Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: ST
Vừa qua, trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích rất sâu sắc những hậu quả nặng nề về nhiều mặt của lãng phí. Tổng Bí thư cho rằng lãng phí còn diễn ra với mức độ khá phổ biến, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển đi lên của đất nước. Tổng Bí thư đưa ra nhiều hệ lụy của lãng phí, như: gây suy giảm nguồn lực con người, suy giảm nguồn lực tài chính, làm cạn kiệt tài nguyên đất nước; lãng phí cũng làm giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí và khiến cho khoảng cách giàu nghèo trong xã hội gia tăng. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chính lãng phí “còn gây suy giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.
Phòng, chống lãng phí luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam chú trọng, tích cực quan tâm thực hiện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ví việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc chiến đấu đánh giặc trên mặt trận và tư tưởng rất rõ ràng của Người là phải kiên quyết trừng phạt những hành vi và những kẻ tham ô, lãng phí, bất kể chúng là ai.
Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thường xuyên, kịp thời có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để phòng, chống lãng phí. Điển hình như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960), đề ra mục tiêu, nhiệm vụ kiên quyết chống tham ô, lãng phí; hay Nghị quyết Trung ương 3, khóa X (tháng 8/2006) khẳng định: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trong đó đưa ra 10 chủ trương, giải pháp tích cực để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Tháng 12/2023, Bộ Chính trị khóa XIII của Đảng ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW tập trung vào nội dung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cùng với đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 của nước ta cũng quy định: các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng quy định rõ ràng nguyên tắc: “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra giám sát”.
Nhìn chung đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống lãng phí đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta triển khai thực hiện với nhiều kết quả thiết thực, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh. Đây là cơ sở quan trọng, là nguồn lực mạnh mẽ để chúng ta tiếp tục phấn đấu thực thi tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm vừa khẳng định: “Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu mới rất khẩn trương và cấp bách”.
Để phòng, chống lãng phí có hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta chủ động đưa ra nhiều giải pháp tích cực, khả thi nhằm phát huy sức mạnh cùng thực hiện của cả cộng đồng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần yêu cầu phải tiến hành đồng bộ, chặt chẽ mối quan hệ Cần, Kiệm, Liêm, Chính; phòng, chống lãng phí phải kết hợp đồng thời với đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực. Tinh thần này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vào tháng 8/2024: chúng ta tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trong đó, đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, với ý chí quyết tâm, phương châm: “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”…
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đưa ra nhiều giải pháp tổng hợp, phù hợp, từ tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, quyết tâm; hoàn thiện thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm minh các vi phạm, loại trừ các nguyên nhân dẫn đến lãng phí… Tổng Bí thư nhấn mạnh đến việc xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trở thành nhiệm vụ thường xuyên, “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”…
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra ai cũng có thể và cũng nên thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người xác định: “Muốn ngăn được lãng phí, không phải chỉ có Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch ra lệnh, mà phải giáo dục cán bộ, công nhân, nhân dân, phải tổ chức cho khéo và để mọi người tự giác chấp hành cho chu đáo”.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh vai trò tiên phong, gương mẫu của các tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên trong phòng, chống lãng phí. Trong những năm đổi mới đất nước vừa qua, Đảng ta càng quan tâm đến việc xây dựng, phát huy sự gương mẫu của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong nhiệm vụ quan trọng này. Ngày 21/12/2012, Ban Bí thư, khóa XI, ra Chỉ thị 21-CT/TW về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong Chỉ thị yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu chấp hành các quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội, để bảo đảm tiết kiệm, không lãng phí. Đến nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ban hành Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm. Quy định nêu rõ để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cán bộ, đảng viên không được làm những việc sau: “Không thực hành tiết kiệm, để xảy ra thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công trái quy định”.
Mới đây nhất, ngày 09/5/2024, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Quy định nêu tại Điều 3, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, cán bộ, đảng viên phải: “Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân”.
Chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống lãng phí là việc làm cần thiết, cấp bách để các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên của Đảng thực hiện tốt vai trò tiên phong gương mẫu của Đảng cùng Nhân dân vững bước thắng lợi trong cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí./.
CÔNG MINH