Theo Bộ GTVT, hiện khu vực này có 5 dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đang triển khai thi công, được chia thành 15 dự án thành phần. Trong đó, Bộ GTVT được giao làm cơ quan chủ quản 3 dự án thành phần, các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản 12 dự án thành phần.
Các dự án nằm trong khu vực có điều kiện đặc thù phải xử lý nền đất yếu với thời gian chờ lún từ 8 đến 12 tháng, vật liệu đắp chủ yếu là cát. Theo báo cáo của các địa phương, trữ lượng vật liệu đắp đủ đáp ứng yêu cầu. Hiện Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, giao mỏ trực tiếp cho các nhà thầu thi công khai thác, đơn giản các thủ tục cấp mỏ.
Tuy nhiên, do lần đầu tiên áp dụng cơ chế đặc thù nên các địa phương còn lúng túng, chậm trong việc thực hiện các thủ tục cấp mỏ; công suất khai thác của các mỏ cát hạn chế, dẫn đến thiếu vật liệu cát đắp, làm chậm tiến độ triển khai các dự án trong thời gian qua.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện các địa phương có mỏ đã xác định chỉ tiêu cung ứng nguồn vật liệu đắp và phân bổ cho từng dự án, ưu tiên cho các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025, đồng thời đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ vật liệu cho các dự án. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đang triển khai sử dụng cát biển cho các khu vực phù hợp nhằm giảm áp lực nguồn vật liệu cát sông.
Bộ GTVT cũng cho biết, thời gian gần đây, nhiều nhà thầu thi công đã chủ động nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để rút ngắn thời gian chờ lún như hút chân không, sử dụng vật liệu đá để gia tải, chủ động sử dụng nguồn cát thương mại; tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp... để bù lại tiến độ đã bị chậm.
Hiện các dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ, Bến Lức - Long Thành, An Hữu - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Vành đai 3 TPHCM… đang dần lấy lại tiến độ để hoàn thành theo kế hoạch đã được Quốc hội, Chính phủ đề ra.
MINH ANH