Nguồn gốc của Tết ông Công ông Táo
Ngày nay có nhiều cách lý giải về nguồn gốc của thần Táo lưu hành trong dân gian. Câu chuyện về nguồn gốc của các Táo được lưu truyền phổ biến nhất là thần Táo bắt nguồn từ ba vị Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, sau đó được “Việt hóa” thành sự tích “hai ông một bà”, cụ thể là ba vị thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc mà người dân gọi chung là Táo quân.
Hằng năm, cứ sau ngày rằm tháng Chạp là người dân lại chuẩn bị cúng ông Công ông Táo.
Cụ thể, câu chuyện kể về hai vợ chồng nghèo khổ, người chồng đi xa làm ăn mà mãi không về nên người vợ đã để tang chồng, và sau đó nên duyên với một người chồng mới.
Không ngờ một ngày nọ, chồng cũ trở về, người vợ sợ điều tiếng nên mới bảo người chồng ấy ra đống rơm núp tạm. Người chồng mới về nhà, vào bếp lấy tro bón ruộng, nhưng không có bèn đốt đống rơm, vô tình giết cả người chồng cũ.
Người vợ thấy chồng cũ chết oan, vì quá đau xót nên nhảy vào đống lửa cùng chết. Người chồng mới thấy vậy, thương vợ cũng nhảy vào lửa theo dù không hiểu hết chuyện.
Trời thấy ba người sống tình nghĩa nên phong cho họ làm thần Bếp (Táo quân) để được gần nhau mãi mãi. Trong số 3 người họ, người chồng mới là Thổ Công trông nom việc trong bếp, người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa và người chồng cũ là Thổ Địa trông coi các việc trong gia đình.
Xét từ góc độ văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Hoài Phương (Trưởng bộ môn Lịch sử Văn hóa, trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) lý giải: “Việc thờ cúng ông Công ông Táo có nguồn gốc từ việc thờ vị chủ thần trong nhà. Thần Táo, theo quan niệm dân gian, là vị thần đảm bảo nguồn sống và nguồn năng lượng tích cực, dồi dào trong mỗi gia đình.
Các Táo đồng thời cũng là vị thần che chở cho các gia đình, xua đuổi tà ma quỷ dữ và cho người trong gia đình sự bình yên, may mắn, hạnh phúc. Đến cuối năm, các Táo sẽ lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng về những chuyện đã xảy ra trong suốt cả năm và thay gia chủ của mình cầu xin Ngọc Hoàng những điều may mắn tốt lành trong năm sắp tới.
Việc cúng ông Công, ông Táo chính là thể hiện mong ước cuộc sống gia đình luôn an vui, mọi điều may mắn, thuận lợi, ấm no của người dân.”
Lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ ngày Tết
Nhân dịp cúng ông Công ông Táo và cũng là cận kề ngày Tết, rất nhiều gia đình tranh thủ dọn dẹp bàn thờ. Với người Việt Nam, bàn thờ là một nơi linh thiêng, đồng thời cũng có nhiều điều kiêng kỵ trong gia đình. Điều đó dẫn đến dọn dẹp bàn thờ cũng là công việc cần lưu ý.
Việc dọn dẹp bàn thờ chuẩn bị cho ngày Tết cũng cần nhiều lưu ý.
Tiến sĩ Nguyễn Hoài Phương có một số chia sẻ khi chúng ta dọn dẹp bàn thờ ngày Tết.
Theo phong tục dân gian, trước khi dọn bàn thờ, nên thắp hương như một hình thức “xin phép các cụ”. Theo tiến sĩ Phương, trong quan niệm dân gian, nơi thờ tự là nơi thiêng liêng có đặt bài vị của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Việc chúng ta lau dọn, mặc dù với mong muốn tốt đẹp, song ít nhiều ảnh hưởng, "làm phiền" đến không gian thiêng ấy. Vậy nên người ta thường đốt nén hương tỏ lòng thành kính trước khi lau dọn.
Việc lau dọn bàn thờ tốt nhất nên được thực hiện một cách thành tâm, chậm rãi, tỉ mỉ. Lau dọn bàn thờ cần tránh những động tác mạnh, tránh nô đùa gần bàn thờ và nhất là tránh đổ vỡ, bởi đổ vỡ tượng trưng cho những xích mích.
Thông thường người ta sẽ mua bao sái hay còn gọi là nước thơm, nước ngũ vị hương để lau bàn thờ. Hiện nay, ở nhiều nơi có bán sẵn các loại nước thơm hoặc khăn xô tẩm sẵn nước thơm để việc lau dọn bàn thờ được thuận tiện hơn.
Ngoài ra, dân gian thường nhân dịp này để dọn dẹp bát hương trước khi vào Tết. Theo tiến sĩ Phương, việc rút chân hương không nên rút một lúc cả bó ra, bởi vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến phần cốt ở trong bát hương. Người rút chân hương nên rút từ từ, chậm rãi từng chút một và thường sẽ để lại một vài chân hương trong bát.
Thông thường số chân hương để lại trong bát sẽ là 3, 5 hoặc 7 chân; trong đó đa phần các gia đình thích để lại 5 chân hương, vì đây là một con số vừa có phần âm, vừa có phần dương. Người ta quan niệm, những thứ gì hài hòa âm dương thì là may mắn và phát triển.
Cuối cùng, căn cứ vào tình hình cụ thể và việc thờ tự của từng gia đình mà việc dọn dẹp ban thờ ngày Tết sẽ có những sự khác biệt nhất định. Không có một mẫu số chung cố định nào cho việc thực hành những văn hóa tâm linh này. Điều quan trọng nhất là tấm lòng thành kính, để việc thờ cúng thật sự có ý nghĩa và thiêng liêng.
Kim Quyên - Phương Mai