Khán giả Việt yêu mến phim cổ trang Trung Quốc

Khán giả Việt yêu mến phim cổ trang Trung Quốc
13 giờ trướcBài gốc
Những thước phim làm thổn thức trái tim khán giả Việt
Trong dòng ký ức của nhiều thế hệ khán giả Việt, những bộ phim cổ trang Trung Quốc được phát sóng vào thập niên 90 không chỉ đơn thuần là sản phẩm giải trí. Chúng là cả một phần tuổi thơ, là cầu nối văn hóa giữa hai quốc gia, là những thước phim khiến bao trái tim thổn thức – dù đã nhiều năm trôi qua. Trong đó không thể không nhắc đến những bộ phim kinh điển như "Tây Du Ký", "Hồng Lâu Mộng", "Tể Tướng Lưu Gù".
Nhắc đến "Tây Du Ký", dù có nhiều phiên bản nhưng chắc hẳn phiên bản năm 1986 với phần thể hiện xuất sắc của diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng trong vai Tôn Ngộ Không vẫn là ăn khách nhất. Hình tượng Tôn Ngộ Không trở thành biểu tượng của trí tuệ, lòng trung thành và chính nghĩa trong lòng nhiều trẻ em Việt. Sức ảnh hưởng của bộ phim còn một lần nữa được khẳng định trong lần đến thăm Việt Năm vào năm 2010 của diễn viên này. Nhiều khán giả bật khóc khi gặp ông, như thể gặp lại một phần tuổi thơ mình.
Bộ phim "Hồng Lâu Mộng" sản xuất vào năm 1987 được chuyển thể từ tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng cùng tên của Tào Tuyết Cần. Tác phẩm này không chỉ khiến người xem rung động vì mối tình day dứt giữa Bảo Ngọc và Đại Ngọc, mà còn khắc họa sâu sắc đời sống của tầng lớp quý tộc phong kiến. Nhiều khán giả Việt thời đó gọi đây là “phim buồn nhất từng xem” nhưng vẫn không thể rời mắt.
Hay bộ phim "Tể tướng Lưu Gù" không chỉ thu hút nhờ tính giải trí, mà còn vì tính nhân văn sâu sắc. Nhân vật Lưu Gù trở thành biểu tượng của sự chính trực, lòng dân ái và tinh thần trọng nghĩa. Những màn đối đầu “cân não” giữa ông và Hòa Thân khiến người xem vừa hồi hộp, vừa hả hê.
Trong thời đại công nghệ chưa phát triển, những thước phim ấy chính là “cửa sổ” mở ra một thế giới lạ lẫm, lung linh, đầy huyễn hoặc. Đó là nơi mà người ta học cách mơ mộng, biết phân biệt chính – tà, hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của một đất nước láng giềng.
Ký ức phim cổ trang Trung Quốc
Vào thập niên 90, khi Internet còn chưa phổ biến, du lịch nước ngoài là điều xa xỉ, thì những bộ phim cổ trang Trung Quốc được mua bản quyền, phát trên truyền hình đã trở thành ký ức không thể nào quên của những thế hệ 8x, 9x. Không ai quên được cái không khí “xem phim tập thể” của Hà Nội thời ấy. Những con phố nhỏ là nơi mỗi chiếc tivi đều trở thành “trung tâm văn hóa” của cả xóm.
Ông Nguyễn Tiến Đoản (Ba Đình) kể lại: "Ngày xưa rất ao ước được đi xem phim vì ngày xưa phương tiện rất nghèo, phải đi bộ để đi xem phim ở sân lưu động. Phim Trung Quốc thì nhiều phim rất hay. Hay ở nghệ thuật của họ và diễn viên rất đẹp".
Phim Trung Quốc, đặc biệt là "Tây Du Ký" luôn để lại những ấn tượng đẹp trong ký ức của bà Hồ Thị Hằng (Hoàng Mai). Bà chia sẻ: "Bọn tôi xưa hay đi xem ở bãi, thích lắm, cứ cả nhà kéo nhau đi xem. Phim Trung Quốc thì phim nào cũng hay, nhưng phim Tây Du Ký là phim để lại nhiều kỷ niệm. Nghe thấy nhạc là đã thấy rộn rang, háo hức chờ đợi lắm".
"Hồi ấy, phim ảnh của mình cũng không được nhiều. Được xem phim Trung Quốc thì rất thích. Như phim Hồng Lâu Mộng, thấy một viễn cảnh rất hoành tráng, tốt đẹp. Cảm giác xem phim Trung Quốc ấy rất là thích vì cảm giác phản ánh xã hội rất hay", ông Nguyễn Viết Quân (Cầu Giấy) nói.
Đối với nhiều người, những bộ phim năm xưa – dù hình ảnh không sắc nét, kỹ xảo còn đơn sơ – nhưng vẫn luôn giữ vị trí không thể thay thế, là một phần ký ức trong lòng nhiều khán giả Việt.
Giọng nói sau mỗi thước phim
“Tể tướng Lưu Gù” là bộ phim truyền hình dài tập của Trung Quốc từng làm mưa làm gió một thời ở Việt Nam. Phim được trình chiếu lần đầu vào năm 1996 và từng được phát sóng trên Đài Hà Nội. Tác phẩm đã đoạt tới bốn giải Kim Ưng tại Lễ trao giải lần thứ 14, trong đó có hạng mục Phim truyền hình dài tập xuất sắc nhất.
