Nguy cơ rình rập
Vào khoảng 1 giờ ngày 1/7/2025, trận mưa lớn đã gây ra vụ sạt lở đất tại khu vực kè đá có chiều dài 30m, chiều cao khoảng 15m. Kè đá này là bờ chắn thuộc Bệnh viện Đa khoa khu vực Xín Mần, đồng thời bảo vệ khu vực sinh sống của 5 hộ dân thuộc tổ dân phố 4, xã Pà Vầy Sủ. Sạt lở bất ngờ khiến 1 xe máy bị vùi lấp, đứt đường dây điện 0,4kv, tụt hẳn một cột điện, sập mái tôn nhà dân, làm nghiêng một chiếc xe ô tô 4 chỗ ngồi. Ngay sau đó, UBND xã Pà Vầy Sủ huy động lực lượng đến ứng phó di chuyển người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Đến nay đã 2 tuần trôi qua nhưng vị trí sạt lở vẫn còn có nguy cơ khi vết nứt bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Hiện tại, để đảm bảo an toàn vào buổi đêm các hộ dân phải đi tránh trú tại nhà người quen hoặc di chuyển ở nhờ ở khu vực an toàn khác.
Đồng chí Dương Việt Hùng (thứ 2 từ phải sang), Chủ tịch UBND xã Pà Vầy Sủ trao đổi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Chị Trần Thị Huế, một người dân sống trong khu vực lo lắng: Tài sản thì còn dời được chứ tính mạng thì mong manh lắm. Mong muốn địa phương có phương án khắc phục sớm hơn để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống...
Cách đó không xa, ngôi nhà của gia đình anh Trần Văn Giang cũng nằm trong khu vực có nguy cơ sạt trượt. Nhiều năm tích góp, chắt chiu, năm 2024 anh mới xây được căn nhà khang trang trị giá gần 2 tỷ đồng, giờ cũng nằm trên dải sạt trượt. Anh Giang bùi ngùi: “Phía sau nhà tôi là núi, mạch nước ngầm chảy rất nhiều. Khi được các cấp chính quyền thông báo nhà tôi nằm trong khu vực có nguy cơ sạt trượt, tôi cũng rất lo lắng. Ở hay đi cũng khó. Muốn an toàn thì phải di dời nhưng không biết sẽ bắt đầu lại thế nào?”.
Bài toán cần sớm có lời giải
Ngày 24/3/2025, UBND tỉnh Hà Giang (cũ) đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại Cốc Pài. Hiện 47 hộ dân với gần 200 khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Chủ tịch UBND xã Pà Vầy Sủ, Dương Việt Hùng cho biết: “Địa phương đã phối hợp Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo khảo sát, khoanh vùng sạt trượt, đồng thời xây dựng hồ sơ 3 dự án di dời, khắc phục. Một phương án là tái định cư tại thôn Thính Tằng dự kiến có quy mô 15 ha, bố trí tái định cư cho khoảng 100 hộ; phương án dự phòng tại thôn Cốc Pú dự kiến có quy mô 10 ha, bố trí tái định cư cho 140 hộ; cùng với đó là các giải pháp công trình như khơi thông cống rãnh, cắm biển cảnh báo, xây kè chống sạt trượt”.
Hiện tại, tỉnh đã cấp kinh phí 20 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư như nghiên cứu địa chất, lập hồ sơ, đền bù đất và tài sản trên đất của khu vực được bố trí tái định cư... Trước mắt, xã triển khai lập danh sách các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở, trưng cầu ý kiến người dân. Đồng thời, thực hiện cắm biển báo tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao, chuẩn bị chỗ ở tập trung đảm bảo an toàn khi mưa lớn kéo dài để các hộ dân có thể di dời khẩn cấp khi mưa lớn kéo dài.
Theo UBND xã Pà Vầy Sủ, quỹ đất khu tái định cư dự kiến sẽ được bố trí tại khu vực có nền địa chất ổn định, gần trục giao thông chính, thuận lợi cho việc canh tác, sinh kế. Tuy nhiên, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng cần nguồn lực lớn và triển khai kịp thời mới đáp ứng nhu cầu, sự an toàn cho Nhân dân.
Trong khi chờ các dự án được triển khai, nhiều hộ dân Cốc Pài vẫn ngày đêm sống trong thấp thỏm khi đang bước vào cao điểm mùa mưa. Hơn lúc nào hết, bà con nơi đây mong chờ chính quyền các cấp sớm tháo gỡ những vướng mắc, để sớm ổn định cuộc sống cho Nhân dân.
Bài, ảnh: Văn Long