Khám bệnh sàng lọc cho người dân tại huyện Tiên Lữ
Các bệnh không lây nhiễm, trong đó có tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư… đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành y tế. Ðây là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng quá tải bệnh viện, áp lực lên sự phát triển kinh tế - xã hội. Bệnh không lây nhiễm được xem là nhóm bệnh tiến triển âm thầm, khó phát hiện sớm nếu không khám sức khỏe định kỳ và khám sàng lọc tại cộng đồng. Trong những năm gần đây, các bệnh không lây nhiễm tăng mạnh. Việc tăng cường giám sát, phát hiện bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, điều trị, giảm rủi ro và gánh nặng gây ra bởi căn bệnh này.
Năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoàn thành chỉ tiêu khám sàng lọc, truyền thông, tư vấn nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng trong phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Trung tâm tổ chức 31 lớp tập huấn về phòng, chống bệnh tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp và các rối loạn thiếu hụt i-ốt. Ðồng thời, tổ chức khám sàng lọc tiểu đường tại 6 xã cho gần 1.200 đối tượng có nguy cơ cao; khám sàng lọc bệnh tim mạch, tăng huyết áp cho hơn 2.100 đối tượng; giám sát hoạt động phòng, chống bệnh tăng huyết áp, tim mạch và bệnh tiểu đường tại các xã, phường, thị trấn...
Nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân để thực hiện thành công các mục tiêu của chiến lược quốc gia phòng, chống lao Việt Nam và mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao tại tỉnh vào năm 2035, Bệnh viện Phổi Hưng Yên tích cực tổ chức các hoạt động chương trình phòng, chống lao, mở các lớp đào tạo, tập huấn về quản lý bệnh lao, lao kháng thuốc, cấp phát thuốc cho tuyến cơ sở. Năm 2024, Bệnh viện Phổi Hưng Yên khám sàng lọc chủ động tại cộng đồng phát hiện bệnh nhân lao, lao tiềm ẩn ở 63 xã, thị trấn, Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội, khám cho người sử dụng thuốc thay thế Methadone tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hưng Yên, Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu; can phạm, phạm nhân trong Trại tạm giam. Theo đó, có trên 10.000 người được chụp X-Quang và xét nghiệm mantoux (kỹ thuật xét nghiệm bệnh nhân đã từng tiếp xúc với vi khuẩn lao hay chưa), trong đó có 1.040 người bị nghi ngờ mắc lao được làm xét nghiệm GeneXpert để chẩn đoán bệnh lao. Kết quả đã thu nhận 194 bệnh nhân lao các thể, 1.400 bệnh nhân lao tiềm ẩn (là những người mang vi khuẩn lao trong trạng thái bất hoạt, không biểu hiện ra bệnh, không có triệu chứng và không truyền vi khuẩn sang người khác).
Cùng với đó, nhiều chương trình sàng lọc, tầm soát các bệnh khác như ung thư cổ tử cung, các rối loạn thiếu hụt I - ốt…cũng được ngành y tế triển khai thực hiện. Mặc dù vậy, tỉ lệ được khám sàng lọc, phát hiện bệnh còn thấp, số bệnh nhân tiềm ẩn trong cộng đồng còn cao. Bác sĩ Trần Xuân Khánh, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hưng Yên cho biết: Hưng Yên là tỉnh có mẫu xét nghiệm vi rút viêm gan B lớn nhất cả nước với 40.000 mẫu cho đối tượng từ 15 đến 49 tuổi đến thời điểm này. Qua điều tra, tại tỉnh Hưng Yên, số người nhiễm vi rút viêm gan B bình quân chiếm khoảng 7,4% dân số với khoảng 100.000 người. Trong đó, khoảng 10.000 người cần can thiệp y tế. Nhưng hiện nay mới có 3.000 người mắc viêm gan B được quản lý.
Hiện nay, nhiều yếu tố tác động đến sức khỏe con người, mô hình bệnh tật như môi trường sống, thói quen sinh hoạt và dịch tễ có nhiều phức tạp. Ý thức khám sức khỏe định kỳ của nhiều người dân còn hạn chế. Công tác phát hiện sớm, quản lý, tư vấn và dự phòng cho người có nguy cơ cao còn chưa triển khai một cách hệ thống, rộng khắp. Vì vậy, để nâng cao tỉ lệ khám sàng lọc, phát hiện bệnh trong cộng đồng, cần tăng cường công tác truyền thông cho người dân nhận biết tầm quan trọng và lợi ích của việc nhập hồ sơ sức khỏe của mình và khám sàng lọc. Truyền thông, giáo dục sức khỏe, thay đổi hành vi, thói quen, xây dựng ý thức chủ động tầm soát, phòng bệnh trong người dân, từ đó biết cách phòng ngừa và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm...
Đào Doan