Khám phá Hàng Châu: Từ 'Thung lũng Silicon Trung Quốc' đến Trung tâm AI đột phá

Khám phá Hàng Châu: Từ 'Thung lũng Silicon Trung Quốc' đến Trung tâm AI đột phá
19 giờ trướcBài gốc
Tros Resonance, robot khoa học viễn tưởng cỡ lớn, ra mắt tại quận Gongshu, Hàng Châu vào năm 2023. Ảnh: CFP
Con robot bốn chân nhảy qua cửa sau của công ty để phô diễn năng lực. Với trọng lượng gần 56kg, nó được làm bằng hợp kim titan và có bộ não được hỗ trợ bởi AI có khả năng xác định địa hình và điều chỉnh chuyển động cho phù hợp. Robot được sử dụng cho các hoạt động cứu hộ, công tác an ninh và hậu cần, cũng như nhiệm vụ cảnh sát.
Con robot leo cầu thang, đi qua bùn, chạy nhảy lên hàng rào. Du khách chụp ảnh. Một số người là doanh nhân muốn mua một con. Một vị khách, tỏ ý quan tâm vì công ty của anh có kế hoạch mua robot để giám sát trong khu công nghiệp, đã thử sức bền của robot bằng cách đá mạnh vào nó, con robot lùi lại vài bước, nhưng không hề nao núng.
Đó là những hình ảnh bạn dễ dàng bắt gặp ở Hàng Châu, thành phố có gần 12 triệu người nằm bên bờ biển phía đông của Trung Quốc, được ví như một “Thung lũng Silicon” mới.
Sáu chú rồng nhỏ
Thành phố thủ phủ tỉnh Chiết Giang, trong lịch sử từng nổi tiếng với sản phẩm lụa, thì nay nổi tiếng toàn cầu như một trung tâm công nghệ kể từ khi DeepSeek, công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc có mô hình cạnh tranh trực tiếp với OpenAI, xuất hiện bùng nổ với chi phí thấp hơn nhiều.
DeepSeek mang trong mình “DNA” thuần túy của Hàng Châu: người sáng lập của công ty, Liang Wenfeng, tốt nghiệp Đại học Chiết Giang, có cơ sở tại thành phố này. Nhiều năm sau, vào năm 2023, ông đã thành lập trụ sở công ty của mình tại đây.
Động lực kinh doanh công nghệ của Hàng Châu có thể nhận thấy ngay từ khi bạn đến ga tàu cao tốc: một bảng điều khiển lớn hiển thị vị trí bãi đậu xe của DiDis (phiên bản Uber Trung Quốc), nơi mà du khách đã đặt xe trên điện thoại di động của họ.
Nhiều gã khổng lồ công nghệ đã phát triển mạnh mẽ ở thành phố này, như tập đoàn thương mại điện tử Alibaba hoặc công ty dịch vụ internet NetEase. Sự hiện diện của họ đã giúp tạo ra một hệ sinh thái có rất nhiều người trẻ cống hiến cho công nghệ. Điều đó đã thúc đẩy sự ra đời của một làn sóng công ty địa phương mới, được báo chí Trung Quốc gọi là "Sáu chú rồng nhỏ". Những công ty khởi nghiệp đầy triển vọng này bao gồm DeepSeek; Công ty trò chơi điện tử Game Science - nhà sáng tạo ra “Black Myth: Wukong” (Hắc huyền thoại: Ngộ Không” – bom tấn game cực thành công; giao diện máy não BrainCo, cũng như công ty chuyên về robot bốn chân, Deep Robotics, với cỗ máy vừa được di chuyển quanh công viên.
Deep Robotics có lịch sử rất giống với DeepSeek. Công ty được thành lập vào năm 2017, cũng bởi hai cựu sinh viên của Đại học Chiết Giang. Hiện công ty có khoảng 200 nhân viên, và một danh sách đơn đặt hàng robot mà họ không thể đáp ứng kịp - theo Zhang Yatao, giám đốc bán hàng nước ngoài của công ty.
Robot trình diễn tại Đại học Chiết Giang, được ví như "Stanford Trung Quốc". Ảnh: Economist
Ông Zhang so sánh Đại học Chiết Giang với ETH ở Zurich (nơi Einstein từng là sinh viên và giảng viên) và MIT. Những người khác so sánh nó với Stanford, “mỏ đá” của Thung lũng Silicon. Theo một số bảng xếp hạng của Trung Quốc, trường đại học này là trường danh giá thứ ba trong cả nước. Năm 2023, trường được xếp hạng 6 trên thế giới trong chỉ số các tổ chức nghiên cứu do tạp chí học thuật Nature tổng hợp. Trường nổi bật về việc cung cấp các bằng cấp về công nghệ. Và không chỉ nổi tiếng về nghiên cứu, đây còn là trường đại học thúc đẩy việc triển khai các ý tưởng thông qua các công ty.
