Khẩn trương tìm giải pháp tháo khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản

Khẩn trương tìm giải pháp tháo khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản
2 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Nhiều mỏ khoáng sản gặp vướng về pháp lý
Theo báo cáo của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 15 đơn vị được cấp phép khai thác tại 22 mỏ khoáng sản (trừ mỏ khai thác vật liệu xây dựng), nhưng phần lớn các đơn vị đều gặp khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai. Một số đơn vị gặp khó khăn trong việc định chỉnh công nghệ. Nhiều dự án khai thác quặng apatít, sắt, graphit... hoạt động cầm chừng hoặc chậm tiến độ. Bên cạnh đó, mùa mưa lũ năm nay gây nhiều thiệt hại cho các mỏ khai thác khoáng sản; đặc biệt ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (Yagi) khiến 6/22 dự án khai thác mỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại ước tính 171 tỷ đồng. Mặc dù các đơn vị đã khôi phục hoạt động, nhưng việc khai thác chưa đạt công suất thiết kế do cần khắc phục các thiệt hại về cơ sở hạ tầng.
Đối với hoạt động khai thác, chế biến quặng apatít, hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 7 đơn vị đang hoạt động khai thác theo 11 giấy phép khai thác khoáng sản (Công ty TNHH MTV apatít Việt Nam được cấp 4 Giấy phép khai thác khoáng sản tại 4 khai trường, còn lại là thuộc các đơn vị khác). Đối với hoạt động khai thác chế biến quặng đồng, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị khai thác, chế biến với tổng sản lượng là 3.530.000 tấn quặng. Đối với hoạt động khai thác quặng sắt, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 mỏ được cấp phép hoạt động với tổng sản lượng là 1.436.000 tấn, nhưng chỉ có 1 mỏ hoạt động ổn định (mỏ Kíp Tước), 1 mỏ hoạt động cầm chừng (Tác Ái), 2 mỏ đang tạm dừng hoạt động điều chỉnh thiết kế (Làng Vinh - Làng Cọ, Ba Hòn - Làng Lếch). Đối với hoạt động khai thác khoáng sản graphit, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án khai thác, chế biến quặng graphit với tổng sản lượng là 238.600 tấn/năm, nhưng đều dừng hoạt động do điều chỉnh công nghệ và giải phóng mặt bằng.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 10 đơn vị hoạt động sản xuất hóa chất; 5 đơn vị sản xuất phân bón vô cơ các loại... đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn cung nguyên liệu.
Riêng 3 cơ sở luyện kim, chỉ có 2 nhà máy Luyện đồng của Tổng Công ty khoáng sản TKV hiện hoạt động ổn định, còn Nhà máy Gang thép Lào Cai tạm dừng hoạt động do gặp khó khăn về tài chính, nguồn nguyên liệu và chưa hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp.
Khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản đều gặp khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng, bị chồng lấn trong quy hoạch sử dụng đất, hoạt động đổ thải. Nếu không được giải quyết dứt điểm về công tác giải phóng mặt bằng, một số mỏ sẽ đứng trước nguy cơ dừng hoạt động. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh.
Đại diện các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã nêu kiến nghị với UBND và các sở, ban, ngành liên quan về việc cần thiết phải cải thiện quy trình đền bù giải phóng mặt bằng, tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục pháp lý; sớm đầu tư các nhà máy tuyển khoáng, nhà máy chế biến phụ trợ, nâng cao kết nối hạ tầng giao thông…
Trước ý kiến của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, đại diện Sở Công thương khẳng định: Hiện các đơn vị khai thác chế biến khoáng sản vẫn chưa có chiến lược sản xuất bền vững… vẫn làm theo kiểu “ăn xổi”, chưa chú trọng xây dựng công nghệ khai thác, chế biến bền vững và bảo vệ môi trường… Một số doanh nghiệp chưa quan tâm công tác tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh phát biểu giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp.
Về vướng mắc pháp lý liên quan đến các điểm mỏ khai thác khoáng sản, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản, cơ chế chính sách của Nhà nước và của tỉnh liên quan đã rất rõ ràng, đề nghị các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc thủ tục thuê đất, bảo vệ môi trường, an toàn hồ đập... Đặc biệt vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra và chỉ rõ hạn chế của một điểm mỏ trên địa bàn tỉnh, đề nghị các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật.
