Ghi nhận vào lúc 21h ngày 16/7, hơn 10 cán bộ, chiến sĩ của Cục CSGT (Bộ Công an) cùng các đơn vị phối hợp ứng trực tại Trung tâm thông tin chỉ huy để xử lý hình ảnh được truyền về từ camera trên các tuyến đường và xe tuần tra của CSGT có gắn camera trên khắp cả nước. Đây là trung tâm quản trị cấp 1, tiên phong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại, đánh dấu bước ngoặt trong quản lý giao thông và an ninh trật tự tại Việt Nam.
Với hệ thống camera AI hoạt động 24/24, công tác tuần tra truyền thống đang dần được thay thế bằng mô hình “tuần tra điện tử” thông minh, minh bạch và hiệu quả. Có camera AI, việc phát hiện hành vi vi phạm được thực hiện tự động, qua đó, hạn chế thấp nhất việc CSGT ra đường dừng xe vi phạm đối với một số hành vi.
Nếu trước kia công việc duy trì bằng con người, tức là cán bộ, chiến sĩ CSGT phải xuất hiện ngoài đường, thì tới đây khi có dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" thì sẽ duy trì bằng công nghệ, hoạt động 24/24 giờ, bảo đảm công bằng và khách quan.
Từ trung tâm cấp 1 của Cục CSGT, tới đây sẽ có 34 trung tâm đặt tại 34 tỉnh, thành như mô hình thu nhỏ. Camera tích hợp trí tuệ nhân tạo AI sẽ thay cảnh sát - tự động phát hiện vi phạm 24/24 giờ.
Đại tá Phạm Quang Huy - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, Trung tâm thông tin chỉ huy đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông, kết nối dữ liệu đăng ký xe, đăng kiểm, thuế, hải quan, y tế và dữ liệu khác liên quan đến con người và phương tiện. "Về quy mô, đây sẽ là trung tâm tổng, kết nối các trung tâm nhỏ từ các địa phương, gồm dữ liệu từ tất cả thiết bị nghiệp vụ của toàn lực lượng cảnh sát giao thông" - Đại tá Phạm Quang Huy nhấn mạnh.
Dữ liệu sau khi đưa về trung tâm sẽ được hệ thống AI phân tích để nhận diện hành vi. Lực lượng CSGT trên cơ sở đó sẽ chuyển thông tin vi phạm nhanh nhất tới chủ xe thông qua ứng dụng VNeTraffic. Các camera ứng dụng AI sau khi ghi nhận vi phạm sẽ lập tức trích xuất hình ảnh/clip liên quan gồm tuyến đường, thời gian vi phạm, hành vi… và đưa ra được ngay chủ xe này là ai.
Đáng chú ý, camera ứng dụng AI đã có thể nhận diện được khoảng 20 hành vi vi phạm đối với ô tô, xe máy và đang liên tục được phát triển thêm. Từ đó, CSGT có thể "tuần tra trên môi trường điện tử" với trọng tâm bảo đảm an ninh an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Ngoài việc phát hiện các hành vi vi phạm, trung tâm còn nắm được toàn bộ các hoạt động của lực lượng CSGT trong quá trình tuần tra kiểm soát cũng như kiểm soát toàn bộ xe tuần tra của CSGT (số lượng xe đang hoạt động, đang dừng đỗ để xử lý vi phạm, đang ở đơn vị; tổ công tác này của đơn vị nào, có bao nhiêu người, được trang bị những công cụ gì và đang làm chuyên đề gì trên tuyến đường nào…).
Không chỉ giám sát giao thông, camera AI còn đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh trật tự. Hệ thống tự động phát hiện các hành vi gây rối như giơ dao, cầm gậy, giáo mác, tụ tập đông người bất hợp pháp, thậm chí nhận diện khuôn mặt các đối tượng truy nã. Toàn bộ quy trình từ ghi nhận, phân tích đến xử lý đều được tự động hóa, giảm thiểu sai sót và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật.
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình - Cục trưởng Cục CSGT cho biết, trong giai đoạn 1, Trung tâm thông tin chỉ huy của Cục CSGT sẽ vừa chạy vừa hiệu chỉnh để hoạt động ổn định. Ở giai đoạn 2, Cục CSGT sẽ lắp đặt thêm nhiều camera trên các tuyến cao tốc, sao cho ổn định, sắc nét và thông minh. Hiện Cục CSGT đã triển khai thí điểm gửi cảnh báo vi phạm giao thông thông qua ứng dụng VNeTraffic đối với các xe vi phạm trên 4 tuyến cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương.
Công an TP Hà Nội cũng cho biết thời gian qua đã triển khai hệ thống camera tích hợp trí tuệ nhân tạo AI với nhiều tính năng hiện đại như quay quét 360 độ, nhận diện rõ sự vật, hiện tượng, đối tượng ở khoảng cách xa 500-700m; hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, môi trường khắc nghiệt, có các tính năng cảnh báo tụ tập đám đông, nhận diện đối tượng; quản lý giao thông đô thị thông minh, tự động điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông theo thời gian thực; có thể tạo hiệu ứng "làn sóng xanh"; tự động nhận diện, cập nhật các phương tiện vi phạm trên hệ thống; cảnh báo về vi phạm môi trường, vỉa hè... hướng đến hạn chế thấp nhất lực lượng CSGT phải trực tiếp chỉ huy giao thông. Hiện nay Công an TP Hà Nội đang triển khai hệ thống camera AI thứ 2 với tổng số 1.837 camera.
Thanh Hà