Sự cố sạt lở bờ sông Đuống.
Những ngày này, nhiều người dân sinh sống tại Tổ dân phố số 38, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên rất lo lắng trước nguy cơ đất đai, nhà cửa, tài sản bị sạt lở xuống sông Đuống.
Bà Nguyễn Thị H, người dân sinh ra và lớn lên tại đây cho biết, ngay sau siêu bão số 3 năm 2024, nước sông dâng lên rất nhanh, chảy xiết đã gây sạt lở bờ sông, kéo theo một số tài sản của người dân xuống sông. Đáng ngại hơn, khu vực sạt lở vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng lấn sâu vào khu dân cư, gây lún nứt một số công trình xây dựng, khiến nhiều người dân ngày đêm lo lắng.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân phường Ngọc Thụy, khu vực sạt lở nằm tại vị trí giữa ngã ba sông, giao giữa sông Hồng và sông Đuống, có dòng chảy mạnh, xoáy, cộng với chất đất vùng bãi nhiều cát cho nên nguy cơ sạt lở, mất an toàn rất cao. Người dân rất mong đợi các cơ quan chức năng nghiên cứu, sớm có biện pháp gia cố bờ sông bằng kè đá để bảo đảm an toàn.
Trước diễn biến trên, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Đuống, đê hữu Đuống thuộc địa bàn Tổ 38 (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên).
Thành phố giao quận Long Biên chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai duy trì cảnh báo, hạn chế người dân qua lại khu vực sạt lở; có biện pháp gia cố làm giảm sự phát triển của cung sạt...
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố cập nhật, bổ sung giải pháp xử lý sự cố sạt lở trong dự án xử lý bảo đảm ổn định khu vực cửa sông Đuống - giai đoạn I và đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư để sớm thi công bảo đảm an toàn cho người dân trong khu vực sạt lở.
Trước đó, tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng xảy ra các sự cố đê điều. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ, do ảnh hưởng siêu bão số 3, mực nước sông Bùi, đoạn chảy qua địa bàn huyện dâng cao vượt báo động lũ cấp III tới 80 cm đã làm hơn 25 km đê bị tràn, gây ngập úng kéo dài nhiều khu vực dân cư, đất sản xuất nông nghiệp. Các tuyến đê bị ngâm nước nhiều ngày cho nên xảy ra nhiều mạch đùn, mạch sủi, sự cố sạt lở đê điều, như tại khu vực đê xã Quảng Bị, xã Mỹ Lương...
Ngay khi xảy ra sự cố, chính quyền các địa phương phối hợp các lực lượng xung kích sử dụng đất đá, cọc tre, phên nứa... khẩn trương khắc phục, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do hệ thống đê điều chưa được nâng cấp tổng thể.
Còn tại thị xã Sơn Tây xuất hiện sự cố trên đê hữu Hồng, trong đó nghiêm trọng nhất là sự cố sạt trượt mái đê thuộc địa phận xã Đường Lâm với cung sạt dài 16,7m, rộng 7m, vết nứt mở rộng khoảng 0,35 đến 0,4m.
Tại huyện Phúc Thọ, nhiều sự cố đê điều cũng xảy ra trên các tuyến đê hữu Hồng, Ngọc Tảo, Vân Cốc, hữu Đáy, trong đó sự cố nghiêm trọng nhất là nứt mặt đê Ngọc Tảo, thuộc tình huống khẩn cấp được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công bố...
Theo tổng hợp từ các đơn vị, địa phương, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, hoàn lưu siêu bão số 3 đã gây ra hơn 40 sự cố đê điều, bãi sông, trong đó nhiều sự cố tiếp tục phát triển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống đê điều.
Để bảo đảm an toàn các tuyến đê, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, kiểm tra và triển khai phương án bảo vệ các địa bàn trọng điểm đê điều theo phương châm bốn tại chỗ; đồng thời ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các công trình khẩn cấp ở gần khu dân cư, có xu hướng phát triển..., tránh các tình huống xấu có thể xảy ra.
MINH VÂN