Nhiều tuyến đường bị chia cắt do sạt lở.
Theo đó, trong năm 2024, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã ban hành 54 Quyết định Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ do ảnh hưởng của mưa, bão và lũ gây ra. Theo quy định của pháp luật phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ, căn cứ vào diễn biến thiên tai hoặc kết quả khắc phục sự cố, Cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Xây dựng trình Bộ Xây dựng ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai. Để khẩn trương hoàn thành công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ năm 2024, Bộ Xây dựng yêu cầu:
Cục Đường bộ Việt Nam: Đôn đốc chỉ đạo các Sở Xây dựng và các Khu Quản lý đường bộ khẩn trương hoàn thành các công việc về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ năm 2024, trình Bộ Xây dựng để công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đã được ban hành trong năm 2024. Đồng thời, rà soát các tồn tại, bất cập, khó khăn (nếu có) về việc triển khai thực hiện phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.
Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng khẩn trương hoàn thành (trước mùa mưa, bão năm 2025) việc xây dựng điều chỉnh Thông tư số 12/2021/TT- BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng ban hành định mức xây dựng, trong đó có nội dung về thi công thả rọ đá trên cạn bằng thủ công, rọ đan sẵn.
Các Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thành thực hiện các Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp được giao, trình Cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp, rà soát báo cáo Bộ Xây dựng công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đã được ban hành trong năm 2024; Rà soát các tồn tại, bất cập, khó khăn (nếu có) về việc triển khai thực hiện phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.
Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thành các công việc được giao, báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 15/5.
Đức Mạnh