Tại hội thảo quốc tế “Đổi mới và phát triển biển bền vững năm 2025” diễn ra ngày 26/7, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa Phạm Quốc Hoàn nhấn mạnh, với hơn 490km bờ biển và hàng trăm hòn đảo, Khánh Hòa coi kinh tế biển không chỉ là trụ cột tăng trưởng mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ cho đổi mới và hội nhập quốc tế. "Hiện các ngành kinh tế biển đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh và chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ vượt 10%," ông Hoàn khẳng định.
Chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo “Đổi mới và phát triển biển bền vững năm 2025”.
Theo ông Hoàn, để hiện thực hóa tầm nhìn này, Khánh Hòa đã xác định rõ các ưu tiên chiến lược như: Nuôi biển công nghiệp, sản xuất giống hải sản chất lượng cao (cá biển, tôm giống); phát triển du lịch biển chất lượng cao, thân thiện với môi trường; chuyển đổi số trong lĩnh vực chế biến thủy sản và quản lý khai thác biển; từng bước tiếp cận và làm chủ các công nghệ đại dương mới như công nghệ sinh học biển, robot dưới nước và hệ thống quan trắc biển thông minh.
Tại hội thảo, các chuyên gia thảo luận xoay quanh các vấn đề như: Chuyển đổi số trong ngành công nghiệp chế biến hải sản, thúc đẩy phát triển bền vững hàng hải, giải pháp nâng cao ngành nuôi trồng thủy sản…
Tiến sĩ Huỳnh Văn Vũ - Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông, Đại học Nha Trang, cho biết: Việt Nam sở hữu vùng biển rộng lớn, tạo điều kiện lý tưởng cho việc phát triển các trang trại nuôi trồng thủy sản. Tại Khánh Hòa, hiện đang tồn tại song song mô hình nuôi thủy sản biển truyền thống gần bờ và các hình thức nuôi hiện đại được ứng dụng kỹ thuật, thiết bị và vật liệu tiên tiến.
Mô hình nuôi biển công nghệ cao ở Khánh Hòa.
Tuy nhiên, kết cấu của hệ thống nuôi, kỹ thuật nuôi hiện tại vẫn còn thiếu an toàn, quy mô nhỏ, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. “Để nâng cao sản lượng và giảm thiểu tác động tiêu cực, đòi hỏi phải có các mô hình mới hiện đại hơn, vùng nuôi phải chuyển ra khu vực xa bờ hơn”, Tiến sĩ Vũ nói.
Trong khi đó, Giáo sư Trang Sĩ Trung (Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nha Trang) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ số để cải thiện quy trình cân đo, quản lý dòng vật liệu, kiểm soát tổn thất chính xác hơn và nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc trong các nhà máy chế biến.
"Việc ứng dụng công nghệ số giúp cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Ngay cả những thay đổi nhỏ, như áp dụng một quy trình cụ thể trong số hóa cũng có thể mang lại hiệu quả rõ rệt", Giáo sư Trung chia sẻ.
Thanh Thanh