Khẳng định vai trò 'trụ cột' của tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo tại Gia Lai

Khẳng định vai trò 'trụ cột' của tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo tại Gia Lai
5 giờ trướcBài gốc
Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến (giữa); Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Lâm Hải Giang (bìa phải); Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Mạnh Tú chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có: ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; ông Nguyễn Mạnh Tú, Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng CSXH; đại diện lãnh đạo Ban Công tác Phụ nữ, TƯ Hội LHPN Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Gia Lai, Ngân hàng CSXH tỉnh Gia Lai.
Dư nợ ủy thác qua Hội LHPN các cấp tại tỉnh Gia Lai chiếm tỷ lệ cao nhất
Dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động của Ban đại diện HĐQT và Chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai từ năm 2024 đến 30/6/2025, kết quả thực hiện hoạt động tín dụng của NHCSXH tỉnh Gia Lai có nhiều điểm sáng.
Năm 2024 tổng nguồn vốn đạt 14.663 tỷ đồng, tăng 1.132 tỷ đồng so với 31/12/2023. Tính đến 30/6/2025, tổng nguồn vốn đạt 15.674 tỷ đồng, tăng 1.010 tỷ đồng so với 31/12/2024. Về vấn đề sử dụng vốn, từ đầu năm năm 2024, chi nhánh Gia Lai cho vay đạt doanh số 4.447 tỷ đồng cho hơn 91 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 3.316 tỷ đồng (bằng 74,5 doanh số cho vay). Từ đầu năm 2025 đến 30/6/2025 doanh số cho vay đạt 3.401 tỷ đồng, tăng 800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Về chất lượng tín dụng, NHCSXH phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã và các cơ quan liên quan rà soát, kịp thời hoàn thiện hồ sơ trìnhc ác cấp có thẩm quyền xem xét quyết định khoanh nợ, xóa nợ đối với những món vay đủ điều kiện, bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng vay vốn. Tính đến 30/6/2025, tổng nợ quá hạn toàn tỉnh chiếm 0,06% tổng dư nợ. Trong đó nợ quá hạn 9,69 tỷ đồng, chiếm 0,06% tổng dư nợ, tăng 1,37 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ khoanh 11 tỷ đồng, tỷ lệ 0,07% tổng dư nợ, giảm 2,3 tỷ đồng so với đầu năm.
Đại diện NHCSXH tỉnh Gia Lai trình bày cáo cáo
Đặc biệt, sau sáp nhập, hoạt động giao dịch xã được duy trì ổn định tại 373 điểm giao dịch xã, thủ tục công việc, thông tin các chương trình tín dụng chính sách, lãi suất, dư nợ, địa chỉ đường dây nóng, bộ thủ tục giải quyết công việc được công khai đầy đủ, kịp thời đúng quy định. Công tác phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác các cấp tiếp tục được triển khai. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội LHPN các cấp tại tỉnh Gia Lai đạt 6.540 tỷ đồng, chiếm 42,3% tổng dư nợ ủy thác với 2.269 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Hiệu quả của vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tiếp tục khẳng định vai trò "trụ cột" của tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo, góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo, hộ chính sách tại nông thôn, đã hạn chế tín dụng đen, tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, việc làm và an sinh xã hội.
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Gia Lai cuối năm 2024 từ 11,24% xuống còn 7,07%, giảm 4,17% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Bình Định cuối năm 2024 từ 3,13% xuống còn 1,01%, giảm 2,12%; tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Gia Lai cuối năm 2024 từ 8,11% xuống còn 6,06%, giảm 2,05%).
Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Vốn tín dụng chính sách xã hội được thực hiện tại 100% xã, phường, 2.692 thôn, làng, khu phố; đã thu hút, tạo việc làm cho hơn 46.858 lao động; tạo điều kiện gần 6 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 69.360 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; 5.860 hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 564 căn nhà ở xã hội, hỗ trợ xây dựng 1.613 căn nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ 575 hộ nghèo DTTS vay vốn mới, sửa chữa nhà để ở, 300 đối tượng chấp hành xong án phạt tù được vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh còn khó khăn như nhu cầu vốn để thực hiện chương trìnhc ho vay giải quyết việc làm tại địa phương còn rất lớn, nhưng nguồn vố này còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.
Chú trọng công tác tuyên truyền về sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng
Để thực hiện tốt hơn nữa hoạt động của Ban đại diện HĐQT tỉnh, củng cố nâng cao hoạt động chất lượng tín dụng tại tỉnh Gia Lai, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các thành viên Ban đại diện HĐQT, Giám đốc, cán bộ, nhân viên chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục bám sát các chỉ đạo, định hướng và giải pháp đã đề ra, trong đó Ban đại diện Hội đồng quản trị tỉnh cần bám sát chỉ đạo của HĐQT, văn bản hướng dẫn của NHCSXH, thường xuyên báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chi nhánh và các phòng giao dịch phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Ban giảm nghèo cấp xã tuyên truyền, triển khai, tổ chức quản lý, thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo đúng quy định của Chính phủ; duy trì các phiên họp định kỳ đúng thời gian quy định, để đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị của địa phương.
Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến (giữa) phát biểu tại buổi làm việc
Cùng với đó, NHCSXH tỉnh cần tiếp tục tham mưu cấp ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; tham mưu cấp ủy tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và cấc đối tượng chính sách khác; Chỉ đạo các Sở, Ban ngành liên quan, chi nhánh NHCSXH và các tổ chức CTXH nhận ủy thác, chú trọng lồng ghép giữa cho vay với việc chuyển giao công nghệ; phát triển giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm; bám sát các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương; Tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng giảm nợ quá hạn tại các phòng giao dịch, địa bàn có tỷ lệ nợ quá hạn cao; nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch xã, chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm vay vốn; giảm số Tổ tiết kiệm vay vốn xếp loại trung bình.
Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh các cấp cần thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nội dung ủy thác theo Văn bản liên tịch mới, Hợp đồng ủy thác mới đã ký kết; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến và phối hợp kịp thời trong việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội và hoạt động NHCSXH tại địa phương. Bên cạnh đó, các đồng chí Chủ tịch UBND cấp xã - thành viên Ban đại diện HĐQT cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, giát sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Trong công tác dân vận, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của người vay trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay, trả nợ lãi và gốc vốn vay; hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn tổ viên cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh giữa các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn để tăng hiệu quả sử dụng vốn; chủ động, thường xuyên rà soát, bổ sung đối tượng vay vốn; thường xuyên, rà soát nắm bắt thông tin người vay vốn, đặc biệt đối với các đối tượng vay vốn đi khỏi nơi cư trú để có các giải pháp quản lý, xử lý nợ phù hợp.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Gia Lai, Đoàn kiểm tra, giám sát ghi nhận và báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản trị xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Lâm Hải Giang tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến, đồng thời nhấn mạnh Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục nghiên cứu và đặc biệt quan tâm đến công tác ủy thác cho vay vốn của NHCSXH thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, chỉ đạo sát sao, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cấp trong thời gian tới.
Thu Hà
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/khang-dinh-vai-tro-tru-cot-cua-tin-dung-chinh-sach-trong-cong-tac-giam-ngheo-tai-gia-lai-20250728113808636.htm