Dấu ấn trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025
Ngày 11/10/2022, Đại hội đồng LHQ đã bầu Việt Nam cùng 13 quốc gia khác vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Hùng Việt, Việt Nam đã tích cực tham gia, để lại những dấu ấn ngay từ những hoạt động đầu tiên của HĐNQ với nhiều sáng kiến phù hợp với ưu tiên của Việt Nam và quan tâm chung của thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tại Khóa 52 mở đầu nhiệm kỳ HĐNQ (tháng 3 - 4/2023), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tham dự Phiên họp cấp cao và giới thiệu sáng kiến về Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn nhân quyền thế giới (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA). Trên cơ sở đó, Việt Nam đã chủ trì, dẫn dắt Nhóm nòng cốt gồm 14 nước (Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Romania, Nam Phi và Tây Ban Nha) liên khu vực và đa dạng về trình độ phát triển xây dựng dự thảo, tổ chức tham vấn để HĐNQ thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết 52/19 về vấn đề này với sự đồng bảo trợ của 121 nước - một “kỷ lục” của HĐNQ trong những năm gần đây. Nghị quyết đã nhấn mạnh vai trò hàng đầu của các quốc gia trong bảo đảm quyền con người, ghi nhận sự tham gia của phụ nữ, vai trò của hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng sự đa dạng, bao trùm trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Sáng kiến này của Việt Nam đã góp phần quan trọng truyền tải các thông điệp lớn, nâng cao nhận thức, quyết tâm hành động của các nước và cộng đồng quốc tế trong thực hiện các mục tiêu, tôn chỉ về quyền con người được đề ra trong hai văn kiện nhân quyền nền tảng này, đồng thời đồng thời đề cao vị thế, vai trò của HĐNQ và các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc.
Ngày 12/12/2024, tại New York (Mỹ), Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức Lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2026 - 2028. Ảnh: Trần Thanh Tuấn/PV TTXVN tại Hoa Kỳ
Đại sứ Riyad Mansour, Trưởng phái đoàn quan sát viên thường trực Palestine tại LHQ, đánh giá Việt Nam là quốc gia có truyền thống đứng về phía tự do và công lý. Việt Nam giờ đây là một quốc gia rất quan trọng của cộng đồng quốc tế, là thành viên tích cực và trách nhiệm của Phong trào không liên kết, Nhóm G77 và Trung Quốc, Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng như LHQ nói chung. Đại sứ Riyad Mansour bày tỏ tin tưởng: “Việt Nam sẽ đảm nhiệm một nhiệm kỳ nữa tại Hội đồng Nhân quyền LHQ và điều đó thật tuyệt vời. Chúng ta cần một thành viên tích cực như Việt Nam tại LHQ”.
Tại Khóa 53 HĐNQ (tháng 6 - 7/2023), Việt Nam cùng với Bangladesh và Philippines đã xây dựng dự thảo nghị quyết về thúc đẩy sinh kế trong bối cảnh biến đối khí hậu và đã được HĐNQ thông qua bằng đồng thuận với 80 nước tham gia đồng bảo trợ (Nghị quyết 53/6). Tại các Khóa 53 và Khóa 54 (tháng 9-10/2023), Việt Nam tiếp tục cùng các nước và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI)… thúc đẩy các sáng kiến về “tiêm chủng và quyền con người”, “chống phân biệt đối xử, bạo lực, quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc” dưới hình thức các tọa đàm quốc tế bên lề các khóa họp và xây dựng phát biểu chung tại HĐNQ. Các sáng kiến của Việt Nam được các nước hưởng ứng, tham gia đóng góp tích cực.
Việt Nam đã có hơn 80 phát biểu quốc gia trong những cuộc họp của HĐNQ về bảo đảm quyền con người trên những khía cạnh được cộng đồng quốc tế quan tâm như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm các quyền nhà ở, quyền lương thực, quyền văn hóa, quyền phát triển, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và tham gia 50 phát biểu chung về các chủ đề đa dạng của ASEAN, Phong trào Không liên kết, Nhóm Đồng quan điểm (Nhóm Đồng quan điểm có thành phần đa dạng, gồm khoảng 134 quốc gia đang phát triển, đại diện cho 80% dân số thế giới và 70% số thành viên Liên hợp quốc, với mục đích chính là điều phối, thúc đẩy các lợi ích, ưu tiên chung của các nước đang phát triển tại Liên hợp quốc nói chung và HĐNQ nói riêng), Nhóm Pháp ngữ và một số nhóm liên khu vực khác.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Hùng Việt, Việt Nam đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của các nước đang phát triển bảo vệ nguyên tắc không chính trị hóa, không sử dụng các vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Mặt khác, Việt Nam đã lắng nghe, tôn trọng các nhu cầu hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của các nước, thúc đẩy hợp tác, đối thoại để HĐNQ có thể hành động đáp ứng nhu cầu chính đáng của các nước trong lĩnh vực này.
Bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền của mọi người dân trên toàn thế giới
Ngày 12/12, Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (New York) đã tổ chức Lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cảm ơn các nước đã tin tưởng bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 đồng thời đề nghị các nước tiếp tục ủng hộ ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028; khẳng định mạnh mẽ, nếu trúng cử, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực, xây dựng và có trách nhiệm, phấn đấu thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới.
Ngay sau đó, chiều 19/12, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (New York) tổ chức Lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Trong hai năm đầu của nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam cũng đã tích cực hoàn thành trách nhiệm thành viên, trong đó đã tham gia Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV và đón Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển vào thăm Việt Nam với những kết quả rất tích cực. Đây là những nền tảng hết sức quan trọng để Việt Nam tiếp tục ứng cử làm Ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028.
“Tôi xin nhấn mạnh việc ứng cử của Việt Nam là khẳng định sự tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam tin tưởng rằng với những thành công đã đạt được, các nước sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam ứng cử vào nhiệm kỳ sắp tới. Chúng tôi cam kết sẽ phát huy vai trò tích cực, xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền của mọi người dân trên toàn thế giới”, bà Phạm Thu Hằng khẳng định.
Phát biểu bên lề khóa họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ hồi tháng 9/2024, Thư ký thường trực Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC) Iraklis Tsavdaridis đã có những đánh giá về chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Theo ông Iraklis Tsavdaridis, Việt Nam luôn chú trọng về quyền con người và việc bảo vệ quyền con người. Trước hết là quyền được sống trong hòa bình, quyền được hưởng phúc lợi, quyền được sống sung túc, quyền được cải thiện từng ngày về điều kiện sống. Điều này có thể thấy rõ qua việc Việt Nam đã đẩy lùi tình trạng đói nghèo cùng cực trong quá khứ.
Nguyễn Hà