Sáng 16-12, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trực tuyến tới các điểm cầu trên cả nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Tinh gọn bộ máy phải khách quan, bài bản
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương những kết quả của ngành tổ chức xây dựng Đảng đã đạt được trong năm 2024, kết quả công tác thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay và tổ chức thực hiện đồng bộ các mặt của công tác tổ chức xây dựng Đảng từ Trung ương đến cơ sở.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: NHÂN DÂN
Nhấn mạnh năm 2025 là năm có rất nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, liên quan trực tiếp đến ngành tổ chức xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị người đứng đầu cấp ủy và hệ thống tổ chức cán bộ của Trung ương luôn phải có ba câu hỏi, đồng thời phải có câu trả lời hợp lý.
“Đó là phải làm sao có được bộ máy hoạt động của Đảng, hệ thống tổ chức bộ máy của Nhà nước, hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực? Làm sao phải có đội ngũ cán bộ có giác ngộ, có tâm huyết vì nước, vì dân, vì sự nghiệp của Đảng. Tại sao Đảng ta phải chọn khâu cán bộ là then chốt?” - Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư khẳng định phải làm tốt công tác tham mưu, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
“Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề khó, thậm chí là rất khó. Khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lợi ích của một số cá nhân, tổ chức” - Tổng Bí thư nói và yêu cầu việc này cần phải được thực hiện khách quan, thận trọng, dân chủ, khoa học, bài bản. Trong đó, Ban Tổ chức Trung ương nói riêng, ngành tổ chức xây dựng Đảng nói chung phải phát huy cao độ, vai trò tham mưu để triển khai nhiệm vụ này.
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: NHÂN DÂN
Tổng Bí thư cũng yêu cầu việc tinh gọn tổ chức bộ máy phải bám sát, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, quan điểm của Đảng, Trung ương đã thống nhất, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông.
Một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm, khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian, phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, của bộ máy.
Các cơ quan Đảng đi đầu trong tinh gọn
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải tham mưu tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan Đảng thực sự là hạt nhân trí tuệ, là Bộ Tổng tham mưu, là đội tiên phong, lãnh đạo cơ quan nhà nước, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng.
Cùng với đó là xây dựng các cơ quan tham mưu, cấp ủy thực sự tinh gọn, đánh giá toàn diện việc kiêm nhiệm các chức danh của Đảng, hệ thống chính trị để có quyết sách phù hợp.
“Phải khẩn trương rà soát các quy định của Đảng có liên quan để chủ động tham mưu bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới theo đúng quy định trên cơ sở mô hình tổng thể của hệ thống chính trị, tạo cơ sở chính trị pháp lý để hệ thống chính trị hoạt động được ngay khi kiện toàn, không để gián đoạn” - Tổng Bí thư đề nghị.
Theo ông, những việc thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp, các ngành, địa phương thực hiện được trước tiến hành ngay, không chờ Trung ương. Các cơ quan Đảng cần nghiên cứu thống nhất, sắp xếp, thực sự tinh gọn bộ máy và làm trước.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NHÂN DÂN
Ban Tổ chức Trung ương, Ban cán sự Đảng Chính phủ sớm báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương về chế độ, chính sách đối với cán bộ khi sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Đồng thời, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương chỉnh sửa, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để đảm bảo việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tổng Bí thư chỉ rõ với tinh gọn tổ chức bộ máy từng cấp, từng ngành cần khẩn trương rà soát để có phương án cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Kiên quyết phòng, chống việc lợi dụng chủ trương sắp xếp bộ máy, đội ngũ cán bộ để tiêu cực, tham nhũng.
Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất vì việc tìm người trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, có cơ chế hữu hiệu, sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác của những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh các cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần Trung ương làm trước đến địa phương.
Nhìn nhận khối lượng công việc phía trước của ngành rất bộn bề, khẩn trương, đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử. Chính vì vậy bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng, ý thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng vươn mình với quyết tâm chính trị cao nhất, hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ đề ra.
“Tập trung khẩn trương tham mưu việc tinh gọn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, góp phần tăng tốc bứt phá vượt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024-2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị thật tốt đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng” - theo Tổng Bí thư Tô Lâm.
Cán bộ là then chốt của công tác xây dựng Đảng
Một vấn đề khác, Tổng Bí thư Tô Lâm giao Ban Tổ chức Trung ương tham mưu sửa đổi, bổ sung Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Người đứng đầu Đảng đề nghị phải chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, trọng tâm là tham mưu xây dựng đảm bảo chất lượng dự thảo văn kiện đại hội các cấp, tham mưu chuẩn bị bầu ra được cơ quan lãnh đạo của Đảng mỗi cấp có sức chiến đấu cao.
