+ Thưa đại biểu Quốc hội, trong phần phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có ý nghĩa rất quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới… Đây là vấn đề đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bà nhìn nhận như thế nào về khí thế, quyết tâm của Chính phủ, Quốc hội trong việc triển khai cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Đảng?
- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu: Nghị quyết 18 của Đảng đã tạo ra hiệu ứng mạnh, sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cán bộ, cử tri và nhân dân. Trong đó, khi tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nhận được những ý kiến đồng tình ủng hộ của những người từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau. Rất nhiều cử tri bày tỏ sự chờ đợi, kỳ vọng, bởi vì chưa bao giờ có cuộc cách mạng lớn về tinh gọn tổ chức bộ máy như lần này.
Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những định hướng, chỉ đạo quyết liệt và “mới”. Cái mới này được dư luận đón nhận rất tích cực, kỳ vọng, tin tưởng vào hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Câu chuyện hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa không chỉ là câu chuyện về kinh tế, thương mại, đối ngoại… mà còn là cả những câu chuyện về hệ thống nội tại của một đất nước, để làm sao điều hành, chèo lái con thuyền kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng của chúng ta luôn luôn vững bền, đi đến bến bờ vinh quang, hạnh phúc.
Hiệu ứng này mang tính toàn diện, đồng bộ, tạo sự kỳ vọng tốt đẹp rằng, trong tương lai gần, đất nước chúng ta sẽ có một bộ máy tinh, gọn, mạnh, thông suốt, hiệu năng, hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu.
+ Thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước trên tinh thần giảm đầu mối, xóa bỏ cấp trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thực hiện phương pháp “quản lý theo kết quả”. Quan điểm của đại biểu Quốc hội về vấn đề này ra sao?
- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu: Tôi đồng tình! Điều này rất cần thiết. Bởi vì, cấp trung gian giống như “điểm nối” của các đường ống, nếu như vận hành tốt thì có thể hiệu quả, nhưng nếu như không vận hành tốt thì sẽ tạo ra lãng phí, tắc nghẽn, không cần thiết.
Chúng ta đã có chủ trương để thực hiện việc giảm cấp trung gian ở các ngành chuyên môn, tôi nghĩ rằng, chúng ta nên tiếp tục nghiên cứu theo hướng 3 cấp chính quyền, sắp xếp giảm cấp trung gian ở các đơn vị hành chính. Như vậy thì cũng cần tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho 3 cấp chính quyền, làm sao để hướng đến đơn vị hành chính 3 cấp thật ổn định, vững mạnh từ Trung ương đến địa phương; bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được “nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn”... Lúc đó sẽ tạo ra hình hài đất nước mạnh, vững bền, văn minh.
+ Đại biểu Quốc hội đánh giá như thế nào về sự “xắn tay” khẩn trương của Quốc hội, Chính phủ trong việc quyết đáp những vấn đề cấp bách của đất nước trên tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”?
- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu:Hiệu ứng từ chủ trương của Đảng đã tạo sự đồng bộ, kịp thời, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Tôi chưa bao giờ thấy không khí làm việc khẩn trương, cấp bách, nghiêm túc, chất lượng như giai đoạn vừa qua. Tôi được biết, các thành viên trong ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra các dự án Luật, Nghị quyết của Quốc hội chia sẻ rằng, làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, làm việc cả buổi tối, thậm chí là ăn đúng bữa ngay tại cuộc họp cho kịp tiến độ trình Quốc hội về dự án Luật, Nghị quyết tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Chúng tôi thấy rất mừng là Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời thể chế hóa tinh thần chủ trương của Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư, vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Lúc đầu, chúng tôi nghe kế hoạch Kỳ họp bất thường lần 9 của Quốc hội sẽ tổ chức vào cuối tháng 2, tuy nhiên, sau đó lại đẩy nhanh tiến độ, khai mạc Kỳ họp vào ngày 12/2. Điều đó cũng để thấy rằng sự hoàn thành vượt bậc, sự nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội và cả hệ thống chính trị nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của đất nước. Sự sắp xếp, điều chỉnh nội dung, thời gian kỳ họp cũng rất khoa học, đáp ứng yêu cầu các mục tiêu đề ra.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay thì đây là kỳ họp bất thường có thời gian diễn ra dài nhất, kéo dài từ ngày 12 - 19/2, bàn về những dự án luật rất quan trọng, cần thiết, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, trong đó trọng tâm là để thực hiện Nghị quyết 18 một cách hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Tôi tin tưởng rằng, các dự án Luật sẽ sớm được thông qua, tạo đồng thuận cao.
+ Xin trân trọng cảm ơn đại biểu Quốc hội!
Nguyễn Hường (Thực hiện)