Hệ thống sân bãi, đậu xe đưa đón hành khách tại Nhà ga T2 hiện đại
Niềm tự hào của Huế
Trong những năm tháng đất nước đổi mới, nhà tôi sống gần khu vực sân bay Phú Bài. Hồi ấy, mỗi dịp tan trường trên những con đường nhỏ, nhìn thấy sân bay Phú Bài rộng lớn với những đường băng dài và nhiều máy bay vào ra, tôi thích thú và tự hào, mơ một ngày được bay lên bầu trời cùng những cánh bay ấy.
Và giấc mơ đó đã thành hiện thực vào năm 2000, khi tôi có chuyến bay đầu tiên cho chuyến công tác của mình. Thời điểm đó, Phú Bài chỉ đáp ứng được các loại máy bay nhỏ, như IA K4, ART72, với tần suất hoạt động mỗi tuần/chuyến khi thời tiết tốt… Sau đó, sân bay Phú Bài được Cục Hàng không Việt Nam nâng cấp hoàn thiện, với công suất 650 hành khách/giờ, đảm bảo cho những tàu bay lớn cất, hạ cánh 24/24h kể cả thời tiết xấu..., đã góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Song có lẽ, mốc đáng nhớ nhất là vào năm 2007, thời điểm cùng với sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng, sân bay Phú Bài được Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) quyết định công nhận là Cảng HKQT, trở thành "thương hiệu" cảng hàng không sánh ngang với nhiều cảng HKQT khác trong nước. Dù vậy, thời điểm này sân bay Phú Bài vẫn gặp tình trạng phải chia sẻ thị phần đón đưa khách quốc tế với Cảng HKQT Đà Nẵng. Tuy nhiên, bằng các giải pháp tốt, Cảng HKQT Phú Bài đã duy trì và tăng dần lượng khách đến/đi qua hàng năm, nhất là thời điểm trước năm 2020, bình quân mỗi năm Cảng HKQT Phú Bài phục vụ trên 500 nghìn lượt khách qua cảng, tăng gấp 3 lần so với trước đó.
Đáp ứng yêu cầu mới, cuối năm 2019, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phối hợp UBND tỉnh (nay là TP. Huế) khởi công dự án (DA) Nhà ga T2 ở Cảng HKQT Phú Bài với tổng vốn đầu tư 2.280 tỷ đồng. Công trình gồm các hạng mục, như nhà ga hành khách; hệ thống tường rào; đường giao thông, mở rộng sân đỗ máy bay, đáp ứng 13 vị trí đỗ máy bay; sân đậu ô tô và các hạng mục phụ trợ... đủ điều kiện đón 5 triệu lượt hành khách/năm; trong đó có 1 triệu khách quốc tế. Ngày khởi công DA, hầu hết mọi người dân Huế vui mừng, bởi DA hứa hẹn sẽ thay đổi bức tranh kinh tế - xã hội toàn diện ở địa phương và khu vực miền Trung.
Tăng cường xúc tiến, mở đường bay mới
Trở lại Cảng HKQT Phú Bài mới đây, tôi cảm nhận một không gian người, xe ra vào rộn rã. Trong sân ga, hàng chục taxi, xe du lịch sắp hàng chuẩn bị đón khách; hệ thống Nhà ga T2, gồm tầng 1 và 2 sang trọng, hiện đại. Các phòng chờ, nhận hành lý, khu vực kiểm tra hành lý… khang trang, sạch sẽ. Bên ngoài sân ga, một trung tâm điều hành bay với các đài dẫn đường cất/hạ cánh thoáng đãng giữa không gian xanh.
Ông Đỗ Anh Đào, Phó Giám đốc Cảng HKQT Phú Bài chia sẻ, từ ngày Nhà ga T2 đưa vào hoạt động (6/2023), Cảng HKQT Phú Bài cũng đổi mới toàn diện theo tinh thần phục vụ khách hàng tốt nhất. Từ cán bộ lãnh đạo đến đội ngũ nhân viên, người lao động đều thay đổi phương cách làm việc mới với mục tiêu chung là lấy sự hài lòng của khách hàng làm trên hết. Với tinh thần ấy, Cảng HKQT Phú Bài đã đứng tốp đầu của hệ thống của Cảng Hàng không Việt Nam về chỉ số hài lòng của khách hàng và cảng có chất lượng dịch vụ cải tiến tốt nhất. Ngoài được đánh giá của UBND thành phố Huế đứng đầu về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, nhiều năm liền, Cảng HKQT Phú Bài còn được ngành tặng cờ thi đua và nhiều giải thưởng có giá trị khác…
Đề cập đến công suất khai thác, ông Đỗ Anh Đào cho rằng, sau dịp tết Ất Tỵ vừa qua, mỗi ngày cảng đón từ 30-35 lượt chuyến nội địa, với khoảng 5.500-6.000 hành khách. Con số khiêm tốn đó khiến nhiều người lo lắng bởi công suất khai thác của cảng chưa như kỳ vọng.
Lãnh đạo Cảng HKQT Phú Bài cũng thông tin, sau thời điểm Nhà ga T2 vào hoạt động, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, hãng bay đã ký biên bản “ghi nhớ, cam kết” với chính quyền địa phương và nhiều chuyến bay quốc tế đã đến Cảng HKQT Phú Bài, nhưng trong đó đa phần là những chuyến bay charter (bao nguyên chuyến) và chưa có nhiều chuyến bay thương mại.
Để Cảng HKQT Phú Bài phát huy tối đa công suất phục vụ hành khách, nhiều hội thảo, hội nghị địa phương và cấp vùng đã được tổ chức. Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, muốn khai thác tốt hơn những những đường bay quốc tế về Huế và ngược lại, yếu tố tiên quyết là sự đồng tâm hiệp lực của ban, ngành địa phương “tăng tốc”, tích cực khai mở thêm các tour tuyến, xúc tiến, quảng bá thu hút du lịch, cũng như xúc tiến đầu tư, để Huế luôn là điểm đến của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn quốc tế...
Rõ ràng, để Cảng HKQT Phú Bài trở thành đòn bẩy trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố sẽ cần nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ của nhiều ban, ngành, chính quyền địa phương... Song tôi cũng tâm đắc với những chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tại hội thảo Quy hoạch chung đô thị thành phố Huế hướng đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 mới đây: Cảng HKQT Phú Bài là biểu tượng của Huế, nó là động lực tạo hệ sinh thái liên vùng nằm trong chiến lược phát triển tổng thể của thành phố Huế, hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế, du lịch năng động của miền Trung. Chỉ cần có thêm những “cái bắt tay” đầy thiện chí thì Cảng HKQT Phú Bài sẽ tạo ra "cú hích" mạnh mẽ cho kinh tế địa phương, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch và việc làm cho lao động.
Bài, ảnh: Minh Trường