Nhiều năm nay, khai thác cát, sỏi trái phép ở Khánh Hòa diễn biến phức tạp, nguyên nhân do nhu cầu sử dụng cát xây dựng ngày càng cao, trong khi việc tổ chức đấu giá, cấp phép khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát gần như không triển khai được.
Khánh Hòa kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với các khu vực hoạt động không hiệu quả, gây ô nhiễm.
Về phương án đấu giá mỏ khoáng sản, trong đó có các mỏ cát, ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa cho hay: Hiện Khánh Hòa đang chờ Quốc hội điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2026 - 2030, trong đó có chỉ tiêu quy hoạch đất khoáng sản. Khi chỉ tiêu đất khoáng sản tăng, Khánh Hòa mới tính đến phương án đấu giá, cấp phép mỏ mới.
Cũng theo ông Quang, bên cạnh điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch đất khoáng sản, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ xin ý kiến Bộ Tư pháp về mức giá khởi điểm để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trong đó có các mỏ cát. Khi có mức giá khởi điểm, UBND tỉnh Khánh Hòa mới tổ chức đấu giá được.
Chỉ khi mỏ khoáng sản, mỏ cát được cấp phép mới hy vọng giảm bớt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như trong thời gian qua, ông Quang cho biết thêm.
Mới nhất, để xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi trên các tuyến đường thủy nội địa, ngày 5/5/2025, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông trên địa bàn toàn tỉnh.
"Phải có biện pháp ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi không phép, không rõ nguồn gốc; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng nạo vét, khơi thông luồng để khai thác khoáng sản trái phép", văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ.
Công Hưng