết cấu mịn và có các rìa tác dụng/rìa lưỡi theo chiều ngang và chiều dọc. Kỹ thuật chế tác công cụ được thực hiện bằng những nhát ghè từ một bề mặt cuội, hướng ghè hướng tâm từ rìa cạnh vào trung tâm. Diện ghè đều được chuẩn bị để có tác động tự nhiên phẳng.
Công cụ làm bằng xương tiêu biểu là sừng hươu nai với 21 chiếc gồm loại hình rìu và đục lớn hai đầu đều mài thành lưỡi và một mảnh xương có trổ lỗ để đeo, 1 mũi nhọn, 2 hình đục, 1 hình cuốc và một mảnh xương có lỗ xuyên dây, 1 công cụ bằng vỏ trùng trục.
Ở các hố khai quật mái đá Làng Vành, với phương pháp sàng khô bằng sàng lưới sắt, các chuyên gia đã thu được một số lượng lớn xương động vật, vỏ các loài nhuyễn thể, càng cua và nhiều nhất là vỏ ốc... là tàn tích thức ăn do con người sống ở đây ăn và bỏ lại trong di tích. Ở các hố khai quật và độ sâu khác nhau, số lượng và thành phần loài xương động vật là khác nhau.
Cũng tái mái đá Làng Vành, di cốt người cũng được phát hiện, với các mảnh của ít nhất là 8 chiếc sọ, trong đó có những mảnh sọ bị cháy thành vôi, một số mảnh sọ ở phần trán còn dấu vết màu đỏ. Đây là những dấu vết trực tiếp nhất về sự hiện diện của con người tại mái đá lịch sử này.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, hang Xóm Trại và mái đá Làng Vành thể hiện rõ nét về đặc trưng của một di tích lớn mang tính chất trung tâm và ở trung tâm vùng lõi của Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam. Đây là bằng chứng gốc về nguồn gốc của Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 18/7/2024).
Thanh Bình