Khám phá ngôi đền thờ người thầy chuẩn mực của Việt Nam

Khám phá ngôi đền thờ người thầy chuẩn mực của Việt Nam
3 giờ trướcBài gốc
Đền thờ thầy giáo Chu Văn An nằm tọa lạc trên núi Phượng Hoàng thuộc TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đền còn được gọi là là “Phượng Sơn linh từ”, được xây dựng trên một thế đất cao, rộng và linh thiêng.
Nơi đây bao gồm một quần thể kiến trúc bề thế, có địa thế linh thiêng và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Phía trước có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kỳ lân và núi Phượng Hoàng như sải cánh của con chim phượng.
Đền có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, dựa theo kiến trúc thời Nguyễn, chồng diêm hai tầng tám mái.
Nghệ thuật trang trí của đền theo đề tài tứ linh, tứ quý: long, ly, quy, phượng tùng, cúc, trúc, mai. Các bức y môn sơn son thiếp vàng trang trí theo hình tượng: rồng chầu hoa cúc mãn khai.
Quần thể đền gồm năm gian tiền tế và một gian Hậu cung. Có 5 ban thờ: Phía trong Hậu cung đặt tượng thờ thầy giáo Chu Văn An, tượng bằng đồng, nặng 100 kg trị giá 79 triệu đồng do ĐH Kiến trúc công đức, trên là bức đại tự với hàng chữ “vệ dực chính đạo”. Ngoài ra, bên trong đền còn ghi lại câu nói của thầy “Ta chưa nghe nước nào coi nhẹ sự học là khá lên được” được đúc bằng đồng.
Ngay phía cửa chính vào đền là cây duối cổ đánh dấu nằm cạnh vách nhà xưa của ngôi nhà mà thầy giáo Chu Văn An đã sống khi ẩn cư trên núi Phượng Hoàng. Ngoài ra, đền còn lưu giữ bia đá “Chu Văn An hành trạng” dựng vào năm Tự Đức thứ 10 (1857). Bia được tạc theo phong cách tạo hình thời Nguyễn, chạm cánh sen cách điệu, kích thước 100x52x16 cm với khoảng 1.200 chữ.
Nằm tại phía sau, cách đền khoảng 600 m là khu lăng mộ thầy Chu Văn An. Theo truyền thuyết, vị trí đặt mộ thầy chính là đầu của chim Phượng, được hiểu là đỉnh cao của công lý và đức hạnh. Cách mộ khoảng 50 m về phía Tây có một giếng nhỏ, du khách đến viếng mộ thầy, mỗi người đều muốn uống một ngụm nước từ giếng để khí thiêng sông núi nơi đây ngấm vào cơ thể mình.
Thầy Chu Văn An hiệu là Tiều Ẩn – tự là Linh Triệt, thụy là Văn Trinh. Sinh năm Nhâm Thìn niên hiệu Trùng Hưng thứ 2 (1292) tại thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì (nay thuộc thành phố Hà Nội). Do tài năng xuất chúng, đức độ hơn người nên mới ngoài 20 tuổi đã được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Đến khi Trần Dụ Tông lên ngôi, vua ham thích vui chơi, trễ nải chính sự, bề tôi nhiều người vi phạm phép nước nên ông đã dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần nhưng không được vua chấp thuận, ông trao trả mũ áo từ quan về núi Phượng Hoàng, Chí Linh dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách. Nhiều câu nói nổi tiếng của thầy được tạc lại như "Lấy đức thắng người là mạnh/ Lấy của thắng người là hung/ Lấy sức thắng người là mất”...
Năm 1370, Trần Nghệ Tông lên ngôi, nhiều lần ban chức nhưng ông một mực từ chối, để tiếp tục với nghề dạy học. Đến năm 1370, ông qua đời, thọ 78 tuổi. Sau khi ông mất, vua Trần Nghệ Tông cho thờ ông tại Văn Miếu cùng với Khổng Tử, Tứ phối và Thất thập nhị hiền…
Đền trải qua quá trình thăng trầm của lịch sử và nhiều lần trùng tu, đến năm 2008, đền thờ thầy giáo Chu Văn An được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Tại giữa sân nằm giữa hai hàng bậc đá có khắc 4 chữ Vạn Thế Sư Biểu tức người thầy của muôn đời, thể hiện sự tôn vinh của các thế hệ dành cho người thầy giáo tài năng và đức độ.
Năm 2019, dịp kỷ niệm 650 ngày mất của nhà giáo Chu Văn An, tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 40 của tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc đã vinh danh nhà giáo Chu Văn An là Danh nhân văn hóa thế giới.
Đền thờ Chu Văn An là điểm du lịch tâm linh và giáo dục truyền thống của rất nhiều du khách, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trên cả nước.
Nơi đây với phong cảnh tuyệt đẹp, cũng là nơi nhiều người dân đến xin chữ mỗi khi dịp Tết đến xuân về, cầu mong một năm mới gặp nhiều may mắn, học hành thi cử đỗ đạt.
Quốc Nam
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/kham-pha-ngoi-den-tho-nguoi-thay-chuan-muc-cua-viet-nam-post1700954.tpo