Khẩn trương sắp xếp, hoàn chỉnh bộ máy cấp xã sau sáp nhập

Khẩn trương sắp xếp, hoàn chỉnh bộ máy cấp xã sau sáp nhập
11 giờ trướcBài gốc
Một góc TP Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Theo kế hoạch, sau sáp nhập, toàn tỉnh sẽ giảm từ 137 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 51 đơn vị (gồm 9 phường và 42 xã), giảm 81 xã, tương ứng với mức tinh gọn hơn 60%. Đây là một bước thay đổi lớn, đòi hỏi việc tổ chức lại bộ máy chính quyền cấp xã phải được tiến hành một cách bài bản, có lộ trình, và đặc biệt là đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.
PHƯƠNG ÁN BỐ TRÍ CÁC CHỨC DANH LÃNH ĐẠO CẤP XÃ SAU SÁP NHẬP
Để thực hiện việc sắp xếp bộ máy cấp xã, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chủ trì, phối hợp với các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy UBND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh xây dựng Phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị hành chính cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập. Phương án này bao gồm các chức danh: Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND. Dự kiến, Phương án sẽ hoàn thành và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định trước ngày 10/6/2025.
Để xây dựng Phương án nhân sự, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã dự thảo Quy định về tiêu chuẩn, chức vụ, chức danh để bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp xã sau sắp xếp và dự thảo Phương án khung về tổ chức bộ máy, sắp xếp nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh lãnh đạo, quản lý và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2025 - 2030; 2021 - 2026, 2026 - 2031. Hiện nay, các ý kiến góp ý của Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy đang được tổng hợp để hoàn thiện Phương án nhân sự.
CÁC BƯỚC TRIỂN KHAI SẮP XẾP BỘ MÁY CẤP XÃ
Để việc sắp xếp bộ máy cấp xã diễn ra thuận lợi, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng. Trước khi thực hiện sắp xếp, các huyện ủy, thành ủy và đảng ủy cấp xã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cơ sở vật chất, tài chính và các điều kiện khác của các đơn vị hành chính cấp xã. Việc đánh giá này nhằm xác định rõ những thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp phù hợp trong quá trình sắp xếp. Dựa trên kết quả rà soát, các đơn vị xây dựng phương án sắp xếp cụ thể, bao gồm việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, bố trí lại các chức danh lãnh đạo, quản lý, điều chỉnh cơ cấu tổ chức và phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phương án cần đảm bảo nguyên tắc tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Sau khi phương án được phê duyệt, tiến hành triển khai thực hiện sắp xếp theo kế hoạch đã đề ra. Trong quá trình thực hiện, cần chú trọng công tác tuyên truyền, giải thích để tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức và Nhân dân; đồng thời, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Tại buổi làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Y Thanh Hà Niê Kđăm đã có những chỉ đạo sâu sát, cụ thể nhằm định hướng triển khai nhiệm vụ quan trọng này. Về phương án nhân sự cấp tỉnh, đồng chí yêu cầu bám sát các nguyên tắc chung của Trung ương, đồng thời xây dựng nguyên tắc cụ thể đối với từng chức danh, bảo đảm việc sắp xếp cán bộ hài hòa giữa các địa phương, đúng quy định, nhưng vẫn giữ được chất lượng và hiệu quả bộ máy.
Đối với nhân sự cấp huyện, cấp xã, cần bám sát tiêu chuẩn Trung ương, đồng thời chủ động xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể để lựa chọn, sắp xếp đội ngũ cán bộ một cách khách quan, công tâm, phát huy tốt năng lực của từng người. Việc xây dựng các đề án sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự, theo chỉ đạo, phải bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời đảm bảo nguyên tắc về bảo vệ chính trị nội bộ và bí mật nhà nước. Về chính sách cán bộ, đồng chí nhấn mạnh phải tham mưu và triển khai tốt chế độ, chính sách cho cán bộ diện tinh giản biên chế, nghỉ chế độ theo Nghị định 178 một cách đúng đối tượng, kịp thời. Qua đó, tạo điều kiện để bộ máy mới cấp xã, cấp tỉnh vận hành thông suốt, không bị gián đoạn trong công việc.
CHÚ TRỌNG ĐẾN CÁC CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH
Bên cạnh việc bố trí, sắp xếp lại nhân sự hợp lý, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng. Các chính sách hỗ trợ về tinh giản, nghỉ hưu trước tuổi, chuyển công tác, đào tạo lại... sẽ được thực hiện đúng đối tượng, kịp thời và công khai, minh bạch. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực sẽ được tạo điều kiện để tiếp tục rèn luyện, cống hiến trong bộ máy mới. Đây chính là lực lượng kế thừa quan trọng cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Có thể nói, việc sáp nhập, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã là một bước đi mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng trong công cuộc cải cách hành chính. Quá trình này tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉ đạo quyết liệt và đồng thuận, chắc chắn sẽ tạo tiền đề vững chắc để bộ máy chính quyền cơ sở hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn mới.
NGUYỆT THU
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/chinh-tri/202505/khan-truong-sap-xep-hoan-chinh-bo-may-cap-xa-sau-sap-nhap-a044c13/