Sạt lở bờ sông đoạn qua thôn Kinh Duy, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Nghĩa Văn
Do ảnh hưởng của bão số 6 (cuối tháng 10/2024) đã xuất hiện đợt mưa lớn, trên địa bàn huyện Hải Lăng và Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) làm gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông tại 2 địa phương này và một số khu vực khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Cụ thể, ngoài các vị trí sạt lở bờ sông Vĩnh Định đoạn qua xã Triệu Hòa (huyện Triệu Phong) thì đoạn qua xã Hải Hưng (huyện Hải Lăng) cũng có 2 vị trí bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 450m.
Hiện bờ sông Nhùng đoạn qua thôn Mai Đàn (xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng) cũng có 2 vị trí bị sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 400m. Bờ sông Hiếu đoạn qua thôn Trương Xá và Mộc Đức (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) cũng bị sạt lở nghiêm trọng khoảng 350m trong phạm vi khoảng 500m chiều dài bờ sông chưa được gia cố. Trong đó, đoạn xung yếu dài 150m, chiều cao bờ sông khu vực sạt lở từ 5 - 6m, độ sâu đáy sông khu vực sạt lở khoảng 3 - 4m.
Các vị trí sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở, tài sản, đất sản xuất của người dân, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông khiến hàng trăm hộ dân sinh sống ở các khu vực này lo lắng, bất an.
Bà Nguyễn Thị Hiệp (61 tuổi, trú tại thôn Vân Hòa, xã Triệu Hòa) cho biết, mùa mưa lũ những năm qua, bờ sông Vĩnh Định đoạn chảy qua địa phận thôn thường bị xói lở. Trong đó, đợt mưa bão vào cuối tháng 10/2024 đã khiến bờ sông sạt lở vào đất liền với chỗ sâu nhất khoảng 3m.
Theo bà Hiệp, tình trạng sạt lở đã làm nhiều diện tích đất sản xuất, cây trồng bị kéo tụt xuống lòng sông ảnh hưởng đến các công trình xây dựng và khiến người dân sinh sống trong khu vực lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Triệu Hòa cho biết, đoạn qua thôn Vân Hòa có 3 vị trí bị sạt lở nguy hiểm ở đội 1, đội 2 và đội 3 với tổng chiều dài khoảng 1.000m. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị và các đơn vị chức năng liên quan đã về địa phương tiến hành khảo sát, đề xuất phương án khắc phục sạt lở bờ sông Vĩnh Định.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho hay, mưa lũ các năm vừa qua đã khiến tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều ảnh hưởng tới an toàn tính mạng, tài sản người dân cũng như hạ tầng công trình trên địa bàn. Trong thời gian tới, nếu không được khắc phục kịp thời, các vị trí này sẽ tiếp tục bị sạt lở, mở rộng phạm vi ảnh hưởng đối với đời sống của người dân, đất đai, công trình trong khu vực.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã rà soát cụ thể, đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo để triển khai khắc phục khẩn cấp một số vị trí sạt lở bờ sông thực sự xung yếu, nghiêm trọng, cấp bách, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến con người và hạ tầng thiết yếu, ưu tiên khắc phục khẩn cấp, gia cố hộ chân bằng hình thức lăng thể đổ đá hộc đối với vị trí 1 dài 250m đoạn qua thôn Kinh Duy (xã Hải Hưng), riêng đoạn xung yếu dài 150m kết hợp gia cố mái bằng bê tông tấm lát được đặt trong hệ thống khung giằng bê tông cốt thép và làm lại tuyến đường bê tông (phá dỡ và đổ lại bê tông mặt đường đoạn bị hư hỏng).
Đối với bờ sông Vĩnh Định đoạn chảy qua thôn Vân Hòa (xã Triệu Hòa), ưu tiên khắc phục khẩn cấp, gia cố hộ chân bằng hình thức lăng thể đổ đá hộc đối với đoạn xung yếu dài 270m (vị trí 1 dài 180m và vị trí 2 dài 90m).
Ưu tiên gia cố hộ chân bằng hình thức lăng thể đổ đá hộc khắc phục sạt lở bờ sông Nhùng đoạn xung yếu dài 210m qua thôn Mai Đàn (xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng). Riêng đoạn dài 70m tại vị trí 2, ngay sát mép đường bê tông kết hợp gia cố mái bằng hình thức xếp rọ đá. Tương tự, đoạn xung yếu sạt lở dài 150m ở bờ sông Hiếu đoạn qua thôn Trương Xá và Mộc Đức (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ) cũng được ưu tiên khắc phục.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị dự kiến, tổng kinh phí khắc phục khẩn cấp đối với 4 khu vực bị sạt lở nói trên là 16,5 tỷ đồng. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, phương án tổ chức để thực hiện khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông ở các vị trí nêu trên đảm bảo an toàn, phù hợp, hiệu quả, góp phần chỉnh trang bộ mặt nông thôn gắn liền với việc xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục rà soát các vị trí xung yếu, có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến người và tài sản, hạ tầng công trình trên địa bàn tỉnh và tổng hợp báo cáo đề xuất Trung ương hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương để khắc phục đảm bảo đồng bộ, ổn định và bền vững.
Nghĩa Văn