Khẳng định vị thế số 1 về nông nghiệp công nghệ cao

Khẳng định vị thế số 1 về nông nghiệp công nghệ cao
5 giờ trướcBài gốc
Sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Nói đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thể hiểu đó là một nền nông nghiệp được ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Năm 2024 xuất khẩu rau, quả tăng 19% so với cùng kỳ.
THÀNH TỰU HIỆN TẠI
Do đó, để đạt được mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, Lâm Đồng đã và đang thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển nông nghiệp; xây dựng và phát triển vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và hướng tới thị trường xuất khẩu.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Lâm Đồng có 208 cơ sở sản xuất cây giống và mỗi năm xuất ra khoảng 10,590 triệu cây giống hàng năm. Bên cạnh đó, với hệ thống 82 ha vườn cây đầu dòng sản xuất 39 giống cây công nghiệp và cây ăn quả, cung ứng hàng năm trên 11 triệu cây giống. Chỉ tính riêng lĩnh vực nuôi cấy mô, hiện có 56 cơ sở, hàng năm sản xuất 72,3 triệu cây giống rau, hoa, trong đó cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu khoảng 35 triệu cây. Với quy mô và sản lượng cây giống nêu trên cho thấy nền móng công nghiệp sản xuất giống cây trồng của Lâm Đồng đứng đầu cả nước.
Bên cạnh đó, từ sự chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu Lâm Đồng cũng đã đạt được những thành tựu vượt trội.
Bằng chứng là, trên vùng đất phía Nam Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng cũ), đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 69.637 ha chiếm trên 21,2% diện tích canh tác nông nghiệp hàng năm. Trong đó 600 ha ứng dụng công nghệ thông minh, 15.000 ha sản xuất an toàn và 2.000 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ... Ngoài ra hiện có 1.600 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 500 hợp tác xã nông nghiệp với tỷ lệ 80% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, đạt doanh thu từ 2 tỷ đồng/năm trở lên. Song song đó hình thành, công nhận được 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Tương tự, vùng sinh thái đất đỏ bazan bán cao nguyên (tỉnh Đắk Nông cũ) cũng hình thành 130 loại cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Đồng thời triển khai xây dựng 7 vùng nông nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao và đến năm 2030 sẽ hình thành 25 vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao với diện tích 10.000 ha, trong đó có 18 vùng trồng trọt...
Còn đối với vùng sinh thái nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (tỉnh Bình Thuận cũ) cũng đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, trên 27.200 ha cây trồng áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; trong đó sản xuất trong nhà màng, nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo hướng tự động... gần 4.000 ha. Ngoài ra, có hơn 42.000 ha lúa áp dụng phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước; đặc biệt có trên 9.000 ha thanh long canh tác theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ...
Hiện Lâm Đồng có 50 ha sản xuất công nghệ thủy canh đạt năng suất 300 tấn/năm. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
TIẾP NỐI PHÁT TRIỂN
Với số liệu nêu trên, có thể khẳng định rằng nền nông nghiệp Lâm Đồng mà thành tựu nổi bật nhất là phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nêu trên tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế.
Theo TS. Phạm Hồng Thái - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, hiện cả nước có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các địa phương công nhận, còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) công nhận 51 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Địa phương có số hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cao nhất cả nước đó là Lâm Đồng với 36 xã. Được biết, các tiến bộ về khoa học - công nghệ được ứng dụng đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 30% trong sản xuất giống cây trồng.
Cũng cần nói thêm rằng, Lâm Đồng hôm nay có quy mô diện tích tự nhiên là 24.235 km2, mở rộng gấp tỉnh Lâm Đồng (cũ) 2,5 lần, trải dài từ độ cao trên 1.600 m cho tới vùng biển Đặc khu Phú Quý. Vì thế cho nên, Lâm Đồng hiện tại không chỉ rộng nhất cả nước, mà còn là một thực thể mới mang cấu trúc đặc biệt: Đa vùng. Yếu tố đa vùng về địa lý tự nhiên tạo ra bức tranh nông nghiệp Lâm Đồng rộng lớn với các vùng sinh thái sản xuất nông nghiệp đa dạng, đặc trưng khác nhau. Điều đó cũng đặt ra bài toán phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian đến với nhiều giải pháp đồng bộ từ canh tác, quản lý sinh vật hại đến công nghệ sau thu hoạch...
Tuy nhiên, giải pháp trước tiên phải bắt đầu từ quy hoạch vùng trồng. Và theo như TS. Phạm Hồng Thái thì phải hình thành “vùng nông nghiệp công nghệ cao Nam Tây Nguyên - Nam Trung bộ”. Có như thế, Lâm Đồng mới có thể tiếp tục khẳng định vị thế số 1 về ứng dụng công nghệ cao của cả nước. Đó là vùng sinh thái ôn đới chuyên sản xuất rau, hoa, dâu tây, chè, cà phê, cây dược liệu, cá nước lạnh, bò sữa chất lượng cao; vùng đất đỏ bazan bán cao nguyên chuyên sản xuất cà phê, hồ tiêu, lúa gạo hữu cơ, cây ăn quả...; vùng khô hạn duyên hải sản xuất thanh long, nho, táo, măng tây, dưa lưới... Song song đó xây dựng hệ sinh thái chế biến liên vùng, nhất là hình thành các trung tâm chế biến nông sản theo cụm.
Cuối cùng “Lâm Đồng cần tận dụng lợi thế địa hình và khí hậu khác biệt để phát triển nền nông nghiệp đa dạng, bổ trợ vùng, không cạnh tranh nội vùng”, TS Phạm Hồng Thái nhấn mạnh.
XUÂN TRUNG
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/khang-dinh-vi-the-so-1-ve-nong-nghiep-cong-nghe-cao-381217.html