Các cấp chính quyền và lực lượng chức năng trong tỉnh đang nỗ lực kiểm soát và phòng, chống dịch.
Trong đó số lợn mắc bệnh là 29.642 con, số lợn chết và tiêu hủy là 30.462 con. Hiện còn 248 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Các cấp chính quyền và lực lượng chức năng, người chăn nuôi đang nỗ lực kiểm soát và khống chế dịch.
Quyết liệt kiểm soát từ cơ sở
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố , từ ngày 1/7 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên đàn lợn bốn xã, phường gồm Sông Kôn, Xuân Phú, Thăng Trường và Quảng Phú làm 125 con lợn mắc bệnh chết và buộc phải tiêu hủy.
Nguyên nhân chủ yếu do lợn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi chưa thật sự quan tâm áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn, và địa bàn toàn thành phố có nhiều ổ dịch cũ.
Tại xã Xuân Phú, thành phố Đà Nẵng ghi nhận ca bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện vào ngày 9/7, đến ngày 17/7 dịch đã gây hại cho 44 hộ chăn nuôi ở 12/27 thôn, hơn 70 con lợn thịt và lợn nái bị mắc bệnh, chết phải tiêu hủy bắt buộc. Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã chi viện cho xã Xuân Phú 374 lít hóa chất để vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên diện rộng nhằm khống chế sự phát tán bệnh dịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Phú Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác phòng chống dịch bệnh động vật nuôi; huy động lực lượng hỗ trợ người dân chôn lấp, rải vôi, phun thuốc khử khuẩn ở các chuồng trại.
Sáng 17/7, xã đã công bố dịch và thành lập các điểm, chốt tại các vùng có nguy cơ ít để khoanh vùng và dập dịch ngay tại địa phương; tổ chức tiêm vắc-xin diện rộng ở những thôn chưa xuất hiện dịch; quán triệt không để lợn bị nhiễm bệnh đi ra khỏi địa phương...”.
Thung Nai - xã mới được sáp nhập từ các xã: Bắc Phong, Thung Nai và Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cũ (nay là tỉnh Phú Thọ) có 10 hộ chăn nuôi có lợn bị ốm, chết do mắc dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy 22 con, với tổng trọng lượng 1.690 kg.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thung Nai Nguyễn Việt Phương cho biết, ngay khi phát hiện dịch xảy ra, xã đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch, triển khai các biện pháp ứng phó; thành lập đội phản ứng nhanh. Các chốt kiểm dịch và 20 tổ khử trùng tiêu độc đã được thành lập. Việc tiêu hủy lợn bị ốm, chết và phun thuốc khử trùng tiêu độc tuân thủ quy trình kỹ thuật và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 224 hộ chăn nuôi của 34 xã, phường. Tổng số lợn mắc bệnh, ốm, chết, phải tiêu hủy là 1.551 con.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Phú Thọ đã thành lập đoàn công tác chuyên môn để kiểm tra và xác minh dịch bệnh; hướng dẫn địa phương. Chi cục đã phối hợp lực lượng chức năng xử lý 5 trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật về vận chuyển và giết mổ lợn trái quy định, xử lý tiêu hủy 231 con lợn, với tổng trọng lượng khoảng 20 tấn lợn hơi.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh thành lập 8 tổ công tác trực tiếp “nằm vùng” tại các xã trọng yếu.
Tăng cường kiểm tra, hỗ trợ phòng, chống dịch
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Nam Hưng cho biết, thành phố đã yêu cầu các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật. Ban phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tăng cường trách nhiệm đến từng cơ sở giám sát, tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh dịch; chủ động theo dõi, giám sát đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời khi dịch bệnh mới phát sinh; kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
“Thành phố sẽ bảo đảm đủ nguồn hóa chất, thuốc khử khuẩn, vắc-xin cho các địa phương dập dịch; tăng cường cán bộ thú y xuống hỗ trợ các xã, phường nhằm ngăn bệnh dịch lây lan; kiểm soát số lượng, cân, đếm minh bạch trọng lượng lợn tiêu hủy do bệnh dịch và xử lý nghiêm những cán bộ, cá nhân có hành vi trục lợi”, ông Trần Nam Hưng nhấn mạnh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Phan Quang Minh, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng. chủ yếu tái phát từ những ổ dịch cũ, thường phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ, nơi điều kiện chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học. Nhiều người dân vẫn chủ quan chưa tiêm phòng vắc- xin dịch tả lợn châu Phi cho đàn vật nuôi.
Đặc biệt, tại các địa phương, khi đàn vật nuôi có dấu hiệu nghi mắc bệnh, người dân thường không thông báo ngay cho các đơn vị chuyên môn thú y hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ điều trị, xử lý kịp thời. Việc bán chạy lợn hoặc vứt xác ra môi trường đã vô tình làm cho dịch bệnh lây lan rộng do vi-rút dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có đường lây truyền lại rất phức tạp; hoạt động giết mổ vẫn chưa được kiểm soát triệt để, vi phạm pháp luật thú y khi thu gom, giết mổ gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
Trong hai ngày 15 và 16/7, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã cử đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và hướng dẫn xử lý các vấn đề phát sinh tại tỉnh Phú Thọ và thành phố Hà Nội. Thời gian tới, các đoàn công tác sẽ tiếp tục kiểm tra ứng phó dịch tại Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Đồng Nai...
Trưởng phòng Dịch tễ thú y (Cục Chăn nuôi và Thú y) Nguyễn Thị Điệp cho biết, các đoàn công tác ghi nhận những khó khăn nhất định, đặc biệt là ở cấp xã - nơi chính quyền xã mới được thành lập. Các đoàn công tác đã dành thời gian giải đáp, hướng dẫn cho các xã và các cơ quan liên quan hiểu, triển khai đúng quy định của pháp luật về thú y khi phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Để nhanh chóng khống chế, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các cơ quan chuyên ngành và địa phương tăng cường quản lý chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, nhất là giám sát chặt chẽ cơ sở giết mổ; tăng cường kiểm dịch động vật tại chốt kiểm dịch, cửa khẩu, bến cảng; xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch, đặc biệt là lợn nhiễm bệnh; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là sử dụng vắc-xin phòng bệnh và các chế tài xử lý vi phạm.
Bài, ảnh: HẢI PHƯƠNG, TRẦN HẢO và ANH QUÂN