Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) là nơi an táng, thờ tự vua Tự Đức (1829-1883) - vị vua thứ 4 của triều Nguyễn và hoàng hậu Lệ Thiên Anh. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất trong tất cả 13 vị vua triều Nguyễn (36 năm, từ năm 1848-1883).
Lăng vua Tự Đức được khởi công xây dựng vào năm 1864 tại một thung lũng nhỏ phía Tây TP Huế hiện nay, thuộc phường Thủy Xuân. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau cuộc loạn Chày Vôi, vua đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi vua băng hà, Khiêm Cung trở thành Khiêm Lăng.
Khiêm Lăng được bao bọc bởi vòng thành xây bằng đá núi, dài khoảng 1.500m, diện tích bên trong lăng khoảng 12ha.
Toàn bộ khu lăng có khoảng 50 công trình kiến trúc được bố trí trên 2 khu vực chính của Khiêm Lăng: Tẩm Điện và khu lăng; Bồi Lăng và Khiêm Thọ Lăng nằm ở phía Đông. Trung tâm của khu vực lăng tẩm có hồ Lưu Khiêm 1,56ha, giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm, ven hồ có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ (công trình kiến trúc có hình thức nhà tạ, được dựng trên mặt nước) và 3 chiếc cầu để nối thông 2 bên.
Khu vực Tẩm Điện (Khiêm Cung), gồm khoảng 30 công trình kiến trúc dành cho nhà vua và đoàn tùy tùng lưu trú trong những lần lên lăng. Sau khi vua Tự Đức băng hà, khu vực này thành nơi thờ phụng. Khu vực này là một tổ hợp nhiều công trình như: điện Hòa Khiêm (thờ vua Tự Đức và hoàng hậu Lệ Thiên Anh), điện Lương Khiêm (thờ thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức), Minh Khiêm đường (nhà hát), Ôn Khiêm đường (nơi cất giữ quần áo, đồ dùng của nhà vua)...
Khu vực lăng gồm có Bái Đình - là khu vực sân chầu nằm phía trước Bi Đình (nhà bia), sân Bái Đình được sắp xếp theo thứ tự ba tầng từ thấp lên cao. Trên tầng sân thứ hai của Bái Đình bài trí hai hàng tượng gồm: voi, ngựa và quan văn, quan võ, tương tự như các khu vực lăng tẩm khác của các vị vua triều Nguyễn.
Chính giữa tầng sân thứ ba là vị trí của Bi Đình, nơi đặt Bia Khiêm Cung Ký - là tấm bia có 2 mặt bia trang trí giống nhau nhưng bản khắc văn tự khác nhau, là tấm bia khắc bài văn bia do vua Tự Đức soạn thảo năm 1871, cũng là tấm bia lưu giữ nét bút của chính tác giả văn bia - vua Tự Đức. Đặc biệt, với 4.935 chữ Hán khắc trên hai mặt bia, đây là tấm bia có số lượng văn tự khắc trên đá nhiều nhất… Bia Khiêm Cung Ký được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2015.
Bửu Thành - là vòng tường gạch bao quanh Huyền Cung và Huyền Cung - là nơi đặt thi hài vua Tự Đức.
Khu vực Bồi Lăng có điện Chấp Khiêm (thờ vua Kiến Phúc) và Huyền Cung (nơi đặt thi hài vua Kiến Phúc). Vua Kiến Phúc là con nuôi vua Tự Đức, chỉ trị vì trong 8 tháng và mất năm 1884, lúc mới 15 tuổi. Lăng vua Kiến Phúc (Bồi Lăng) được xây dựng vào năm 1885. Gần đó là Khiêm Thọ Lăng…
Khiêm Thọ Lăng là nơi đặt thi hài của hoàng hậu Lệ Thiên Anh, dược xây dựng vào năm 1902.