Lãnh đạo các huyện, thành phố thảo luận tại hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Nhìn tổng thể, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn ở mức tăng trưởng khá, có sự đóng góp lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, so với tiềm năng, xu hướng phát triển còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các mỏ khai thác khoáng sản hoạt động thiếu bền vững, các doanh nghiệp chưa quan tâm chế biến sâu; còn tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn lao động. Đặc biệt, có mỏ khoáng sản dù đã được cấp phép nhưng nhiều năm vẫn chưa đi vào khai thác gây lãng phí rất lớn. Thời gian tới, tỉnh sẽ kiên quyết rà soát thu hồi các điểm mỏ vi phạm và hoạt động không hiệu quả.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn lao động; làm tốt công tác xây dựng chiến lược quản trị sản xuất của doanh nghiệp, quản trị mỏ; đổi mới công nghệ khai thác chế biến khoáng sản và chấp hành nộp thuế, phí đúng quy định.
Đối với các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường yêu cầu: Tăng cường thanh tra, kiểm tra từ khâu xây dựng mỏ, phương án khai thác, việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn lao động...; Chính quyền địa phương cần đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng.... Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đánh giá lại toàn bộ công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh để tham mưu với UBND tỉnh xây dựng chiến lược ngành khai thác, chế biến khoáng sản.
Đại diện Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam
Trong quá trình hoạt động, công ty gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về giải phóng mặt bằng ở các khai trường.
Trong đó, đối với khai trường 19, đơn vị gặp khó khăn về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (giai đoạn 1); việc xử lý chồng chéo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giai đoạn 2); vướng mắc liên quan đến diện tích đất rừng 2,83 ha. Với những vướng mắc trên, công ty đề xuất UBND tỉnh có chính sách phù hợp để tháo gỡ.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Apatít Việt Nam.
Về hoạt động của Nhà máy tuyển quặng Apatit Cam Đường, Công ty đang đề xuất đầu tư xây dựng bãi thải số 3, tuy nhiên cần thời gian hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo yêu cầu. Hiện, Nhà máy tuyển quặng Apatit Cam Đường đang phải dừng sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, việc làm của người lao động cũng như không đáp ứng đủ quặng tuyển cho các đơn vị sản xuất phân bón và hóa chất trong nước. Đối với khó khăn trên, Công ty đề xuất được sử dụng đuôi thải khô đang lưu chứa tại hồ số 2, Nhà máy tuyển quặng Apatit Cam Đường vận chuyển đến để cải tạo, san lấp lòng moong kho lưu khai trường 13.
Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền
Trong quá trình hoạt động, chi nhánh gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục thuê đất đối với diện tích 21 ha phía Nam mỏ tuyển đồng Sin Quyền.
Ngoài ra, đơn vị có nhiều vướng mắc đối với dự án di chuyển các hộ dân vùng nguy cơ ô nhiễm môi trường mỏ tuyển đồng Sin Quyền.
Theo đó, tại khu vực thôn Minh Trang, xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát), đơn vị gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích 14,1 ha (mới chỉ giải phóng được 0,7/14,1 ha). Còn tại khu vực thôn Mường Đơ, xã Bản Vược (huyện Bát Xát), đơn vị cũng chưa thể giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích 8,1 ha.
Ông Vũ Đình Hưng, Phó Giám đốc Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền.
Chi nhánh đề xuất giải pháp cụ thể: phương án giải ngân; có thêm sự hướng dẫn, hỗ trợ từ cơ quan chính quyền… để doanh nghiệp triển khai kế hoạch, dự án hiệu quả.
Công ty Cổ phần DAP số 2
9 tháng năm 2024, công ty đã đạt trên 70% kế hoạch sản xuất; dự kiến hết năm 2024, sẽ hoàn thành kế hoạch với giá trị sản xuất đạt 3.000 tỷ. Tuy nhiên, quá trình hoạt động, đơn vị vẫn gặp khó khăn do nguồn quặng apatit loại I khan hiếm, nguồn tinh quặng tuyển của Công TNHH MTV Apatit Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem
Ngoài ra, công ty gặp khó khăn về tiến độ thực hiện đối với vấn đề đảm bảo dung tích chứa thải gyps và xử lý bã thải gyps.
Công ty đề xuất, kiến nghị các đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản sớm đẩy nhanh đầu tư các nhà máy tuyển, đổi mới công nghệ…
Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung
Doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất; nhiều tài sản trên phần đất đã có quyết định thu hồi cần được bảo vệ.
Ông Nguyễn Hồng Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung
Chúng tôi mong muốn tỉnh, chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho thuê lại khu đất đã thu hồi để Công ty cất trữ máy móc... Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục để vận hành trở lại Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Sở Tài nguyên và Môi trường
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đồng hành, hỗ trợ và phối hợp tốt với các doanh nghiệp.
Ông Phạm Năng Chung, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu đề xuất, báo cáo UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản; giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật…
Vũ Sơn - Lê Nam
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/khan-truong-tim-giai-phap-thao-kho-khan-cho-doanh-nghiep-khai-thac-khoang-san-post392047.html