Ông Zhang cho biết: “Lúc đầu, mọi thứ rất khó khăn: không có lợi nhuận, không có văn phòng, không nhà máy…”. Trong khi ông nói, trong showroom, một số robot đi lại giữa đám đông. Zhang tiết lộ bí mật nằm ở thuật toán điều khiển chuyển động của công ty. “Điều đó có nghĩa là robot có thể phát hiện môi trường. Nó nhận ra núi, cầu thang, địa hình…”
Không khó để tưởng tượng ra những cuộc chiến tranh trong tương lai giữa những robot tương tự. Hoặc, chúng có thể dùng cái ôm của mình để lấp đầy các viện dưỡng lão bằng niềm vui.
Vai trò hỗ trợ của chính quyền
Ông Zhang Yatao cho biết, trụ sở của Deep Robotics được thuê từ chính quyền địa phương với giá rất thấp trong vài năm đầu. Công ty cũng nhận được viện trợ để quảng bá ở nước ngoài, bằng cách cử nhân viên đến các hội chợ quốc tế.
Hàng Châu rất rộng lớn. Có những khu vực đông khách du lịch, với những khu phố cổ kính và hồ nước mơ màng, và cả những khu vực hiện đại với những tòa tháp bằng kính và thép và những người trẻ tuổi nhâm nhi cà phê. Năm ngoái, thành phố này đã được Viện Milken bình chọn là thành phố có hiệu suất hoạt động tốt nhất của Trung Quốc.
Báo cáo của Milken nêu bật sự phát triển của thành phố từ một điểm thu hút khách du lịch thành một trung tâm thương mại điện tử, được thúc đẩy bởi Tập đoàn Alibaba.
Kể từ khi DeepSeek xuất hiện, nơi đây cũng đã trở thành điểm đến của các blogger và du khách tò mò về những doanh nhân công nghệ "ẩn mình". Người sáng lập DeepSeek chỉ trả lời phỏng vấn hai lần trước khi thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ do công ty của ông gây ra vào tháng 1 năm ngoái. Giờ đây, ông nhận được sự kính nể từ các chuyên gia công nghệ của Trung Quốc. Vào giữa tháng 2 vừa qua, ông đã được Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón trong một cuộc họp hiếm hoi với các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hứa với họ về sự hỗ trợ của chính quyền.
Hạn chế và đổi mới
Trung Quốc từ lâu đã nhận thấy công nghệ là lĩnh vực đại diện cho một phần quan trọng trong cuộc đua giữa các siêu cường (Trung Quốc và Mỹ). Chính Washington đã vô tình trở thành một động lực thúc đẩy Bắc Kinh khi tung ra các hạn chế về công nghệ kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Trong bối cảnh đó, DeepSeek trở thành nguồn tự hào dân tộc, một phần vì công ty đã nỗ lực phát triển công nghệ mới bất chấp áp lực từ bên ngoài.
"Bất cứ nơi nào có sự cản trở, thì có tiến bộ; bất cứ nơi nào có sự đàn áp, thì có sự đổi mới", Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu hôm 7/3, khi ông trả lời các câu hỏi về DeepSeek trong một cuộc họp báo. Hàng Châu là một phần trọng tâm trong chiến lược của Bắc Kinh. “Đổi mới là động lực chính thúc đẩy phát triển”, Thủ tướng Lý Cường khẳng định trong chuyến thăm Hàng Châu vào tháng 12/2024.
“Đây là một thành phố đổi mới và rất phù hợp với những người trẻ tuổi”, Xiao Yuan, 25 tuổi, chia sẻ khi đang ngồi trong một nhà hàng ở khu phố có tên là Future Sci-Tech City, nơi tọa lạc nhiều công ty công nghệ.
Xiao Yuan không phải là tên thật. Anh muốn giấu tên, vì công ty nơi anh làm việc - một công ty công nghệ hàng đầu - không cho phép nhân viên chia sẻ với báo chí. Yuan là một nhà toán học, một chuyên gia về thuật toán. Và công ty của anh, mặc dù đặt trụ sở chính tại một thành phố khác, có hàng nghìn công nhân ở Hàng Châu. Hiện tại, anh kiếm được khoảng 30.000 nhân dân tệ (4.100 USD) một tháng.
Sau bữa trưa, khi đi bộ giữa các tòa nhà chọc trời, với một tách cà phê trên tay, Xiao Yuan bình luận về các hạn chế của Mỹ: "Trong ngắn hạn, chúng có thể làm chậm sự phát triển của Trung Quốc… nhưng về lâu dài, điều đó không nhất thiết là xấu, vì nó buộc Trung Quốc phải đổi mới".
Thu Hằng/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/kham-pha-hang-chau-tu-thung-lung-silicon-trung-quoc-den-trung-tam-ai-dot-pha-20250403170734932.htm