Khẩn trương hoàn thiện quy định giám định, kiểm nghiệm sầu riêng

Khẩn trương hoàn thiện quy định giám định, kiểm nghiệm sầu riêng
8 giờ trướcBài gốc
Báo cáo từ Bộ NN&MT cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,62 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, giá trị xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 130 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với mức 500 triệu USD của cùng kỳ năm trước…
Nguyên nhân là do từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, Trung Quốc áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra dư lượng chất vàng O và Cadimi trong sầu riêng xuất khẩu, nhiều lô hàng đã bị trả về. Điều này khiến không chỉ khối lượng và giá trị sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh mà còn kéo giá sầu riêng trong nước xuống thấp, chỉ bằng một phần tư so với giá xuất khẩu.
Ngoài ra, bên cạnh việc Trung Quốc siết chặt kiểm tra thì việc xuất khẩu sụt giảm cũng có nguyên nhân do thiếu cơ sở pháp lý và quy trình kiểm dịch rõ ràng, công tác quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm còn chậm chạp. Việc cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và hệ thống kiểm nghiệm vẫn chưa bắt kịp yêu cầu khắt khe từ phía bạn hàng Trung Quốc.
Ảnh minh họa.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến, trong tháng 4 vừa qua, Bộ đã ký 4 nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong đó có 2 Nghị định thư về xuất khẩu ớt và chanh leo. Những Nghị định thư này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu rau quả trong năm nay. Riêng về mặt hàng sầu riêng, với việc Trung Quốc siết chặt kiểm tra, Bộ NN&MT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện hàng loạt giải pháp trước mắt và lâu dài để xuất khẩu sầu riêng thuận lợi hơn. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm được Bộ thực hiện trong thời gian tới. Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang một thị trường cũng chủ lực, do vậy phải rất khẩn trương, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục cho trái cây này.
Trước đó, trong cuộc họp mới đây của Bộ NN&MT về triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 và quý 2/2025, Bộ trưởng Nguyễn Đức Duy đã yêu cầu các đơn vị của bộ phối hợp chặt chẽ với Hải quan Trung Quốc, để xử lý các vướng mắc liên quan đến những yếu tố kỹ thuật đang cản trở đáng kể dòng chảy xuất khẩu. Bộ trưởng Bộ NN&MT cũng yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu nông sản, với quy định cụ thể hơn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm nghiệm, giám định.
Hiện diện tích trồng sầu riêng Việt Nam đạt gần 170.000ha, dự kiến năm nay cho thu hoạch khoảng 1,5 triệu tấn, tập trung từ nay đến tháng 9. Với tình hình như hiện nay, nhiều khả năng mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD rau quả khó đạt được vì mặt hàng chủ lực này. Trung Quốc hiện đã tiến hành kiểm tra 100% các lô hàng sầu riêng và chỉ cho phép thông quan các lô đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải tạm dừng giao dịch, bổ sung hồ sơ, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Thêm một khó khăn nữa là Trung Quốc cũng đang dần tìm kiếm nguồn sầu riêng thay thế từ các quốc gia khác như Thái Lan, Lào và Indonesia.
Theo số liệu mới nhất, những ngày đầu tháng 5, giá sầu riêng được các vựa thu mua tại một số nhà vườn thuộc đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ phổ biến ở mức 50.000 - 53.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, đề án phát triển cây ăn trái chủ lực cho thấy, đến năm 2030, cả nước có từ 65.000 - 75.000ha diện tích trồng sầu riêng. Tuy nhiên, đến năm ngoái, nước ta đã có 160.000ha, tức là tăng gấp đôi và quá trình tăng diện tích vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Phát triển diện tích trồng sầu riêng quá nóng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá sầu riêng sẽ không còn ở ngưỡng cao như trước, sức mua giảm sút do lượng cung quá nhiều.
Trước thực trạng sầu riêng có nhiễm chất cấm vàng O và Cadimi, Bộ NN&MT cũng đề nghị các địa phương phải tái cơ cấu ngành sầu riêng theo hướng bền vững, khuyến khích phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu, nhất là sầu riêng đông lạnh, để nâng cao giá trị gia tăng và giảm lệ thuộc vào thị trường tươi. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất là phải xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng xuất khẩu cũng như xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
"Đây là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang một thị trường cũng chủ lực, do vậy phải rất khẩn trương, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục. Đã gọi là chủ lực thì mình phải ứng xử như một mặt hàng chủ lực", ông Duy nhấn mạnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 9 phòng kiểm định chất vàng O trong sầu riêng được Trung Quốc công nhận. Nhưng số lượng vẫn chưa đủ đáp ứng. Nên chăng, cần có thêm nhiều phòng kiểm định chất lượng sầu riêng để có thể kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng trước khi xuất khẩu, hạn chế tối đa việc đã đến cửa khẩu lại quay xe về bán với giá giải cứu ở trong nước.
Chi Linh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/thi-truong/khan-truong-hoan-thien-quy-dinh-giam-dinh-kiem-nghiem-sau-rieng-i768536/