Ngày 14/5, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sẽ bố trí trụ sở các cơ quan tỉnh, bố trí nhà ở công vụ, thuê xe dịch vụ, mở tuyến xe buýt hỗ trợ việc đi lại của cán bộ, công chức, viên chức sau nhập tỉnh.
Trụ sở các cơ quan của tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng.
Theo thống kê, sau sáp nhập tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, số lượng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục làm việc tại TP Nha Trang 2.193 người.
96 người có nhu cầu nhà ở công vụ thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 11 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện, quỹ nhà ở công vụ tỉnh Khánh Hòa đang quản lý trống 18 căn, thiếu 78 căn nhà ở công vụ để đáp ứng đủ nhu cầu.
Vì vậy, Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa đề xuất bố trí vào quỹ nhà ở khác, mua hoặc thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ.
Đối với 2.097 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đủ điều kiện bố trí nhà ở công vụ được đề xuất bố trí cho thuê các quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước; hỗ trợ kinh phí để tự thuê nhà ở.
Trong tổng số 2.169 người có nhu cầu bố trí phương tiện đi lại, có 11 người sử dụng xe công vụ cơ quan tự sắp xếp hoặc thuê đưa đón. 1.713 cán bộ công chức tự túc xe cá nhân và được hỗ trợ chi phí di chuyển. 469 người có nhu cầu sử dụng xe buýt theo lộ trình cố định do UBND tỉnh sắp xếp.
Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa cũng đề xuất cơ chế hỗ trợ từng nhóm đối tượng cụ thể.
Trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa (mới) đặt tại Nha Trang.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, sau khi sáp nhập tỉnh sẽ có số ít cơ quan, đơn vị được bố trí làm việc tại Ninh Thuận, còn lại làm việc ở TP Nha Trang.
Do đó, các sở, ngành, đơn vị cần tận dụng tối đa các trụ sở cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Nha Trang để bố trí cho các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập. Sở Tài chính khẩn trương làm việc với các địa phương rà soát, kiểm kê tài sản công để có phương án tham mưu kịp thời bố trí, sử dụng bảo đảm hiệu quả sau sáp nhập.
Cũng theo ông Tuân, đối với cán bộ công chức đủ tiêu chuẩn bố trí nhà công vụ cần sớm lên phương án bố trí đủ; số cán bộ công chức, viên chức không thuộc diện bố trí nhà công vụ chỉ được hỗ trợ ban đầu nên phải chờ HĐND tỉnh Khánh Hòa (mới) quyết định.
"Tôi giao các sở, ngành liên quan xây dựng phương án thuê phương tiện để vận chuyển cán bộ từ TP Phan Rang ra TP Nha Trang làm việc (thứ 2 đi, thứ 6 về). Đồng thời, nghiên cứu mở tuyến xe buýt Nha Trang - Phan Rang và ngược lại để người dân thuận lợi đi lại. Sở Tài chính phối hợp với các sở, ban, ngành làm việc với các nhà đầu tư để sớm triển khai xây dựng nhà ở xã hội, ưu tiên cho cán bộ từ Ninh Thuận ra Nha Trang công tác", ông Tuân yêu cầu.
Ngày 28/4, tại Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, 100% đại biểu đã biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận.
Theo nghị quyết, sau khi hợp nhất 2 tỉnh, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ có diện tích hơn 8.500km2, dân số hơn 2,2 triệu người và 65 đơn vị hành chính cấp xã.
Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh sau hợp nhất sẽ đặt tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tưởng Cao Sơn