Ngoài ra, Khiêm Lăng còn có miếu thờ các phi tần (Chí Khiêm Đường)…
Lưu Khiêm hồ được mở rộng từ một con suối nhỏ từng chảy qua đây, đất đá được dùng để đắp thành đảo Tịnh Khiêm giữa hồ. Thời vua Tự Đức còn sống, trên đảo có dựng 3 ngôi nhà xinh xắn và nuôi nhiều loại chim muông quý. Nhà vua thường dùng thuyền dạo chơi quanh hồ và ra thăm đảo Tịnh Khiêm.
Lăng vua Tự Đức là một công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt, được đánh giá là đỉnh cao của kiến trúc lăng tẩm truyền thống ở Việt Nam. Trong ảnh: Tịnh Khiêm hồ, ven hồ có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ; chính diện trong ảnh là khu vực Tẩm Điện (Khiêm Cung), bên phải là khu vực lăng vua Tự Đức.
Nếu khu vực Tẩm Điện (Khiêm Cung) phản ánh phần nào cuộc sống của một bậc đế vương đang tại vị thì khu vực mộ là thế giới bên kia của nhà vua.
Bảng giới thiệu về lăng vua Tự Đức tại di tích. Lăng Tự Đức là một trong những lăng tẩm đẹp nhất trong hệ thống lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn, thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế đã được ghi vào danh mục Di sản Văn hóa thế giới của UNESCO năm 1993 - là di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam được vinh danh.
Nội dung trên Bia Khiêm Cung Ký của vua Tự Đức gồm 5 phần chính
Phần 1: Viết về thời tuổi trẻ của nhà vua. Từ khi còn nhỏ ông đã thể hiện trí thông minh và biết ứng đối thơ phú nên được vua cha rất thương yêu, chiếu cố hơn những người con khác và có ý định truyền ngôi. Tuy nhiên, sức khỏe của nhà vua không được tốt, lại bị bệnh đậu mùa lúc gần tuổi hai mươi.
Phần 2: Bày tỏ tâm tư của nhà vua trước một số biến cố quan trọng của đất nước và triều đình. Lên ngôi từ lúc còn quá trẻ, sức khỏe lại kém sút, đất nước đứng trước nạn xâm lăng, việc nhà vua phải xử tội anh mình cũng là vì phải coi trọng việc nước. Việc để mất Nam Kỳ khiến dân chúng lầm than cũng là tội nhà vua phải gánh chịu. Nhưng trong hoàn cảnh quan lại biếng nhác, không có chí khí, dù nhà vua muốn bảo vệ đất nước cũng chẳng giải quyết gì được. Nỗi lo lắng này đã khiến cho vua càng thêm suy sụp, phải tính chuyện xây dựng lăng tẩm.
Du khách tham quan Bi Đình và Bia Khiêm Cung Ký tại lăng Tự Đức.
Phần 3: Giải thích ý nghĩa của việc lựa chọn vị trí xây dựng, mối liên quan đến các công trình khác ở xung quanh về mặt quan hệ gia đình và về phong thủy. Nhà vua đặt tên cho toàn bộ khu vực này là Khiêm Cung, sau khi vua băng hà sẽ đổi là Khiêm Lăng. Các công trình trong khu vực này đều mang chữ Khiêm. Các quan binh, thợ thuyền tham gia xây dựng lăng đều được trả công xứng đáng.
Phần 4: Thể hiện những nhận định về bản thân và một số quan điểm trong cuộc sống của nhà vua. Vua tự xét mình là người nhút nhát, ít thích giao thiệp, lại là người trọng đạo đức, tin tưởng đạo lý ở trời, lấy lòng thành để đối phó muôn việc, dùng đạo Khiêm để hoàn thành bổn phận.
Phần 5: Là phần kết, khẳng định đây là những nội dung bộc bạch tấm lòng của nhà vua và những suy nghĩ riêng của cá nhân ông, không chú trọng đến giá trị văn chương. Người đời sau nếu đọc không cảm thông được thì chớ lấy làm phiền.
Duy Lợi