Phát biểu khai mạc chuỗi hoạt động, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, với nhiệm vụ bảo tồn các giá trị di sản, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, trưng bày, giới thiệu và quảng bá giá trị nghề truyền thống là hoạt động thường niên của Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội.
Các hoạt động này góp phần tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống - một giá trị đã làm nên di sản phố nghề của Thăng Long - Hà Nội.
Các sản phẩm tinh xảo của làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội)
Ông Nguyễn Tuấn Long nhấn mạnh sự hợp tác giữa quận Hoàn Kiếm và huyện Phú Xuyên (Hà Nội) - nơi có nghề khảm trai truyền thống nổi tiếng của xã Chuyên Mỹ.
“Các sản phẩm trưng bày tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội không chỉ là những sản phẩm đã được hoàn thiện, mà còn là sự “trình diễn” quá trình sáng tạo, chế tác, sử dụng nguyên liệu truyền thống và kỹ thuật đổi mới, mang lại những sản phẩm hấp dẫn và chất lượng cao của người thợ, nghệ nhân”, ông Phạm Tuấn Long nói.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhằm quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội.
Trải qua gần 1.000 năm, có lúc thăng, lúc trầm, nhưng làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên vẫn đang từng ngày duy trì và phát triển nghề truyền thống của cha ông, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động ở các xã lân cận.
Ông Nguyễn Đắc Luyện, đại diện cho làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên bày tỏ lòng tự hào về làng nghề: “Người thợ Chuyên Mỹ từ lâu đã nổi tiếng với đôi tay tài hoa, khéo léo, biến những mảnh trai, vỏ ốc bình thường thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.
Nghề khảm trai nơi đây không chỉ phát triển mạnh mẽ ở Hà Nội mà còn lan rộng ra các tỉnh thành và vươn ra quốc tế”.
Các hoạt động trưng bày nghề truyền thống tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội đã góp phần tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đồng thời, là cơ hội gắn kết cộng đồng, phát triển công nghiệp văn hóa, tạo điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Các hoạt động diễn ra tại nhiều địa điểm như: Trưng bày nghề mây tre đan chủ đề “Made of Tre”, Trưng bày các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật về phố nghề Hàng Bạc tại đình Kim Ngân (42 – 44 Hàng Bạc); Trưng bày giới thiệu nghề khảm trai Chuyên Mỹ và tổ chức các buổi workshop trải nghiệm khảm trai tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ).
Quá trình sáng tạo, chế tác sản phẩm khảm trai của nghệ nhân
Triển lãm ảnh với chủ đề “Ký ức và huyền thoại” , trưng bày triển lãm cố định với chủ đề “Khám phá lịch sử hồ Gươm” từ ngày 25.4 – 25.5 tại Trung tâm Thông tin văn hóa hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ); Triển lãm “Khám phá Di sản” từ ngày 8.5 tại biệt thự 46 Hàng Bài; biểu diễn âm nhạc truyền thống Chuyện Nhạc phố Cổ tại trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội vào 20 giờ ngày 20.4…
Bên cạnh đó là các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc: âm nhạc truyền thống, dân gian đương đại, ca khúc cách mạng… tại không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm từ ngày 30.4 – 4.5.
Các hoạt động trưng bày nghề truyền thống không chỉ góp phần tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, mà còn là cơ hội gắn kết cộng đồng, phát triển công nghiệp văn hóa, tạo điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
X. QUANG