“Công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ của đất nước. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng” - Tổng Bí thư nhấn mạnh và nhìn nhận đi liền với công tác cán bộ, công tác tổ chức xây dựng Đảng có vị trí đặc biệt quan trọng, trách nhiệm rất lớn, rất vinh quang.
*****
Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ:
Trình Bộ Chính trị đề án tinh gọn bộ máy Chính phủ vào 25-12
Hiện Chính phủ tập trung triển khai nhiệm vụ liên quan tổng kết Nghị quyết 18, đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy trong khối Chính phủ. Cùng với đó là đồng bộ ban hành nhiều văn bản liên quan để đảm bảo triển khai kịp thời khi tổ chức sắp xếp bộ máy trong hệ thống Chính phủ.
Sơ bộ đến thời điểm này, cơ cấu bộ máy Chính phủ dự kiến giảm 5 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan của Chính phủ; giảm 12/13 tổng cục và tương đương; 500 cục và tương đương thuộc bộ, tổng cục; 177 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và tương đương; 190 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ và các cơ quan trong bộ.
Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu đã hoàn tất toàn bộ báo cáo đề án liên quan để tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị vào ngày 25-12. Đồng thời, triển khai các văn bản hướng dẫn các địa phương về sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến tổ chức sắp xếp bộ máy trong thẩm quyền. Sắp tới, bộ cũng sẽ gửi hướng dẫn liên quan sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện để các địa phương có sự chủ động hơn.
Bộ Nội vụ cũng đã hoàn thành dự thảo Nghị định về chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy; báo cáo Ban cán sự Đảng, Ban Chỉ đạo Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian sớm nhất.
-----
Trung tướng NGUYỄN VĂN LONG, Thứ trưởng Bộ Công an:
Kiên quyết phòng, chống lợi dụng chủ trương để trục lợi
Đảng ủy Công an Trung ương Bộ Công an đã quán triệt thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần hết sức nghiêm túc, khẩn trương quyết liệt và đã đạt được kết quả quan trọng.
Việc sắp xếp tinh gọn theo hướng tăng cường lực lượng trực tiếp chiến đấu, tăng cường lực lượng cơ sở các mặt công tác đều đạt kết quả toàn diện, an ninh trật tự chuyển biến tích cực, chất lượng phục vụ nhân dân nâng lên.
Quá trình sắp xếp, kinh nghiệm rút ra là tư duy nhận thức hành động người đứng đầu phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu tình hình mới. Quá trình thực hiện luôn đảm bảo nguyên tắc tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng; đảm bảo công tác tập trung dân chủ, khách quan công tâm…
Phân công rõ nhiệm vụ đối với từng cấp ủy, tổ chức Đảng công an các đơn vị địa phương, người đứng đầu để đảm bảo thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Kiên quyết phòng, chống lợi dụng chủ trương để tiêu cực, tham nhũng nhưng đồng thời cũng có chính sách động viên kịp thời đội ngũ cán bộ.
-----
Ông NGUYỄN PHƯỚC LỘC, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM:
Triển khai đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy
Thời gian qua Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã kịp thời tiếp thu, tích hợp nhanh chóng, triển khai quyết liệt nhằm thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư. Từ đó, cụ thể hóa việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc trong toàn Đảng bộ TP.
Trong đó, xác định trọng điểm lãnh đạo là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đi đôi với chuyển đổi số. Triển khai đồng bộ tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Đảng bộ TP đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Chỉ đạo, lãnh đạo chống lãng phí, trọng tâm là trong sử dụng đất công, tài sản công. Xử lý dứt điểm các tồn đọng gây lãng phí của các đề án, dự án, gắn liền với chỉ đạo triển khai đề án phát triển kinh tế, gia tăng các chỉ số tăng trưởng của TP…
Từ thực tế đó, Đảng bộ TP.HCM nhận thấy có một số kinh nghiệm. Trong đó đáng chú ý là đã kịp thời ban hành quy định mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải xây dựng chương trình hành động, nhất là khi giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm mới.
Để có thông tin đa chiều, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng đã ban hành Quy định 1374 về quy trình giải quyết các thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân có suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước làm cơ sở để giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu…
HẢI DƯƠNG ghi
ĐỨC MINH - NGUYÊN THẢO