Khẳng định vị thế 'đầu tàu' kinh tế của tỉnh

Khẳng định vị thế 'đầu tàu' kinh tế của tỉnh
7 giờ trướcBài gốc
HOÀNG ĐĂNG KHOA
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai
Ngày 30/11/2004, Chính phủ ban hành Nghị định thành lập thành phố Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai và ngày này trở thành ngày thành lập thành phố Lào Cai. Trong suốt 20 năm qua, các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân các dân tộc thành phố Lào Cai luôn đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm xây dựng thành phố tỉnh lỵ Lào Cai ổn định về chính trị, phát triển nhanh và bền vững về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vững chắc, là thành phố hiện đại, văn minh, “sáng - xanh - sạch - đẹp”, khẳng định vị thế “đầu tàu” phát triển của tỉnh, thực hiện vai trò, sứ mệnh là điểm “cửa ngõ”, “cầu nối” trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Khi mới thành lập, thành phố Lào Cai phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng bằng những quyết sách đúng, phù hợp, linh hoạt của tỉnh và thành phố, những nút thắt dần được tháo gỡ, thành phố vững bước đi lên, từng bước khẳng định vị thế, vai trò “đầu tàu” phát triển của toàn tỉnh. Thành phố Lào Cai - thành phố tỉnh lỵ giáp biên giới duy nhất trong cả nước - ngày càng được bạn bè trong và ngoài nước biết tới và tìm đến triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Sự phát triển của thành phố Lào Cai có thể thấy rõ từ góc độ kinh tế: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố luôn chiếm trên 40% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2022, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 5.000 tỷ đồng, năm 2024 ước đạt 8.370 tỷ đồng.
Bên cạnh số thu ngân sách nhà nước tăng qua từng giai đoạn, từng thời kỳ, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế khác cũng khẳng định vai trò “đầu tàu” kinh tế của thành phố Lào Cai. Đó là năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 13,7%; thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 104 triệu đồng/năm (giai đoạn 2005 - 2010 đạt 7,95 triệu đồng/người/năm). Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2005 chỉ đạt khoảng hơn 30 tỷ đồng, năm 2024 ước đạt 2.372 tỷ đồng. Thành phố Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch (năm 2024 ước đạt 3,3 triệu lượt khách). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 là 9,89%, đến hết năm 2024 cơ bản thành phố không còn hộ nghèo.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai từ năm 2010 đã và đang tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn của thành phố. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất được quan tâm đầu tư, nâng cấp; hệ thống giao thông nông thôn cơ bản hoàn thiện và được nhựa hóa, bê tông hóa. 100% xã và hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Thành phố từng bước mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa, phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao; năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên.
Ngày 15/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 68/QĐ-TTg về công nhận thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Lào Cai lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 5 xã Đồng Tuyển, Thống Nhất, Tả Phời, Hợp Thành, Cốc San là xã nông thôn mới nâng cao…
Thành phố Lào Cai có vai trò quan trọng trong đóng góp vào GDP và ngân sách, giữ vững vị trí “đầu tàu”, đi đầu đổi mới - sáng tạo trong công cuộc phát triển kinh tế của cả tỉnh. Trong giai đoạn phát triển mới - giai đoạn tăng trưởng kinh tế của thành phố chuyển biến từ chiều rộng sang chiều sâu - chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển biến quan trọng theo hướng gia tăng khu vực dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.
Để có những kết quả tăng trưởng kinh tế đó, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã có những quyết sách quan trọng, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Thành phố Lào Cai xác định vai trò là trung tâm kinh tế của tỉnh; là hạt nhân, tạo sức lan tỏa, phát triển cho các huyện, thị xã, là cơ sở, động lực bảo đảm xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc.
Thành phố đã khai thác và sử dụng tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trong đó tạo bước đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ; lấy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là trọng tâm; sản xuất nông nghiệp giữ vai trò quan trọng. Quan tâm phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, tạo môi trường ổn định để xây dựng thành phố Lào Cai phát triển toàn diện.
20 năm qua là một chặng đường quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của thành phố Lào Cai, đánh dấu sự trưởng thành và đóng góp to lớn vào sự phát triển của tỉnh Lào Cai. Thành phố Lào Cai là địa phương tiên phong, khởi xướng, đột phá nhiều chủ trương, cách làm, đem lại hiệu quả, tạo sức lan tỏa, giúp tỉnh kịp thời ban hành hoặc có những điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp.
Cùng với đó, sự năng động, sáng tạo, các thế hệ lãnh đạo và người dân thành phố đã xây dựng nên một đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, “đầu tàu” kinh tế, là hình mẫu của đổi mới và phát triển của tỉnh.
Trên chặng đường phát triển, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng thành phố vẫn luôn quyết tâm bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Lào Cai lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, mục tiêu chung là xây dựng thành phố Lào Cai trở thành đô thị loại I, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là trung tâm khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc về dịch vụ, thương mại, xuất - nhập khẩu, logistics, du lịch, công nghiệp phụ trợ. Tầm nhìn đến năm 2050 là thành phố giàu đẹp, thông minh, hiện đại, phát triển toàn diện, thuộc nhóm các thành phố phát triển của cả nước.
Chỉ tiêu cụ thể, giai đoạn 2026 - 2030: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 16%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 230.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 17.000 tỷ đồng; tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt trên 10 triệu lượt; mở rộng đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 90%...
Để đạt những mục tiêu đó, thành phố Lào Cai đề ra một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng đô thị loại I, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng đô thị, kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế cửa khẩu, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng, đối ngoại. Tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu theo hướng dịch vụ, du lịch - thương mại là mũi nhọn, chiếm tỷ trọng chủ yếu; công nghiệp là trụ cột, thu hút nguồn nhân lực; nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao là quan trọng. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...
Với đầy đủ tiềm năng, lợi thế, với cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội cùng với sự quyết tâm, truyền thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của chính quyền và Nhân dân, thành phố Lào Cai sẽ tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của tỉnh, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Lào Cai ngày càng phát triển.
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/khang-dinh-vi-the-dau-tau-kinh-te-cua-tinh-post394102.html