40 đơn vị sau sắp xếp gồm 29 xã, 10 phường và 1 đặc khu, tỉ lệ tinh gọn đạt 69,69 % tương đương giảm 92 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, thành phố Nha Trang là địa phương thực hiện tinh gọn mạnh mẽ nhất, từ 22 xã, phường chỉ còn 3 phường gồm Nha Trang, Bắc Nha Trang, Nam Nha Trang.
Các huyện, thị xã, thành phố còn lại cũng giảm số lượng xã, phường. Sau sắp xếp, thị xã Ninh Hòa còn 8 xã, phường; huyện Diên Khánh còn 6 xã, huyện Khánh Vĩnh còn 5 xã…
Chào cờ đầu năm trên đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa
Huyện đảo Trường Sa từ 3 xã, thị trấn sẽ trở thành đặc khu. Các đơn vị hành chính trong phương án dự kiến cơ bản vẫn giữ tên địa phương cấp huyện ban đầu gắn với số thứ tự. Tên gọi nói trên chỉ là dự kiến, các địa phương còn nghiên cứu, thống nhất đặt tên đơn vị hành chính sau sắp xếp đảm bảo theo quy định.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, UBND tỉnh vừa yêu cầu Sở Nội vụ và các địa phương liên quan khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Trong đó, UBND cấp xã lập danh sách cử tri để lấy ý kiến đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa phương mình và đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; tổ chức lấy ý kiến cử tri đảm bảo công khai, dân chủ, đúng pháp luật.
Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa dự kiến chỉ còn 3 phường
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị: “Xin ý kiến cộng đồng dân cư về việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, tên gọi, trụ sở đặt tại đâu. Cấp xã, phường tổ chức xin ý kiến nhân dân để có tên của xã mới. Ban Thường vụ tỉnh ủy cũng xác định tên gọi mới phải gắn liền với văn hóa vùng, miền, tạo ra cảm xúc, ấn tượng khi địa phương mình được mang tên đó, phải là những tên ăn sâu vào tâm trí người dân”- Ông Nguyễn Tấn Tuân nói.
Thái Bình/ VOV-Miền Trung