Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Ban Di dân tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu tái định cư: Công trình điện, đường, trường lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn...; giao đất ở, đất sản xuất cho hộ tái định cư; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho số hộ thuộc diện điều chỉnh, bổ sung; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề; hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống... Đến nay gần 1.800 hạng mục công trình đã được xây dựng, trong đó 1.060 công trình hạ tầng; gần 4.000 hộ đồng bào tái định cư được giao đất ở, đất sản xuất...
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án vẫn còn những tồn tại, vướng mắc cần phải giải quyết. Trong đó, có vấn đề phân bổ nguồn vốn; chuyển nhượng đất sản xuất; quyết toán các dự án, hạng mục, công trình hạ tầng đã được xây dựng…
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc theo đúng quy định.
Lãnh đạo Ban Di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang báo cáo kết quả thực hiện Đề án.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thế Giang nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được về công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân là do các ngành, địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện.
Năm 2025 là năm kết thúc thực hiện Đề án tổng thể di dân, để giải quyết dứt điểm tồn tại. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố rà soát, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện; khẩn trương hoàn thiện các phần việc còn lại trong thực hiện đề án trên địa bàn theo đúng quy định.
Các ngành liên quan, huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ để giải quyết tồn tại, vướng mắc, những vấn đề vượt quá thẩm quyền, báo cáo ngay với UBND tỉnh để có phương án giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Tin, ảnh: Đoàn Thư