Đến nay, “Tể tướng Lưu Gù” vẫn được rất nhiều khán giả mến mộ. Ngoài câu chuyện phim hấp dẫn, giọng thuyết minh phim cũng tạo dấu ấn cho bộ phim. Hơn 30 năm qua, biên dịch – thuyết minh phim Ngọc Thạch vẫn luôn nhớ tới những kỉ niệm đẹp khi thuyết minh cho nhiều bộ phim dài tập cổ trang Trung Quốc phát sóng trên Đài Hà Nội những năm 90. Ngoài “Tể tướng Lưu Gù”, ông còn thuyết minh nhiều bộ phim nổi tiếng khác như: "Hoàn Châu Cách Cách", "Hậu Thủy hử", "Hiệp khách hành", "Tiếu ngạo giang hồ"…
Tôi học tiếng Trung Quốc bốn năm đại học, nên tốt nghiệp là tập dịch luôn. Việc dịch đã rất quen thuộc. Tôi được giới thiệu để thuyết minh cho Đài Hà Nội. Tài liệu về dịch phải đọc, xem để hiểu tính cách nhân vật. Xem phim một lượt cho biết nội dung, rồi dịch, dịch xong đi đến Đài đọc. Phim “Tể tướng Lưu Gù” là bộ phim tôi thích, diễn viên chính dí dỏm, bộ phim có các tình tiết trừ gian diệt ác. Các khán giả rất yêu thích những bộ phim Trung Quốc hồi đó, chiếu phim là họ ở nhà xem, không đi đâu cả. Khán giả cũng thích giọng đọc của mình, rất mừng" - biên dịch, thuyết minh phim Ngọc Thạch chia sẻ.
Dấu ấn phim cổ trang Trung Quốc
Thập niên 1990 được xem là thời kỳ đỉnh cao của dòng phim cổ trang Trung Quốc. Một trong những lý do khiến phim cổ trang Trung Quốc trở nên phổ biến là khả năng đưa người xem ngược thời gian.
Mặc dù thời điểm ấy điều kiện sản xuất còn hạn chế, kinh phí không lớn, nhưng các tác phẩm vẫn tạo được tiếng vang nhờ cách làm phim chỉn chu đến từng chi tiết trong trang phục, bối cảnh và ngôn ngữ. Những bộ phim này tái hiện lại sự tráng lệ và hùng vĩ của Trung Quốc. Từ cung điện nguy nga đến những khu chợ nhộn nhịp và cảnh quan thanh bình, mọi khía cạnh đều được chế tác cẩn thận để tạo ra trải nghiệm ấn tượng cho khán giả.
Không thể không nhắc đến dàn diễn viên tài năng đã góp phần làm nên thành công vang dội của dòng phim này. Những gương mặt như Lâm Tâm Như, Trương Quốc Lập, Trần Hạo Dân... không chỉ sở hữu ngoại hình phù hợp với tạo hình cổ trang, mà còn thể hiện được chiều sâu nội tâm nhân vật qua lối diễn xuất mộc mạc, tự nhiên. Họ nhanh chóng trở thành biểu tượng của màn ảnh nhỏ, gắn liền với tuổi thơ của hàng triệu khán giả.
Nhiều tác phẩm dựa trên tiểu thuyết cổ điển hoặc sự kiện có thật trong lịch sử, mang lại cho người xem góc nhìn chân thực về những triều đại xưa. Các bộ phim như "Hồng Lâu Mộng", "Tể Tướng Lưu Gù", "Tam Quốc Diễn Nghĩa", "Hoàn Châu Cách Cách"… không chỉ cuốn hút ở kịch bản hấp dẫn mà còn truyền tải tinh thần của từng giai đoạn lịch sử. Đôi khi, các nhà làm phim cũng sử dụng phép sáng tạo khi kể chuyện. Điều này cho phép họ thêm các yếu tố kịch tính, nhân vật hư cấu hoặc sửa đổi một số sự kiện nhất định để tăng cường cốt truyện và thu hút khán giả. Điều này cũng đóng vai trò là điểm khởi đầu có giá trị để khán giả khám phá sâu hơn về lịch sử Trung Quốc.
Phim cổ trang Trung Quốc không chỉ mang tính giải trí mà còn là công cụ giáo dục giá trị. Chúng cung cấp cái nhìn thoáng qua về nhiều khía cạnh của văn hóa Trung Quốc bao gồm phong tục, truyền thống, thứ bậc xã hội và hệ thống tín ngưỡng. Ví dụ, những bộ phim thường giới thiệu các nghi lễ truyền thống như đám cưới hoặc nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Chúng nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng hiếu thảo và sự tôn trọng người lớn tuổi trong xã hội Trung Quốc. Bằng cách quan sát các hoạt động văn hóa này qua lăng kính của các nhân vật trong phim, khán giả sẽ phát triển sự đồng cảm với các nhân vật trong khi tìm hiểu về các giá trị văn hóa.
Nhờ hội tụ đầy đủ các yếu tố về chất lượng nghệ thuật và giá trị văn hóa, phim cổ trang Trung Quốc những năm 1990 đã vươn ra ngoài biên giới, chạm tới trái tim của đông đảo khán giả châu Á. Nhiều bộ phim đã trở thành biểu tượng một thời, được phát lại qua nhiều thế hệ mà vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn.
Thu Trang
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/khan-gia-viet-yeu-men-phim-co-trang-trung-quoc-322597.htm